Kỳ 1: Khối bạch ngọc khổng lồ làm giá chặt đầu trong ngôi chùa cổ
Như đã nói ở kỳ trước, sau khi chặt đầu nhà Tây Sơn trên hòn bạch ngọc khổng lồ, một loạt hiện tượng kỳ bí diễn ra. Không chỉ cuộc sống của quan quân, mà cuộc sống của dân chúng quanh thành Hoàng Đế cũng đều xáo trộn, kinh sợ bởi hòn đá.
Để người dân yên ổn sinh sống, làm ăn, một vị cao tăng chùa Thập Tháp đã lập đàn cầu siêu để giải nỗi oan khuất, lấy lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đàn giải oan rất lớn được dựng ngay cổng thành, bên hòn đá.
Suốt 3 ngày 3 đêm, các nhà sư đã tụng kinh niệm Phật. Các “oan hồn” được nghe tiếng kinh sám hối, đã rời khỏi hòn đá, siêu thoát về nơi cực lạc, không còn giận dữ với thế gian nữa.
Vị cao tăng chùa Thập Tháp đã xin được mang hòn đá về chùa. Quan quân trong triều vô cùng mừng rỡ, đòi mang voi, ngựa đến đưa khối đá đi giúp vị cao tăng, thế nhưng, vị này xua tay từ chối. Hòn đá chặt đầu ở chùa Thập Tháp. Mọi người kinh ngạc khi thấy chỉ cần 4 nhà sư bám vào 4 góc, nhấc hòn đá nhẹ tênh, đi như bay về phía ngôi chùa Thập Tháp ở phía bắc thành Hoàng Đế. Họ khênh hòn đá đi nhanh đến nỗi, quan quân đuổi theo không kịp.
Nhà sư Mật Hạnh kể rằng, sau khi đưa hòn đá về chùa Thập Tháp, các nhà sư đặt hòn đá ở gốc cây thị cổ thụ 300 tuổi trong khuôn viên, phía nam ngôi chùa. Khi đó, mọi người gọi là Hòn Đá Chém.
Thế nhưng, dù đã về cửa Phật, mà nỗi oan khiên chất chứa trong Hòn Đá Chém vẫn chưa hết. Đêm đêm, người ta vẫn nghe thấy tiếng than khóc vọng ra từ hòn đá, lan ra chùa và khu vực xung quanh.
Dù ngôi chùa Thập Tháp rất rộng, chiếm diện tích ngót triệu mét vuông, nhưng cư dân trong vùng vẫn nghe thấy tiếng than khóc.
Thậm chí, vào những đêm trăng thanh, người ta thấy một người phụ nữ mặc áo trắng, quần đen bước ra từ hòn đá, cứ đi lang thang trong chùa. Chỉ khi tiếng chó sủa nhiều, thì người phụ nữ ấy mới biến mất.
Trải qua 200 năm, làm nơi dẫm chân cho du khách, nhưng khối bạch ngọc vẫn sáng bóng. Nhà sư Mật Hạnh dẫn tôi qua những khu tháp mộ uy nghi, xuyên qua mấy tòa ngang dãy dọc rất lớn, thì đến một khoảnh sân nhỏ. Tôi khá ngạc nhiên khi Hòn Đá Chém không nằm trên bệ thờ, hay một gian phòng trưng bày cất giữ trang trọng nào đó, mà lại là bậc kê chân để bước vào nhà Phương Trượng.
Nhà sư Mật Hạnh bảo rằng, Hòn Đá Chém đã nằm đó hàng trăm năm qua rồi.
Điều nhà nghiên cứu Nguyễn Vĩnh Hảo khẳng định, đây không phải hòn đá bình thường, mà là viên bạch ngọc quả không sai.
Trong khi những chân tảng, những vật liệu đá xung quanh rêu mốc, phong hóa theo thời gian, thậm chí những tấm bia trong mộ tháp đã mờ nét chữ, thì hòn đá kê chân đi, phơi nắng dầm mưa, vẫn giữ màu trắng tinh khôi, sáng lóa trong ánh nắng chiều.
Mỗi ngày, có không ít người dẫm chân lên, nhưng hòn đá vẫn sáng bóng, mịn màng, không hề bị bào mòn, không có một tì vết. Chỉ có chất liệu của ngọc, với độ cứng cấp 7, chỉ kém kim cương một chút, mới có thể vững bền với thời gian và sự tác động của con người đến như vậy.
Khối bạch ngọc làm vật kê chân vào chánh điện Khối bạch ngọc này khá lớn, có chiều cao 0,4m, dài 1,5m và rộng 1,3m. Cứ theo con số đó nhân lên, thì hòn đá này nặng khoảng 3 tấn.
Theo nhà sư Mật Hạnh, vì nỗi oan khiên trong Hòn Đá Chém vẫn còn quá lớn, nên đến thời hòa thượng Phước Huệ làm trụ trì, ông đã chuyển hòn đá đến trước khu Phương Trượng, ngay sau lưng chánh điện của chùa.
Theo hòa thượng Phước Huệ, ông chuyển hòn đá đến đây, để ngày đêm các oan hồn trong hòn đá được nghe tiếng kinh kệ, giải tỏa oan khiên.
Đệ tử của hòa thượng Phước Huệ, là nhà sư Mật Hạnh kể rằng, những đêm nhà chùa tổ chức lễ cúng vào lúc giao thừa tết Nguyên đán hàng năm, thì thường xuyên có một thứ ánh sáng mờ ảo, trông như dải lụa trắng bay ra từ hòn đá.
Khi “dải lụa” đó bay lên chánh điện, thì tỏa ra ánh hào quang sáng rực. “Dải lụa” như ánh sáng lạ đó bay lơ lửng chậm rãi như đám mây quanh chánh điện đúng một vòng thì biến mất.
Tháp mộ trong chùa Thập Tháp. Ai đến chùa Thập Tháp, cũng thường đến viếng Hòn Đá Chém và ai cũng ngạc nhiên khi hòn đá kỳ lạ, là chứng tích lịch sử đó không được thờ cúng ở nơi trang trọng, mà lại làm bậc thềm để mọi người dẫm chân lên.
Nhà sư Mật Hạnh giải thích rằng, xưa kia, hòa thượng trụ trì đưa hòn đá về chùa với mục đích làm dịu đi nỗi oan khuất của những người bị chết chém, chứ không có ý định thờ cúng hòn đá.
Khi nỗi oan khuất đã được giải tỏa, thì hòn đá ấy lại trở về với công dụng bình thường của nó, để ngày ngày du khách bước chân qua.
Ngoài ra, trụ trì chùa Thập Tháp cũng mong muốn du khách khi bước qua hòn đá này sẽ nhớ lại bài học ngày xưa chúa Nguyễn Ánh vì nuốt lời hứa, ra tay tàn độc với người vô tội mà vương triều lụn bại, phải nhận cái chết tức tưởi và bị lịch sử lên án, rủa là đối tượng rước voi về giày mả tổ.
Ngoài ra, hòa thượng trụ trì cũng mong muốn biến hòn đá ác nghiệt ngày xưa thành hòn đá hiền hòa, đẹp đẽ, nâng niu bước chân du khách.
Hàng năm, vào ngày giỗ của hòa thượng Phước Huệ, vào ngày 18 tháng giêng âm lịch, hàng vạn Phật tử đến chùa, đều chiêm ngưỡng Hòn Đá Chém. Nhiều người quỳ lạy, ôm hòn đá khóc lóc. Không ít người rơi nước mắt khi quỳ lại hòn đá mà nhớ đến những anh hùng hào kiệt thời Tây Sơn.
Còn tiếp…