Tự tìm cho ta sự thảnh thơi

Thứ năm - 03/01/2013 15:32
Chúng ta, ai cũng có những buồn vui trong cuộc sống. Một điều tất nhiên, chẳng ai muốn buồn, nhưng cực chẳng đã, nhiều người vẫn buồn! Vì thế chấp nhận sự tồn tại của cả hai trạng thái tâm lý ấy cũng là một cách sống.

Mặt khác, ai mà chẳng thoải mái với niềm vui, nhưng bên cạnh sự chấp nhận nỗi buồn, ta còn có riêng cho mình khái niệm về thảnh thơi, mà theo riêng tôi, nó tỷ lệ theo công thức: sự thảnh thơi bằng niềm vui chia nỗi buồn. Từ đó, để tăng sự thảnh thơi, ta có hai cách hoặc tăng tử số niềm vui, hoặc giảm mẫu số nỗi buồn..

Là con người, ít nhiều ta đều dành cho mình những nhu cầu, những mong ước, những cái tôi và những cái thuộc về tôi. Khi những sự việc đến với ta trong cuộc sống, ta tiếp nhận, so sánh, ta vui khi hợp với nhu cầu, mong ước của ta, ta buồn vì cái tôi, cái của tôi bị xâm phạm. Thế đó, dù muốn hay không ta cũng phải chấp nhận, ích kỷ, chính hắn, hắn tồn tại trong ta, hoặc ở mặt này, hoặc ở mặt khác, hoặc tốt đẹp với xã hội, hoặc xấu xa với mọi người.

Để sống tốt hơn ta phải nhìn nhận rõ ràng như thế, để từ đó ta còn làm chủ nó, sai khiến và lợi dụng nó, để nó không là nỗi khổ trong ta. Niềm vui, ta vẫn thường tâm niệm, nó là những cái gì đó trời cho, ta bị động, ta mong chờ ở người này, ở người kia, ở thượng đế, ở sự may rủi. Nhưng thật sự không phải như thế. Ta sở hữu sự chủ động đối với niềm vui trong ta, từ sự cảm nhận được huân tập tạo thành thói quen đối với những tình huống trong cuộc sống.

Vui hay buồn đều do ta cả, và nếu cái thói quen cảm nhận ấy thường mang đến cho ta những nỗi buồn thay vì niềm vui thì ta phải dừng lại, dừng lại để thay đổi, thay đổi những cảm nhận, thay đổi những nhu cầu của ta đối với cuộc sống. Không khó để có được điều đó, chỉ cần những cái nhìn tinh tế, sự cảm nhận rõ ràng chân thực của cái ta cần và của cái ta muốn.

Ta phải phân chia rõ ràng như thế, con người thật sự tham lam, cái muốn của họ không có giới hạn, nhưng gộp lại chỉ xoay quanh 5 vấn đề: tiền bạc, danh tiếng, cái đẹp, ăn uống và ngủ nghỉ. Do không có giới hạn, nên chẳng bao giờ có thể thỏa mãn, không thỏa mãn nên tất yếu không có niềm vui.

Nếu nhu cầu của ta chỉ đơn giản là những bài học từ trong những khoảnh khắc của cuộc sống, để từ đó gom góp cho mình những kinh nghiệm về cách nhìn mình, nhìn người một cách rõ ràng hơn, để bình tĩnh giải quyết những tình huống trong cuộc đời, lúc đó ta có thể vươn lên, vượt lên cái khổ đau trần tục, mà xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc của sự sâu sắc, sự tinh vi, một con người điềm tĩnh luôn có được niềm vui.

Lúc ấy, mọi tình huống trong cuộc sống luôn hợp với nhu cầu của ta, do đều dạy cho ta những bài học, do hợp với nhu cầu của ta nên ta đều có niềm vui với những gì xảy ra trong cuộc sống. Đó là cách làm cho tử số niềm vui phát triển. Còn với mẫu số nỗi buồn, rất khó để triệt tiêu nó, nhưng không khó để giảm nó, bởi phương thức cũng chính từ sự cảm nhận của ta.

Cái tôi của ta! Không biết nó dựa vào thế lực nào để phát triển mà mạnh đến thế! Ta nhìn vào gương, nhìn vào mớ da thịt này mà thỏ thẻ, ta đấy, chính là ta. Vậy trước khi sinh ra, cái ta gọi là ta ấy là gì, sau khi chết đi, cái ta gọi là ta ấy là cái chi, mà bây giờ vỏn vẹn vài chục năm, ta đang từng ngày đau khổ vì nó.

Cái của ta cũng thế, với luật vô thường, đâu gì tồn tại mãi trong suốt cuộc đời của ta, từ vật chất cho đến tinh thần, mọi thứ sinh ra, rồi hủy hoại dần đến ngày hoàn toàn tan biến, vậy thì uổng công mệt nhoài để mà nắm giữ, để mà tiếc nuối cho một thứ hoàn toàn không có. Vậy có ích chăng, có thật sự phí phạm chăng cho một chút ít sức lực, cho một vài chục năm tồn tại, có đáng để hy sinh chăng cho sự thảnh thơi thư thả?

Công thức đã có, phương thức cũng đã nêu, có chăng sự chấp nhận, sự lựa chọn mà thực hành. Muốn tốt hơn hay xấu đi, đơn giản chỉ từ cách nhìn nhận nơi tự mỗi người. Đạo Phật chú trọng nhiều hơn đến những nỗi khổ đau, do vứt bỏ được khổ đau, hạnh phúc sẽ tự nhiên mà đến. Đạo Phật chỉ ra khổ đau và dạy ta phương pháp đối trị với khổ đau ấy. Từ công thức trên, không màng đến tử số, nếu mẫu số nỗi buồn bằng không thì sự thảnh thơi sẽ là vô hạn, là an lạc rốt ráo.

Đấy là cách nghĩ của tôi, cách thực hành của tôi, tôi thấy an ổn với nó, nên đi đến sự chia sẻ. Mỗi ngày tôi đều tìm thấy ở cuộc sống thật nhiều những nụ cười riêng. Thế mới hay, “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, có nhiều niềm vui người ta mới chọn được, hoặc là “mỗi ngày tôi trọn một niềm vui”, ngày nào cũng vui trọn cả ngày, thật thảnh thơi đến hạnh phúc.  

Nguồn tin: Viên Đạt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây