Đình Nhơn Hòa và cậu Hai Miên
Đình Nhơn Hòa (phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP.HCM) do nằm ở khu vực Cầu Muối nên còn được gọi là đình Cầu Muối. Như bao ngôi đình ở miền Nam, đình Nhơn Hòa được cấu trúc gồm chánh điện là nơi thờ Thành Hoàng và nhiều vị thần khác.
Đình Nhơn Hòa được vua Tự Đức sắc phong năm 1852. Sắc thần hiện vẫn được lưu giữ tại đình. Sở Văn hoá thông tin TP.HCM công nhận ngôi đình này là di tích lịch sử, văn hoá của Thành phố.
Tại nhà túc của đình Nhơn Hòa còn thờ thêm tổ sư nghệ thuật sân khấu và một bài vị sơn son thếp vàng rất trang trọng. Trên bài vị chạm nổi ba dòng chữ Nho, được nhà nghiên cứu Hồ Tường tạm dịch như sau:
Dòng chữ lớn ở giữa ghi: “Huỳnh Công Miên tam thập bát tuế đệ nhị hạng chi vị”, tạm dịch: “Bài vị của cậu hai Huỳnh Công Miên mất năm ba mươi tám tuổi”. Dòng chữ bên trái trên bài vị: “Kỷ Hợi niên, thập nhị nguyệt, sơ lục nhật”, tạm dịch: “Ngày sáu, tháng mười hai, năm Kỷ Hợi”.
Dòng bên phải: “Nguyên cư tại Gò Công xứ, tử ký tại Tân Hòa xã”, được hiểu là: “Trước sống tại xứ Gò Công, chết gửi thân tại xã Tân Hòa”.
Như vậy, nhân vật Huỳnh Công Miên được thờ tự tại đình Nhơn Hòa ắt phải có liên quan đến sinh hoạt của người dân vùng Cầu Muối. Lần giở tìm các tài liệu xưa, chúng tôi bắt gặp một bài thơ lục bát dài 6.930 chữ, không ghi tên tác giả, trong đó ca ngợi những hành động trượng nghĩa của cậu Hai Miên.
Bài thơ có đoạn giới thiệu về cậu Hai Miên như sau: Nam Kỳ có cậu Hai Miên/Con quan lớn Tấn ở miền Gò Công/Cậu hai là bực (bậc) anh hùng/Ăn chơi đúng bực vô cùng liệt oanh/Nam Kỳ lục tỉnh nổi danh/Thật là một bực hùng anh trên đời/Tuổi nay gần mới ba mươi/Tánh tình hào hiệp ít người dám đương.
Những việc làm của cậu Hai Miên đã khiến cho người dân vùng Cầu Muối cảm phục. Họ đã thờ cậu tại ngôi đình nơi cậu đã ngã xuống...
Huỳnh Công Tấn
Cậu Hai Miên có tên đầy đủ là Huỳnh Công Miên (1862 - 1899) là con đầu của Lãnh binh Huỳnh Công Tấn. Huỳnh Công Tấn (SN 1837, Gò Công, Tiền Giang) là một cộng sự đắc lực của thực dân Pháp trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân cuối thế kỷ 19, tại Nam Kỳ.
Ban đầu, Huỳnh Công Tấn gia nhập vào hàng ngũ nghĩa quân của Trương Công Định. Nhiều giả thuyết được ghi lại, trong một trận giao tranh với Pháp, Tấn bị bắt rồi hàng giặc.
Nhưng cũng có tài liệu ghi lại Tấn thường trêu chọc và có những hành vi bất chánh với phụ nữ, nên có lần bị chủ tướng là Trương Công Định tát tai để cảnh cáo. Tấn căm thù để bụng và chờ dịp trả thù. Tấn bí mật liên lạc với một người quen cũ là Nguyễn Hữu Nguồn, đã đầu thú Pháp, để được Nguồn giới thiệu Tấn xin hàng.
Trong thời gian phục vụ cho Pháp, ngày 19/8/1864, Tấn đã dẫn quân vây bắt Trương Công Định tại vùng Đám Lá Tối Trời. 2 năm sau, Tấn tham gia hành quân ra đảo Phú Quốc và đã thành công trong việc truy bắt Nguyễn Trung Trực.
Tấn được Pháp thưởng cho Bắc đẩu bội tinh và chức Lãnh binh. Theo nhà văn Sơn Nam, Tấn là người thất học, không tham vọng lớn, khả năng giới hạn. Tuy vậy Tấn vẫn trở nên giàu có nhờ tài tổ chức sòng bạc, chiếm đất, bắt dân phục vụ cho việc làm ăn riêng tư của mình.
Ngoài ra, khi lãnh trách nhiệm do thám cho người Pháp, Tấn biết lợi dụng địa vị này, để bắt hay tha người để trục lợi. Cũng theo nhà văn Sơn Nam, Tấn bị người Pháp chán ngán vì lối làm việc thiếu khoa học, lấn quyền. Ỷ mình có công to đã ngây thơ đến mức tố cáo lề lối cai trị của quan Tham biện Pháp ở hạt Bến Tre là Palasme de Champeaux đến Giám đốc nha Nội vụ Pháp Paulin Vial.
Giám đốc Nội vụ phẫn nộ, trách mắng, tìm cách đổi Tấn về miền đông Nam Kỳ. Năm 1874, trong một lần di chuyển từ Gò Công lên Sài Gòn bẳng ghe hầu - loại ghế nhà giàu có mũi có buồng riêng - Tấn bị bệnh và qua đời hưởng dương 37 tuổi.
Giai thoại về cậu Hai Miên
Là con của kẻ có công với chính quyền thuộc địa, cậu hai Miên được mang danh "miễn tử lưu linh", cậu được miễn sưu thuế, muốn đi đâu thì đi không ai được kiểm tra giấy tờ. Trường hợp phạm tội nhỏ không bị truy tố.
Bàn thờ với bài vị cậu Hai Miên
17 tuổi, Huỳnh Công Miên đã cùng Trần Bá Hựu (em ruột Trần Bá Lộc), Lê Công Phụng - con nuôi của lãnh binh Tấn, được Pháp cho đi du học tại trường La Seyne gần Toulouse. Trong suốt 4 năm đó, cả 3 không đạt được thành tích gì trong học tập ngoại trừ khả năng nói lưu loát tiếng Pháp.
Về nước với hai bàn tay trắng, cậu Hai Miên được Pháp bố trí phục vụ cho Tổng đốc Trần Bá Lộc với hi vọng cậu sẽ theo gương cha thẳng tay đàn áp các cuộc khởi nghĩa của người Việt.
Thế nhưng, năm 1887, trong lần theo Trần Bá Lộc ra miền Trung, cậu Hai Miên chứng kiến cảnh Lộc lập kế bắt bà mẹ của lãnh tụ nghĩa quân Mai Xuân Thưởng với mục đích uy hiếp để Mai Xuân Thưởng phải đầu hàng quân Pháp.
Đồng thời, Lộc đã ra tay giết nhiều người dân lương thiện đến nỗi giặc Pháp cũng phải kinh sợ. Không chấp nhận hành động sát hại đồng bào, cậu bày tỏ phẫn uất.
Pháp kích động cậu thẳng tay đàn áp nghĩa quân để lập công. Bản chất của cậu vốn rất ghét những kẻ ỷ mạnh hiếp yếu, bọn cường hào ác bá. Cậu luôn luôn đứng về phía kẻ yếu để bênh vực những người cô thế.
Không thích bị ràng buộc nhất là phải làm tay sai cho Pháp, cậu trả chức tước trở về đời sống của một gã lãng tử giang hồ. Từ đó, cậu sống hoang đàng, tiêu tiền như nước và thường làm những việc nghĩa hiệp “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”.
Tại TP.HCM, củi không còn là loại chất đốt thông dụng nhưng hằng ngày vẫn còn nhiều mảnh đời sống với nghề củi. Họ lầm lũi nhặt nhạnh từng que, từng khúc dồn lại để đến cuối tháng thu về 1- 2 triệu đồng, trang trải cuộc sống hằng ngày.
(Còn tiếp)
Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự