Chính sự đổi thay này đã khiến cho những ai chưa có cơ hội tỏ bày lòng biết ơn của mình đối với ân nhân và chưa kịp sống tử tế với nhau thì sẽ cưu mang niềm tiếc thương, ân hận khi biết được người thân yêu đã vắng bóng, xa lìa! Để không tạo ra sự hối tiếc, hụt hẫng về sau, ta cần phải sống cho tử tế và hết lòng quý mến nhau trong thời điểm hiện tại, không nên chờ đợi, hứa hẹn sẽ làm điều gì đó ở tương lai.
Sống tử tế là một trong những đức tính cao quý và cần thiết, nhằm giúp cho các mối quan hệ xóm giềng, thân hữu được dễ dàng hiểu và thương kính nhau nhiều hơn. Sống tử tế chính là thái độ ứng xử bằng cái tâm trung thực, thủy chung trước sau như một, đồng thời lối sống này là yếu tố then chốt để tạo ra niềm tin vững chắc giữa các mối quan hệ kinh tế đa phương.
Vì sự trong sáng và chân thật của mỗi cá nhân là góp phần xây dựng nên một doanh nghiệp có uy tín, có chất lượng, thể hiện nếp sống văn minh tiến bộ và dĩ nhiên sẽ được mọi người tín nhiệm, hưởng ứng cũng như quan tâm hỗ trợ.
Đối với tình cảm bạn bè đôi lứa cũng vậy, nếu chàng thanh niên có đức tính thủy chung, chân thật và trong sáng thì chắc chắn người con gái sẽ đem lòng quý mến và hết mực thương yêu! Ngược lại, nếu một ai đó sống hờ hững, xao lãng và không thật lòng với nhau, nói một đàng làm một nẻo thì sớm muộn gì cũng bị mọi người phát hiện ra, và như vậy sẽ không ai dám tin tưởng để hợp tác quan hệ.
Do đó, sống cho tử tế với nhau chính là điều kiện căn bản để mọi người đặt trọn niềm tin và giao hảo thân thiện đối với mình.
Thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đời sống vật chất lên cao, sung túc nhưng ngược lại nhân cách đạo đức của con người thì bị suy thoái trầm trọng! Có không ít người vướng vào các tệ nạn lừa đảo, trộm cướp, v.v… mà báo chí đăng tải mỗi ngày đến mức báo động, thậm chí họ còn len lỏi vào trong chốn chùa chiền để mưu mô, lừa gạt.
Từ thực trạng tiêu cực này đã khiến cho con người khó tin tưởng lẫn nhau và luôn luôn tạo ra sự phòng hộ, đắn đo, suy tính kỹ lưỡng trong mối quan hệ giao thiệp. Vậy thì những tệ nạn này do đâu mà có? Và nếu trong tâm mỗi người còn hiện hữu các yếu tố tiêu cực này, thì thử hỏi chúng ta có thể tự do hạnh phúc được hay không? Chắc chắn rằng, khi các tệ nạn này có mặt thì con người sẽ phải đối diện với nhiều cay đắng khổ đau, cho nên không một ai dại khờ mong muốn những điều tệ hại này xảy ra cả.
Thực chất, nếu chúng ta biết bình tâm để suy nghiệm cho thấu đáo thì sẽ thấy rõ nguyên nhân chính yếu là do con người thiếu sự sáng suốt và không làm chủ được tâm ý nên mới trở thành lối sống bê tha, yếu kém gây ảnh hưởng xấu đến cho gia đình và cho cộng đồng xã hội.
Tâm ý của con người được ví như con khỉ chuyền cành, như con ngựa chạy hoang không tuân thủ theo người điều khiển cho nên cần phải có một sợi dây cương để buộc chúng lại. Cũng vậy, nếu như ta không biết cách chuyển hóa và điều phục tâm ý của mình thì toàn bộ hành động, lời nói thể hiện trong đời sống hàng ngày sẽ dễ dàng tạo ra các tội lỗi xấu xa đáng tiếc. Chính vì lẽ đó cho nên Đức Thế Tôn dạy rằng:
“Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo.
Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng, không rời hình”.
(Kinh Pháp cú, câu 1&2)
Thật rõ ràng, lời nói và hành động chỉ là công cụ để cho tâm ý vẽ vời điều khiển. Nếu với ý nghĩ bất thiện, nhiễm ô thì hệ quả chắc chắn sẽ có mặt ngay sau đó, như bánh xe lăn theo chân con vật. Ngược lại, khi tâm ý sáng suốt, trong lành thì niềm an lạc giải thoát tức thời hiện hữu như bóng không rời hình. Cho nên nhận diện tâm, điều phục tâm là điều kiện tất yếu để khai mở tuệ giác vốn có trong mỗi chúng ta, và cuộc đời này có an vui hạnh phúc hay không là tùy thuộc sự hiểu biết của mỗi người.
Nếu bạn có cái nhìn khách quan, trong sáng và biết tùy thuận theo chuỗi vận hành của nhân-duyên-quả thì tâm hồn sẽ được an ổn tự tại. Bởi mọi thứ đã vận hành đúng cả rồi, chỉ tại ta muốn làm theo ý mình nên mới có đau khổ, việc cần làm chính là cái tâm của bạn luôn luôn định tĩnh và sáng suốt.
Vì tâm đã được an tịnh trong sáng thì khi tiếp xúc với bất cứ hạng người nào bạn cũng dễ dàng nhận biết được tính cách và lối sống của họ để từ đó sự cảm thông, lòng thương yêu có mặt.
Bên cạnh đó, phong thái ung dung và tự tại của bạn cũng có khả năng đánh tan dòng tâm ý phòng thủ và nghi ngờ ở nơi họ, tạo ra mối quan hệ thâm tình gần gũi. Thế nên, chúng ta sống có hạnh phúc hay không, xã hội này có được đổi thay tốt đẹp hay không là tùy thuộc vào cái nhìn sâu sắc và thái độ hành xử nhẹ nhàng tử tế chính nơi mỗi người.
Tuổi thọ của loài người chỉ tồn tại trong vòng mấy mươi năm và mạng sống cũng rất mong manh giả tạm, không ai biết chắc rằng mình sẽ sống được bao lâu trên cõi đời này. Ấy vậy, mà chúng ta cứ mãi đề phòng, lo âu và nghi kị, không chịu đem cái tâm chân thật ra để ứng xử với nhau, sống tốt đẹp với nhau thì thật là uổng phí biết bao nhiêu! Có lẽ chính vì trải nghiệm được điều này cho nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới nhắn gửi rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?” (Để gió cuốn đi), và “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng). Còn đối với thi sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương thì nói rằng: “Lợi danh như bóng mây chìm nổi. Chỉ có tình thương để lại đời” (Còn gặp nhau).
Có những gia đình tuy của cải dư thừa, vật chất sung mãn nhưng ngược lại tình nghĩa cha con, chồng vợ thì nhạt nhẽo khô khan và trong lòng của họ luôn mang nặng nỗi niềm khốn khổ, bất an! Bởi họ quá coi trọng về tiền tài và danh vọng nên không có đủ thì giờ ngồi lại bên nhau để lắng nghe, để hiểu và để sống trọn vẹn với người thân yêu.
Trong khi đó, danh lợi có tính cách hư ảo như bóng mây chìm nổi, chỉ có cái để lại cho cuộc đời này đó là tình thương. Vì khi xác thân này trở về với cát bụi thì ta không thể đem theo thứ gì cả, mà cái duy nhất đi theo với ta đó là nghiệp. Nếu hiện tại ta sống cho tử tế với nhau thì hệ quả về sau được tái sinh vào cảnh giới an lành tương ứng, còn ngược lại sẽ bị nghiệp dẫn dắt vào những nơi tối tăm đọa lạc và khổ não triền miên.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta trải hết tấm lòng ra để sống thì bất cứ ở nơi đâu, tiếp xúc với ai ta cũng được mọi người trân trọng, tin cậy và quý mến! Và nếu, ta thiết lập được một lối sống tốt đẹp như thế thì mới có thể an hưởng được hạnh phúc một cách trọn vẹn cho đời sống hôm nay và mãi mãi về sau.
Để thực hiện được điều này đòi hỏi bạn phải thường trực trở về với chính mình, tiếp xúc trọn vẹn với những gì đang diễn ra.
Đơn cử, khi nâng tách trà lên uống thì bạn phải cảm nhận được hương vị thơm ngon của mỗi ngụm trà, đồng thời phải rõ biết tâm trạng phản ứng của bạn như thế nào trong khoảng khắc ấy. Nhờ vào thái độ trầm tĩnh và quán chiếu này sẽ giúp bạn khai mở sự thấy biết sâu sắc về bản chất thật của sự sống. Nếu trong khi uống trà, ăn bánh hoặc chia sẻ với một ai đó mà bạn có vẻ lơ là không để tâm ý vào câu chuyện đang nói, thì khả năng hiểu biết về nhau cũng như sự thân thiết sẽ bị giới hạn.
Vì thế, thường trực quán niệm thân tâm và tỉnh thức trọn vẹn trong mỗi giây phút hiện tại chính là điều kiện tất yếu để thiết lập một nếp sống an vui hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh phồn thịnh, đồng thời phát huy khả năng hiểu biết và lòng thương yêu vô hạn vốn có trong mỗi con người.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự