Ngôi chùa có cặp hạc rùa kỳ lạ thích tu và hiểu tiếng người

Thứ ba - 07/07/2015 08:32
Ngôi chùa không chỉ nổi tiếng bởi “tình bạn” giữa cặp rùa và hạc, thích tu, hiểu tiếng người, mà đặc biệt còn được biết đến với loài sen có thể "cõng" được người.

Chuyện như trong cổ tích nhưng lại tồn tại giữa đời thường. Trong buổi tiếp xúc cùng chúng tôi, trụ trì Phước Kiển Tự (Nha Mân, Châu Thành, Đồng Tháp), Thích Huệ Từ cho biết: “Ngôi chùa là của gia đình tôi tự xây cất để thờ phụng phật trời và tổ tiên. Trước đây, chú tôi là Thầy Thích Huệ Trí là trụ trì đầu tiên. Năm 8 tuổi, tôi vào chùa theo chú tu hành rồi sau đó tiếp quản cho đến nay. Từ khi vào chùa, tôi chứng kiến nhiều sự vật lạ lùng nhưng không dám cho nhiều người biết. Bởi vì, người nào tin thì thôi, người không tin lại cho rằng mê tín dị đoan”.

Kỳ duyên tương ngộ

Từ vùng đất Nha Mân, chúng tôi dừng chân ở chợ hỏi thăm đường vào chùa Phước Kiển không ai biết. Tuy nhiên, khi được hỏi chùa nào có loài sen lá to kì lạ và nơi xuất phát “tình bạn” quy và hạc thì người dân ai cũng rành. Anh Trương Văn Mến (ngụ Nha Mân, Châu Thành, Đồng Tháp) bảo với chúng tôi rằng, ở đây người ta quen gọi là chùa “lá sen”, chẳng ai nhớ đến tên thật của ngôi chùa này cả. Ngôi chùa ở sâu bên trong, từ chợ phải qua 10 cây cầu thì tới. Theo hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi cũng dò tìm được đến ngôi chùa kỳ lạ này. Sân chùa vắng lặng, giữa sân có một cái ao sen với những chiếc lá to hơn chiếc nong đựng lúa. Gió mát từ sông thổi vào khiến khách phương xa đến viếng tự cảm thấy sảng khoái tinh thần. Từ trong chùa, một sư thầy tuổi ngoài bảy mươi, bước ra chào chúng tôi và vui vẻ mời viếng chùa.

Thầy trụ trì cho biết, chú rùa đã chết này bò vào chùa từ năm 1948. Nó là loại rùa nước ngọt nên dáng vẻ rất hiền và nhỏ bé. Thời buổi loạn ly, chùa bị giặc dội bom mấy lần, phải sơ tán khắp nơi. Những lúc ấy, thầy trụ trì và chú mà cũng thất lạc nhiều lần. Năm 1970, thầy trụ trì trở về tu bổ và sửa sang lại ngôi chùa. Chẳng biết sao, rùa lại biết đường mà quay về chùa. Tuy nhiên, chú rùa vừa đến trước ngõ thì bị một người con gái bắt. Cô ta bắt thầy trụ trì phải trả 1.500 đồng mới cho chuộc rùa về. Thầy thương rùa xa nhà đã lâu nên tìm đủ mọi cách, gom hết số tiền ít ỏi tích góp nhưng cũng không đủ. Đúng ngày, cô gái mang rùa ra chợ bán. Thầy trụ trì gom đủ số tiền liền chạy theo xin chuộc lại. Kể từ ngày đó, rùa làm bạn cùng thầy. Thầy bảo gì quy cũng nghe, tuyệt nhiên không bỏ chùa đi lần nữa.


Đôi hạc – rùa làm bạn với trụ trì Thích Huệ Từ

Kể lại chuyện con rùa và con hạc sống thân thiết với nhau trong chùa, trụ trì Thích Huệ Từ cho biết: “Năm 1999, tôi ra chợ thấy người nông dân buộc chân, rao bán một con hạc to, cao đến hơn 1m. Thấy hạc là con vật linh thiêng, hơn nữa tôi là người tu hành không thể đứng nhìn kẻ khác sát sinh nên gom hết tiền mua con hạc ấy về với giá 3,2 triệu đồng để phóng sinh. Thế nhưng, sau khi cởi dây, con hạc không có biểu hiện sợ hãi mà tỏ ra vô cùng thân thiện, đứng yên một chỗ không chịu bay đi”.

“Tình bạn” của rùa và hạc

Khi mua hạc về, thầy Từ cũng ngạc nhiên vì quy- hạc vốn không chung loài bỗng trở nên gắn bó. Thầy trụ trì khẳng định: Hai con vật này không khi nào có xung đột với nhau. Bình thường con hạc cũng không bay ra ngoài kiếm ăn mà chỉ đi lại bên con rùa. Đêm thầy ngồi tịnh, hai con vật cũng đứng bên cạnh. Đôi khi con hạc còn giang sải cánh dài hơn 2m che ngang đầu tôi. Con rùa thì lâu lâu lại dúi đầu vào chân tôi như thể để chắc chắn tôi còn sống.

Tuy nhiên, tình bạn khăng khít, kỳ lạ đó sớm ngày bị chia cắt. Thầy cho biết: Một dạo có tin Trung tâm Bảo vệ động vật hoang dã đến bắt hạc về. Tuy nhiên trước đó mấy ngày, hạc bỗng chốc bỏ chùa bay mất. Sau cái ngày con hạc bay đi, chùa lại có chuyện lạ. Thầy trụ trì khẳng định, từ ngày con hạc bay mất con rùa ở lại không ăn không uống, chẳng được mấy ngày thì chết. Thương tiếc, cảm kích loài vật nhưng sống có tình có nghĩa, thầy trụ trì mang xác quy để nơi chánh điện ngày cũng như đêm tụng kinh siêu độ, cầu mong quy và hạc sớm gặp lại nhau.

Một số người dân kể về câu chuyện như gia thoại về chú rùa thông minh trong chùa. Có lần, tên Mười Phu, Trung đoàn trưởng quân ngụy đóng bên kia sông nghe tin chùa có con quy rất khôn, bèn dắt lính mang súng sang thử. Mười Phu nói với thầy trụ trì rằng, bây giờ ông xách nó ra cổng chùa, nếu nó bò ngược trở vào chùa đúng chỗ người ngồi thì lính tráng sẽ không làm phiền chùa nữa. Ngược lại, nếu rùa bò lệch đường, đám lính sẽ bắn chết, đem về làm mồi nhậu. Ban đầu, thầy trụ trì nghe tên Mười Phu nói thế cũng ngần ngại. Thầy sợ rằng nếu chẳng may rùa bò sai chỗ sẽ bị bắn chết. Không còn lối thoát nên thầy gật đầu đồng ý. Rùa được thầy mang ra cổng. Vừa đặt xuống đất, quy chậm chạp ngước đầu nhìn xung quanh rồi bò vào chùa trước những cặp mắt ngạc nhiên của đám lính ngụy.


Xác của chú rùa thông minh được giữ lại

Không thể để mất mặt, Mười Phu hạ lệnh cho đám lính mang rùa ra tận mép sông để thử tiếp. Lần này, hắn cẩn thận bảo đàn em đắp một con đường bằng bùn dẫn xuống sông với hy vọng rùa lâu ngày sống trên cạn, sẽ nhớ nước mà bò theo hướng khác. Ngờ đâu, con rùa vẫn lặng lẽ quay đầu bò vào chùa. Tên Mười Phu hốt hoảng hô lính bỏ về. Sau đó, hắn sợ hãi đốt nhang khấn xin trời phật tha tội vì lỡ nói lời xúc phạm linh vật.

Theo thầy Huệ Từ, nói là kỳ lạ nhưng hai loài này gần gũi nhau cũng là chuyện bình thường. Một khi hai con vật, tiếp xúc với nhau lâu nó sẽ trở thành thân thiện.

Hạc làm theo lời nói của con người?

Thấy hạc quyến luyến, thầy nghĩ con vật này chắc quí cửa chùa thanh tịnh nên để lại bên mình. Cũng từ đấy, thầy thấy từ con hạc lạ có những chuyện ly kỳ. Trao đổi vấn đề trên, trụ trì Thích Huệ Từ nhớ lại: Năm đó có một thợ ảnh đến chụp hoa sen quí ở chùa. Anh này thấy hạc lấy làm thích thú, ngỏ ý xin tôi cho hạc đứng trên lá sen để chụp một bức ảnh. Tôi bảo hạc, hạc liền đáp xuống lá sen giang hai cánh, miệng kêu to. Anh thợ ảnh xem chừng sợ chân hạc có vuốt nhọn làm rách. Tôi nói vui có ý bảo nó co móng lên không ngờ nó làm theo như thật.

Nguồn tin: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây