Góc nhìn về hộ niệm

Thứ tư - 01/03/2023 15:44
Hộ niệm là một trong rất nhiều phương tiện hoằng pháp lợi sinh, vừa giúp người sắp mất hay người mới mất nương theo giáo pháp của Đức Phật để vững niềm tin trở về cố quận vừa gieo duyên lành, dẫn dắt thân nhân của họ quay về Chánh đạo
Hộ niệm không chỉ cho người mới mất hay người đang hấp hối mà còn vì hàng thân quyến của họ mà giáo hóa...(Hình minh họa)
Hộ niệm không chỉ cho người mới mất hay người đang hấp hối mà còn vì hàng thân quyến của họ mà giáo hóa...(Hình minh họa)
Nhận thức

Với cái nhìn ở lứa tuổi thiếu niên trong những năm đầu chập chững bước vào đạo, cũng như các bạn sơ cơ học Phật bây giờ, hai tiếng “hộ niệm” đơn thuần là đi cầu siêu cho người đã mất, cầu an cho người đang bệnh nặng và cầu sám hối cho người sắp lâm chung được nhẹ nhàng về cõi Phật.

Lớn lên một chút, tôi hiểu thêm rằng, hộ niệm là phương tiện trợ giúp tinh thần cho người sắp chết hoặc người mới chết có được sự định tĩnh, sáng suốt ngay lúc từ giã trần gian để về bên kia thế giới.

Một thời gian sau, tôi chợt nhận ra hộ niệm không chỉ cho người mới mất hay người đang hấp hối mà còn vì hàng thân quyến của họ mà giáo hóa. Cho nên, ngoài việc tụng kinh niệm Phật, khai thị cho người sắp mất hay người vừa mới mất thì việc chính yếu là phải chia sẻ đạo lý, hướng dẫn những điều cần thiết cho cả những người ở lại. Có như thế mới tạm gọi là đủ ý nghĩa “mượn tử độ sinh” của việc hộ niệm.

Hiện tại, tôi nhìn Phật sự này với một quan điểm khác. Bên cạnh dùng lời kinh tiếng kệ, nhắc vài câu Phật pháp trợ duyên cho người bệnh nặng hay người vừa lâm chung được vững vàng tâm thức khi đối diện giữa cái chết và sự tái sinh, cũng như bày tỏ lòng thương tiếc, phân ưu với tang quyến thì việc hộ niệm cốt yếu thể hiện cái tình giữa người và người, giữa đạo và đời trong cuộc sống tương quan tương duyên này.

Tưới tẩm và vun gốc tình người

Nghĩa cử cao đẹp đó luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày, là truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam, “nghĩa tử là nghĩa tận”. Như khi trong xóm có người bệnh nặng hoặc người vừa “ra đi”, đôi khi họ sống ở làng bên chưa từng quen biết, thậm chí là người trước đây có sự hiểu lầm hiềm khích mà nay cần tới sự giúp đỡ thì không một ai nỡ từ chối quay lưng.

Cho nên, trong tình làng nghĩa xóm, khi một gia đình có tang sự, mọi người đều chung tay lo liệu; và nhà sư cũng thế, tới phúng viếng bằng một thời kinh cầu nguyện, đem lời Phật dạy để chia buồn thì thật ý nghĩa biết bao. Nếu có sự thỉnh mời, nhà sư sẽ đứng ra phụ giúp phần tâm linh trong mấy ngày tang gia bối rối để thân bằng quyến thuộc được an tâm cầu nguyện và lo những việc khác…

Không câu nệ phong tục vùng miền, hễ có sự xuất hiện của một nhà sư, hình ảnh đại diện cho “đạo gốc” của người Việt Nam, đạo Phật, hẳn tang lễ sẽ ấm cúng, bớt lạnh lẽo tang tóc đau thương. Về chuyện này, dân miền Tây Nam Bộ quan niệm đơn giản, chỉ cần “ông thầy” có mặt và đọc tụng giúp mấy bài kinh thì coi như gia đình “có phước”.

Mặc dù những con người chân phương đó chỉ dừng lại ở chỗ “có thầy là tốt, thầy nào cũng được”, nhưng niềm tin yêu quý mến “ông thầy” thì không hề giới hạn. Họ tìm đến chùa bằng sự chân thành khi hữu sự nên dễ dàng hòa hợp với nếp sống mộc mạc của một tu sĩ Phật giáo vốn không cầu kỳ chấp trước hay bày vẽ khoa trương.

Sự gần gũi một cách tự nhiên cộng với tấm lòng từ bi của người con Phật đã tạo được cảm tình trong lòng dân chúng. Từ đấy, dù không chủ trương mời gọi, dụ dỗ hay vụ lợi, mưu cầu nhưng đạo Phật đã nhẹ nhàng đi vào đời, lan tỏa trong dân gian bá tánh qua nguồn đạo lý hiếu nghĩa của người Việt, bởi “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Có thể nói như Thượng tọa Thích Phước Đạt đã đúc kết trong bài “Đạo Phật là đạo hiếu” rằng “Triết lý sống của người Việt là triết lý thực thi đạo hiếu”; “Ở trong nhà thì hiếu thảo với mẹ cha, ra ngoài đường thì giúp nước hộ dân, khi ngồi một mình thì biết tu thân”…

Góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống

Nhưng đó là chuyện ở quê nhà, nơi đạo Phật đã có mặt, đồng hành và trở thành đạo của dân tộc hơn hai ngàn năm thì việc hộ niệm cũng chỉ là vun thêm phân, tưới thêm nước cho cây đạo pháp mà tiền nhân đã gieo trồng ngày càng sum suê, dịu dàng tỏa bóng mát.

Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ trong bài viết này chính là việc hành đạo ở Hoa Kỳ, chủ yếu là bang California, nơi có cộng đồng người Việt đông đúc.

Theo Tâm Huy-Huỳnh Kim Quang khảo luận trong 50 năm Phật giáo Việt Nam tại Mỹ thì sau năm 1975, có hàng chục ngàn người Việt định cư tại miền Nam California. “Vì đáp ứng nhu cầu truyền bá Phật pháp cho cộng đồng người Mỹ cũng như người Việt mới định cư, Hòa thượng Thích Thiên Ân (1926-1980) đã xây dựng chùa Phật giáo Việt Nam, thành phố Los Angeles. Đây là ngôi chùa Phật giáo Việt Nam đầu tiên tại Mỹ”.

Tác giả còn cho biết, “Xây dựng một ngôi chùa tại Mỹ là một quá trình hy sinh lớn lao vì trải qua nhiều thử thách khó khăn về mặt tài chánh, giấy phép xây dựng, v.v...”. Nhưng “Dù khó khăn trăm bề, hiện nay cũng có hàng chục ngôi chùa Việt tại Mỹ được xây dựng khang trang, rộng lớn, và mỹ thuật tại khắp các tiểu bang. Các ngôi chùa Việt tại Mỹ hầu hết đều xây dựng theo kiến trúc chùa tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những cách bảo tồn và phát huy nét văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam tại Mỹ”.

Cụ thể hơn, “Chùa chiền ở Mỹ còn là nơi giữ gìn các tập tục, lễ nghi, và văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật giáo Việt Nam. Chùa cũng là những trung tâm dạy tiếng Việt cho thế hệ con em người Việt. Chùa còn là nơi để những người Việt đến sinh hoạt và tìm lại không khí quê hương Việt Nam xa cách, nhất là vào những dịp lễ lộc cổ truyền như Vu lan, Tết, rằm tháng Giêng, v.v...”.

Ở đây, sở dĩ tôi trích dẫn dài dòng như vậy cốt để thấy rằng việc “phụng sự chúng sanh” ở Mỹ là một trọng trách cho hàng Phật tử chúng ta, dù tại gia hay xuất gia. Nghĩa là cùng với việc truyền bá giáo pháp của Đức Thế Tôn tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo thì tinh thần hộ niệm tại tư gia, bệnh viện, viện dưỡng lão và nhà quàn là phương cách đem đạo vào đời, khuyến tấn mọi người giữ gìn truyền thống dân tộc khá hiệu quả.

Đối với một tu sĩ Phật giáo khi được thỉnh mời đi hộ niệm thì luôn xem đây là nhân duyên tốt để khơi dậy hạt giống tâm linh vốn bị cuộc sống mưu sinh nơi đất khách che phủ. Bởi lẽ, nhờ sự có mặt cho nhau trong lúc hữu sự này mà tình đồng hương được gắn kết, nghĩa đạo-đời được dung thông, cơ duyên nhắn nhủ nhau bảo lưu nguồn cội Việt nơi xứ người được un đúc.

Bàn về khía cạnh này, trong một bài giảng nói về ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, Thiền sư Nhất Hạnh đã nêu rõ “Nếu là sinh viên đi du học, dù chỉ có một cái phòng nhỏ thì cũng phải tìm cách thiết lập bàn thờ, để một cái hình của bà nội hay ông ngoại để tượng trưng, đại diện cho tất cả tổ tiên…” Theo ngài, “Có bàn thờ trong nhà là cái cụ thể để nhắc mình tiếp xúc với tổ tiên”. Thiền sư còn căn dặn, “Mỗi ngày dành ra ít phút để tiếp xúc với tổ tiên” qua việc lau quét bàn thờ chẳng hạn… Như vậy, theo lời dạy của Thiền sư, thờ cúng tổ tiên là việc nên làm vì đó không chỉ là nhu cầu tín ngưỡng mà còn là phép thực tập trở về “gốc rễ tâm linh, suối nguồn huyết thống”.

Hòa thượng Chơn Minh cũng luôn thao thức với cội nguồn, văn hóa và lịch sử dân tộc. Quanh vùng San Jose, hầu như trong các đám tang hay lễ hội nào có nhân duyên thỉnh được ngài thì y như rằng ngoài việc tụng kinh niệm Phật cầu siêu cho người mới mất, trong phần khai thị, Hòa thượng luôn chú trọng việc hóa độ và khuyên nhắc gia quyến giữ gìn truyền thống thờ cúng tổ tiên, thường xuyên dặn dò các bậc cha mẹ cố gắng chỉ dạy lại cho thế hệ con cháu nét đẹp văn hóa này. Với ngài, “còn lập bàn thờ cúng bái tổ tiên là còn nề nếp văn hóa” mà “văn hóa còn thì dân tộc còn”.

Thật vậy, bàn thờ tổ tiên không chỉ là hình thức nhắc nhở con cháu nhớ về nguồn cội mà còn biểu thị lòng thành với các bậc tiền nhân, là sợi dây liên kết giữa quá khứ và hiện tại. Do đó, đã là người Việt Nam thì chúng ta phải lưu ý “nền tảng tinh thần” này khi sống nơi đất khách để làm gương cho con cháu thấy được tấm lòng hiếu kính và nghĩa tình sau trước đối với quê hương xứ sở cũng như truyền thống tri ân báo ân, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt.

Hộ niệm cũng là hoằng pháp

Thế thì, ngoài trách nhiệm và bổn phận đồng hành san sẻ nỗi khổ niềm đau với cộng đồng, một nhà sư hành đạo nơi xứ người còn phải tha thiết góp tiếng nói duy trì truyền thống văn hóa Việt. Thành ra, việc “hóa đạo” bằng phương tiện hộ niệm thì không nơi nào khế cơ, hợp thời hợp cảnh hơn chỗ tang lễ. Nơi đó, khi nhà sư đến hộ niệm, với hình ảnh trang nghiêm giản dị, lòng chí thành gởi vào từng lời kinh tiếng kệ, sự nhiệt tình hỗ trợ chu đáo việc ma chay đã ít nhiều tạo được cảm tình trong lòng dân chúng không phải là Phật tử. Rồi nhờ sự cảm thông quý mến ấy, nhà sư tùy duyên hướng dẫn quần chúng quay về nẻo đạo, cùng duy trì và phát huy “hồn đất Việt” nơi xứ người.

Tóm lại, theo góc nhìn của tôi, hộ niệm là một trong rất nhiều phương tiện hoằng pháp lợi sinh, vừa giúp người sắp mất hay người mới mất nương theo giáo pháp của Đức Phật để vững niềm tin trở về cố quận vừa gieo duyên lành, dẫn dắt thân nhân của họ quay về Chánh đạo. Và trên hết, hộ niệm là cách vun đắp tình người, tình đạo cao đẹp qua mỗi đoạn nhân duyên gặp gỡ nơi cõi Ta-bà này.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây