Người có đủ nhân duyên thì đi tu ở chùa, có người phải lo sinh kế hàng ngày bằng việc buôn bán thì nỗ lực tu ở chợ, người khác có trách nhiệm chăm lo cho gia đình thì có thể tu tại nhà. Nhìn chung, mọi người đều có thể tu Phật tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh của mình.
Người cư sĩ sống đời sống gia đình, có bổn phận chăm lo phụng dưỡng cha mẹ và nuôi vợ (chồng) con, nếu sống tốt và làm tốt các bổn phận của người con, người chồng, người bố thí thì được gọi là tu ở nhà hay tu tại gia. Có thể nói rằng gia đình là môi trường gần gũi và thuận tiện nhất cho người cư sĩ thực hiện nếp sống tu tập của mình, trên cơ sở vận tâm sống tốt và làm tốt các phận sự của người tại gia cư sĩ. Sống và làm tốt mọi trách nhiệm bổn phận ở gia đình với tấm lòng trong sạch hướng thiện thì được gọi là người có tu Phật.
Thế nào là tu đâu cho bằng tu nhà? Câu trả lời của người Việt: “Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Nghĩa là tu không gì khác là tỏ lòng thành kính đối với cha mẹ, hết lòng chăm lo săn sóc cho cha mẹ khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau ốm, luôn luôn lắng nghe lời khuyên bảo của cha mẹ, nỗ lực sống tốt để cha mẹ được vui lòng, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, làm tròn hiếu đạo của con cái khi cha mẹ qua đời.
Xem ra, chữ tu của người Việt xưa cũng giản dị mà hàm chứa nhiều ý nghĩa thật hay, thật đẹp. Cứ theo đạo lý này mà sống thì mỗi người Việt Nam đều là người tu Phật, mỗi gia đình người Việt đều trở thành một môi trường tu Phật. Người người đều tu Phật, nhà nhà đều tu Phật.
Chúng ta biết rằng đạo Phật đến Việt Nam từ rất sớm và đã đóng góp rất lớn vào đời sống văn hoá tinh thần của người Việt. Riêng về phương diện hiếu đạo, đạo Phật giúp củng cố và soi sáng thêm cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt bằng cách chỉ rõ cho người Việt nếp sống tại gia tu Phật rất căn bản và thiết thực. Trước hết, đạo Phật xác nhận rất rõ công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là vô cùng vô tận, không thể nào báo đáp được nếu không thấu hiểu đạo lý giác ngộ, Kinh Tăng Chi nêu rõ:
“Có hai hạng người, này các Tỷ kheo. Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm cho đến 700 tuổi, nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gối, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện, đại tiện, như vậy, này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha.
Hơn nữa, này các Tỷ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc do với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này.
Nhưng này các Tỷ kheo, ai đối với mẹ cha không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin, đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí, đối với mẹ cha theo ác trước, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”.
Lời dạy của Đức Phật trên đây nói cho ta biết rằng công ơn của cha mẹ là thâm sâu, vô cùng vô tận, mà ta có cung kính phụng dưỡng thế nào cũng không thể đền đáp được. Phụng dưỡng hết lòng, săn sóc vật chất đầy đủ cho cha mẹ là đều tốt, đáng làm, nhưng đều đó vẫn chưa đủ để đáp đền thâm ân của cha mẹ.
Vì vậy, song song với lòng hiếu thảo phụng dưỡng, con cái cần phải học tập đạo lý giác ngộ để giúp cho cha mẹ khởi tâm tu tập mà sớm được giác ngộ. Đây rõ ràng là một bổ sung mới của đạo Phật cho quan niệm hiếu đạo của người Việt Nam, một sự bổ sung đay đạo đức và trí tuệ, khiến cho việc báo đáp công ơn cha mẹ càng tăng thêm ý nghĩa và giá trị.
Làm người thì ai cũng mong muốn được sống hạnh phúc an lạc và mong cho những người thân yêu của mình được hạnh phúc an lạc. Tâm niệm ấy khiến mọi người nỗ lực kiến tạo hạnh phúc an lạc cho mình và cho những người thân yêu của mình. Tâm niệm ấy dẫn đến hiếu đạo, nghĩa là, nỗ lực kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ để phần nào đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đây rõ ràng là một tâm niệm tốt.
Nhưng tâm niệm ấy cần phải được soi sáng bởi đạo lý giác ngộ, Nghĩa là, ngoài việc chăm lo cung phụng đời sống vật chất đầy đủ cho cha mẹ, người Phật tử phải sống đời sống đạo đức chánh kiến và khuyến khích cha mẹ thực hành nếp sống đạo đức chánh kiến. Có như vậy thì việc báo hiếu báo ân mới trọn đủ, mới đưa đến kết quả tốt đẹp cho mình và cho cha mẹ mình. Đức Phật tán thán những gia đình sống trọn hiếu đạo, dạy như vầy:
“Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ kheo, trong ấy, các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường”.
Phạm Thiên, Đạo sư là các đối tượng được tôn kính đối với xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế. Đức Phật xem hiếu đạo ngang hàng với Phạm Thiên, được tôn kính như các Đạo sư, xứng đáng được cung kính cúng dường, nghĩa là Ngài muốn nói đến giá trị cao cả của nếp sống hiếu hạnh, nhấn mạnh tính thiêng liêng của nếp sống nhớ ân và báo ân cha mẹ bằng cách hết lòng phụng dưỡng và khuyến khích cha mẹ sống nếp sống giác ngộ hướng thiện.
Nói cách khác, nếu một Phật tử sống đời sống gia đình mà biết nhớ ân và báo ân cha mẹ bằng các nghĩa cử trên thì xứng đáng được tôn trọng như Phạm Thiên, xứng đáng được tôn kính như các Đạo sư, xứng đáng được mọi người tôn kính cúng dường.
Bởi hiếu hạnh mang ý nghĩa cao cả, thiết thực và có giá trị lớn lao như thế nên mới có câu nói: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”. Người Việt Nam đã khéo tiếp thu tinh hoa của đạo Phật để ứng dụng vào đời sống hàng ngày của mình, khiến cho đời sống ấy càng trở nên có ý nghĩa và an lạc lớn.
Tác giả bài viết: Tâm Hỷ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự