Kỳ 1: Khối bạch ngọc khổng lồ làm giá chặt đầu trong ngôi chùa cổ
Kỳ 2: Đưa khối ngọc về chùa
Như đã nói ở kỳ trước, chùa Thập Tháp là nơi lưu giữ Hòn Đá Chém mang lời đồn chất chứa oan hồn rùng rợn. Đây là ngôi chùa lớn, mang trong mình nhiều chuyện kỳ bí.
Chùa Thập Tháp được xây dựng vào năm 1683, bởi thiền sư Nguyên Thiều (1648 - 1728). Thiền sư Nguyên Thiều là người Trung Quốc, theo thuyền buôn di cư sang Bình Định vào năm 30 tuổi.
Xây dựng xong chùa Thập Tháp, ông di cư ra đất Thuận Hóa dựng chùa Hà Trung, chùa Quốc Ân, tháp Phổ Đông và mất tại đó.
Sở dĩ ngôi chùa có tên khá lạ, là Thập Tháp bởi nguyên do trước đây trên khu đồi xây dựng chùa có 10 ngôi tháp Chăm đã sụp đổ và thiền sư Nguyên Thiều sử dụng gạch từ những ngôi tháp đổ sụp này để xây dựng. Vườn tháp mộ khổng lồ trong chùa Thập Tháp. Chùa Thập Tháp là di tích kiến trúc nghệ thuật đa dạng và điển hình của thế kỷ 19. Chùa được công nhận di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Ngôi chùa rộng mênh mông này lưu giữ nhiều quần thể kiến trúc rất độc đáo, như ngôi chánh điện do thiền sư Thiệt Kiến Liễu Triệt trùng kiến vào năm 1749, nhà Phương Trượng (nơi có Hòn Đá Chém) do Quốc sư Phước Huệ xây vào năm 1924.
Trong khuôn viên chùa có 20 tháp mộ rất lớn, của các đời trụ trì với kiến trúc rất độc đáo. Theo lời đồn, sau khi biết mình không thể tiếp tục sống, các trụ trì đã tự nhốt mình vào tháp xây sẵn và qua đời.
Điều khá đặc biệt là có một ngôi tháp chứa rất nhiều xương cốt. Năm 1876, trong lúc tổ chức khai khẩn vùng đất hoang sau chùa, gặp rất nhiều hài cốt của lính Tây Sơn và nhà Nguyễn chết trong trận chiến ở thành Hoàng Đế, hòa thượng Minh Lý cho gom lại, xây một tháp để thờ cúng, ngày nay gọi là tháp Hội đồng.
Ở chùa Thập Tháp, có một tháp mộ rất đặc biệt, luôn giữ màu trắng, dù đã có tuổi đời cả trăm năm. Tháp mộ ấy liên quan đến oan tình của vị trụ trì ở ngôi chùa này.
Khuôn viên rộng mênh mông của chùa Thập Tháp Chuyện rằng, sau khi sư phụ là hòa thượng Minh Giác mất, hòa thượng Thiệt Kiến Liễu Triệt đang làm trụ trì chùa Thiên Mụ (ở Huế) được gọi về làm trụ trì chùa Thập Tháp.
Thời gian sau, đêm mưa gió, có người mẹ ôm con nằm trước cửa chùa. Người mẹ bị câm nên không nói được. Hòa thượng Liễu Triệt thương tình cho xây một cái am nhỏ gần chùa để mẹ con tá túc.
Cũng vì thế, mà người dân trong vùng đồn rằng, trong thời gian làm trụ trì ở Huế, hòa thượng Liễu Triệt thường được vua vời vào cung và ông đã tơ tình với một cung nữ. Kết quả của mối tình ấy là có một đứa con. Hòa thượng Liễu Triệt không có lời giải thích nào.
Hòn Đá Chém làm bậc kê chân Điều kỳ lạ, là từ khi xây am nhỏ cho mẹ con người lạ tá túc, thì đêm nào cũng có một con Bạch Hổ đến trước chánh điện, chỗ Hòn Đá Chém ngồi nghe tụng kinh, khiến ai nấy đều sợ hãi. Hòa thượng Liễu Triệt bảo mọi người đừng sợ vì con cọp này không hại ai.
Một ngày, không thấy Bạch Hổ đến nghe kinh, hòa thượng biết nó đã thoát kiếp, nên sai đệ tử đi tìm và đã phát hiện xác cọp ở vườn sau chùa. Hòa thượng Liễu Triệt cho xây dựng tháp mộ, mai táng con cọp vào tháp.
Ban đầu, tháp Bạch Hổ được xây dựng bằng gạch Chăm nhưng đã bị sụp đổ, hiện đã được xây dựng lại, còn bộ xương thì bị kẻ gian lấy mất trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Trước khi viên tịch, hòa thượng Liễu Triệt gọi đệ tử tập trung lại và bảo: “Người đời nói oan cho ta dính án tình với phụ nữ. Ta một đời tu hành thanh tịnh, sau khi xả bỏ báo thân này, tháp của ta cũng sẽ luôn luôn tinh bạch”.
Tháp Trắng. Quả nhiên, cho đến ngày nay, tháp của hòa thượng Liễu Triệt vẫn luôn giữ màu trắng và mọi người quen gọi đó là Tháp Trắng.
Tại ngôi chùa này, còn có truyền thuyết kỳ lạ về hạt lúa khổng lồ. Theo sư Mật Hạnh, khi dừng chân ở đây, thiền sư Nguyên Thiều dựng ngôi lều cỏ đơn sơ trú ngụ.
Thiền sư Nguyên Thiều huy động đệ tử, nhân dân dùng gạch đá của 10 ngôi tháp đổ của người Chăm dựng ngôi chùa Thập Tháp. Khi xây dựng chùa, Thiền sư Nguyên Thiều ngày càng thu nhận nhiều đệ tử quy y cửa Phật.
Công việc thì nhiều, đệ tử thì đông, mà lương thực khan hiếm, nên thiền sư Nguyên Thiều đã mang từ phương xa về hạt lúa khổng lồ, to bằng chiếc trống cái.
Theo lời đồn tháp mộ này giữ nhiều xương người. Mùa xuân, khi các đệ tử đang cày ruộng, thì hạt lúa giống khổng lồ từ trong chùa bỗng tự lăn ra đồng. Không cần bón phân, thời gian trôi qua, hạt giống tự nẩy mầm rồi lớn lên vùn vụt. Mùa hạ thì lúa chín.
Điều đáng ngạc nhiên là những hạt lúa to như hạt giống ban đầu, nhưng năng suất thấp, chỉ đủ cho nhà chùa dùng, và bố thí một ít ra ngoài. Mỗi nhà sư chỉ cần 1 hạt lúa là ăn cả tháng. Hạt lúa trắng tinh, dẻo, thơm như gạo nếp.
Chuyện như huyền thoại nữa, là đến mùa thu hoạch, các nhà sư không phải vất vả gặt hái, mà chỉ cần quét dọn sân chùa sạch sẽ, những hạt lúa sẽ tự động lăn về.
Nhiều kẻ tham lam, đã ăn trộm hạt lúa ấy về, nhưng hạt lúa đều mất đi tính tự lăn ra đồng, tự sinh trưởng. Nhiều kẻ khênh hạt lúa ra gieo, nhưng hạt lúa trơ như đá, không chịu nảy mầm. Đục hạt lúa ra, thì thấy gạo bên trong đã thối rữa. Có kẻ, vừa mang hạt lúa về, thì hạt lúa bỗng tan thành khói bụi. Vì thế, hạt lúa này chỉ trồng được ở trong chùa, không phổ biến ra ngoài được.
Trong một vụ lúa, một nhà sư trẻ tắc trách, quét sân chùa không sạch. Khi các hạt lúa lăn về, thấy sân chùa bẩn, đã dỗi hờn tan biến hết.
Thiền sư Nguyên Thiều không một lời quở trách nhà sư trẻ mà lại nhẹ nhàng thuyết giảng sâu sắc với nụ cười độ lượng về lẽ sinh diệt, chân tướng và giả tướng: “Không phải lỗi tại con. Vạn vật hễ duyên mãn thì sanh, duyên tán thì diệt. Những gì mình thấy ở trước mặt không phải là thực thể mà là giả tướng. Thấy đó không phải là thật có, không còn thấy đó không phải là thật không”.
Từ ấy giống lúa mất. Nhà chùa giữ lại một số vỏ lúa để làm kỷ niệm. Lâu dần, các vỏ lúa ấy mục hết, chỉ còn một vỏ to như chiếc trống chầu, vàng án. Nhà chùa lưu giữ vỏ lúa này rất trân trọng.
Nhà sư Mật Hạnh kể: “Năm 11 tuổi, khi tôi mới vào quy y tại chùa Thập Tháp đã được nghe ngài Huệ Chiếu kể cho nghe chuyện hạt lúa khổng lồ. Khi Pháp chiếm đóng Bình Định, nghe dân gian truyền tụng tại chùa Thập Tháp có một vỏ lúa to lớn lạ thường liền rủ nhau đến xem.
Không tin vào mắt mình, các quan Pháp ngỡ ngàng thán phục rồi nổi máu chiếm đoạt. Nhưng khi các quan Pháp lấy tay đụng đến, vỏ lúa lập tức tan tành thành bụi trấu bay vung vãi vào mặt bọn thực dân rồi bay về trời. Từ đó, hạt lúa khổng lồ ở chùa Thập Tháp chỉ còn trong những chuyện kể”.