Ngôi chùa nhiều tên lạ
Theo lời hòa thượng Thích Huệ Phát, trụ trì chùa, thì ban đầu chùa mang tên chính thức “Bửu Sơn tự”, chỉ là một chùa làng do nhân dân thôn Bình Thành (xã Bình Phước, huyện Phước Chánh, tỉnh Biên Hòa cũ) xây dựng bằng vật liệu vách tranh tre, cột gỗ, mái ngói vào thế kỷ 18 để thờ Phật trên một diện tích đất của vị đốc công tên Đồng hiến tặng cho dân làng.
Pho tượng được tạc ngồi trên phiến đá, cao 1m50, ngang 1m, nặng gần 1 tấn. Tượng có 4 cánh tay, hai tay cầm hình nhật nguyệt, hai tay dưới cầm cây chùy, sau lưng là hình lá bồ đề cách điệu có khắc dòng chữ ngoằn ngoèo nhưng đã mờ.
Quân Pháp cho xe chở pho tượng quý về trưng bày trong phòng làm việc. Thấy vậy, các hương lão thôn Bình Thành đến xin nhà cầm quyền Pháp rước tượng về để thờ tại Bửu Sơn tự, vì lẽ tượng được tìm thấy trong diện tích đất nhà chùa.
Được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận, các hương lão huy động đến gần 100 người mới khiêng nổi tượng về chùa được. Tượng được đặt trên bệ thờ trong hậu điện của chùa từ đó đến nay, chưa một lần nào xê dịch. Dân Biên Hòa sau này mới gọi cái tên mới Bửu Sơn tự thành chùa “Phật bốn tay”.
Đến năm 1937, chùa đã bị hư hại khá nhiều nên nhà chùa tiến hành trùng tu lại. Kiến trúc ban đầu của chùa Bửu Sơn theo kiểu thức nhà tứ trụ. Nhưng sau trùng tu thì ngôi chánh điện của chùa lại xây theo kiểu các bộ vì kèo được tạo dáng vuông vức từ trên nóc của một cây cột chính lớn tỏa xuống tạo thành 8 ngăn nhỏ dạng hình bát quái. Với lối kiến trúc khá độc đáo của ngôi chùa mới, người dân địa phương bắt đầu gọi chùa Bửu Sơn là “chùa một cột”.
Ngày nay, khi du khách đến TP. Biên Hòa hỏi thăm tên chùa Bửu Sơn thì ít người dân nào biết nhưng nhắc đến tên chùa “Phật bốn tay” hay “chùa một cột” thì ai cũng rành.
Bí ẩn bao trùm tượng cổ quý hiếm
Từ lâu người dân cứ quen gọi pho tượng chùa Bửu Sơn là “Phật bốn tay” nhưng thực tế theo các nhà nghiên cứu thì pho tượng đó chính tượng thần Vishnu (thần bảo hộ), một trong ba thần linh quan trọng theo tín ngưỡng của Ấn Độ giáo.
Phía sau bức tượng là hình chiếc lá bồ đề có những đoạn văn khắc chữ Phạn xen lẫn một vài chữ Chăm cổ. Nội dung bản khắc ở tấm phù điêu tượng Vishnu được các nhà nghiên cứu người Pháp mày mò và “dịch” ra được cho biết rằng hoàng tử nước Chăm-pa xưa kia là Nauk Klaun Vijaya trực tiếp khắc trên pho tượng. Pho tượng này là chiến lợi phẩm mà ông thu được từ người Chân Lạp, sau khi đánh chiếm vùng đất của họ.
Tượng thần Vishnu hiện được phối thờ trang trọng như một vị Phật tại hậu chùa Bửu Sơn. Ảnh: Ngọc Quốc
Nội dung chữ sau lưng pho tượng chính là để tôn vinh vị thần bảo hộ Vishnu, đồng thời để khẳng định vương quyền Chăm-pa trên vùng đất mới chiếm được có tên là Brah Kanda. Có thể Brah Kanda chính là tên vùng đất Biên Hòa xưa, nhờ bài bia ký trên pho tượng giúp các nhà nghiên cứu đủ cơ sở khẳng định vùng đất này xưa kia là vùng tranh chấp thảm khốc giữa hai nước Chân Lạp và Chăm-pa vào thế kỷ 13, 14...
Trong bài viết “Về pho tượng Vishnu chùa Bửu Sơn Biên Hòa” đăng trên tạp chí Di sản văn hóa (số 36/2011) PGS. TS Ngô Văn Doanh (Viện nghiên cứu Đông Nam Á) cho rằng pho tượng Vishnu ở chùa Bửu Sơn đã được một nhà nghiên cứu người Pháp tên Jean Boisslier đề cập lần đầu tiên vào năm 1936 trong công trình khoa học: “Nghệ thuật tạo tượng Chăm-pa, nghiên cứu sưu tầm về sự thờ phụng và tiểu tượng học”.
Cũng theo PGS. TS Ngô Văn Doanh thì pho tượng thần Vishnu chùa Bửu Sơn có hai điều đặc biệt: Bài ký 9 dòng sau lưng tượng tiết lộ cho thế hệ đời sau xác định được chủ nhân và niên đại của tượng và qua bài bia ký giúp các nhà nghiên cứu có thêm một sử liệu quan trọng về giai đoạn lịch sử lớn mạnh của vương quốc Chăm-pa cổ. Hơn nữa, tượng Vishnu này còn là tác phẩm điêu khắc thể hiện thần Vishu ngồi lớn nhất, còn nguyên vẹn nhất và đẹp nhất trong nghệ thuật cổ Chăm-pa ở Việt Nam hiện nay.
Điều kỳ lạ là tượng Vishnu được người dân thờ phụng trang trọng như một vị Phật ở trong một ngôi chùa. Việc này thể hiện bản tính “vô tư” của người dân bấy giờ hễ thấy tượng dù là của tôn giáo nào thì cũng cho là tượng Phật nên phải đem vào chùa thờ cúng.
Xung quanh bức tượng còn nhiều điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu tiếp tục giải mã. Nhưng, điều đáng tiếc hiện nay, tượng thần Vishnu không hiểu vì lý do gì mà Ban hộ tự chùa Bửu Sơn lại cho sơn phết tượng thành màu xanh dương nên đã xóa lấp hết những dấu vết sử liệu nguyên thủy của pho tượng. Việc làm này vô tình đã làm giảm đi giá trị của một pho tượng cổ quý hiếm đã được tìm thấy cách đây hơn 100 năm.
“Việc nhà chùa tự ý sơn phết tượng thần Vishnu khiến cho bức tượng cổ này chưa được công nhận là bảo vật quốc gia là vậy...”, một vị đại diện trong Hội sử học tỉnh Đồng Nai cho biết như thế.
Nguồn tin: VTC News
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự