Người mang duyên nợ với trầm hương

Thứ sáu - 23/01/2009 15:11
Đón khách, ông chỉ cười lặng lẽ. Thế nhưng khi nghe nhắc đến cây trầm hương, mắt ông bỗng vụt sáng và giọng ông sôi nổi hẳn lên. Và ông đã kể cho chúng tôi nghe hành trình hơn 23 năm “kết duyên” cùng cây trầm hương của mình.


. Từ hạnh ngộ trầm hương

 

Hơn 23 năm trước, tại suối Đá Bàn (thuộc ấp Bến Tràm, xã Cửu Dương, huyện Phú Quốc), tu sĩ Thích Giác Nhi được một người khách lạ ghé thăm. Qua chuyện đạo chuyện đời, biết vị tu sĩ trẻ đang nuôi mơ ước nhiều hoạt động từ thiện - người khách lạ (tự xưng là nhà khoa học) - đã khuyên ông trồng cây dó bầu. “Nó sẽ cho ông cơ hội làm từ thiện như ý muốn” - người khách nói. Người khách “bật mí” thêm: trầm hương chỉ có mặt ở ba nước Đông Dương và hiện còn sót duy nhất 1 cây rất lâu đời trên đảo.

Thế là ông tìm đến cây dó bầu cổ thụ, hái trái về mày mò ươm hạt. Hàng chục lần thất bại đã không làm ông nản chí. Cuối cùng, niềm hy vọng của ông cũng thành - những mầm dó bầu đầu tiên vươn lên.
 
Năm 1992, ông quyết định đưa dó bầu rời đảo. Nơi ở mới ông chọn cho cây dó bầu là mảnh đất nằm cạnh chân núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Nhưng không ngờ, chuyện dó bầu giống có mặt ở đảo đã đến tai các thương nhân trầm hương người Đài Loan. Họ liền cử người sang Phú Quốc hợp đồng mua toàn bộ cây con giống dó bầu.

 

Ngại phiền phức, ông xin giấy giới thiệu của ông Thái Văn Cầu (Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Xuân Lộc lúc bấy giờ) nhưng bị cơ quan kiểm lâm đảo Phú Quốc từ chối. Không thể trở về núi Chứa Chan với hai tay không, ông thuyết phục cánh thợ rừng đang thu hái dó bầu giống hợp đồng cho Đài Loan (với giá 300 đồng/cây) để mua bằng được 2.000 cây, với giá 1.000 đồng/cây.

 

  • Đến trồng cây gây vườn rừng

     

Trong trang trại rộng 20 ha, phần lớn diện tích ông trồng xoài cát Hòa Lộc, điều cao sản và tiêu Vĩnh Linh. 5.000 cây dó bầu được trồng theo phương thức xen canh để lấy ngắn nuôi dài, còn số dó bầu đem từ đảo Phú Quốc về ông trồng thuần canh làm giống. 2.000 cây đầu tiên nay chỉ còn 700 cây đã cao đến 8-9 mét, đường kính thân cây khoảng 30cm. Đặc biệt, năm 2002, tức đúng 10 năm trồng ở đây, dó bầu giống đã cho trái.

 

Qua tổ chức thu hái và gieo ươm, hàng năm trang trại của ông cho ra đời khoảng 1 triệu cây con giống dó bầu. Từ hai năm nay, giống dó bầu của trang trại không còn bó hẹp ở Đồng Nai mà đã bén rễ sang các tỉnh thành: Ninh Thuận, Quảng Nam, Đắc Lắc, Đắc Nông, Khánh Hòa, Hà Nội…

 

Ở Xuân Lộc, người dân trìu mến gọi Đại đức Giác Nhi là “ông sư kinh tế”. Từ vùng đất hoang, ông và các đệ tử đã ra sức trồng cây gây rừng tạo thu nhập mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng. Vào mùa cao điểm, trang trại trầm hương của ông thu hút từ 50 đến 60 lao động địa phương tham gia vô bầu, tạo cây giống với thu nhập từ 50.000 đến 70.000 đồng/người/ngày. Niềm vui lớn nhất của ông là vườn cây từ 8 đến 10 năm tuổi đã được cấy trầm thử nghiệm. Suốt ngày ông lân la bên những cây dó bầu mà chính ông đã “đục lỗ, gây thương tích”. Nhận ra mùi trầm hương nhẹ nhàng tỏa ra từ những hốc cây, ông vui mừng nói: “Nó đã kết trầm rồi, dù mới là trầm tóc”.

 

Chỉ chúng tôi cây dó bầu 13 năm tuổi được làm dấu cẩn thận, Đại đức Giác Nhi cho biết: “Cây này nhóm giảng viên của Trường ĐH Mở-bán công TPHCM về nghiên cứu, đã cấy hóa chất, xử lý tạo trầm sau khi quyển “Trầm hương khảo luận” của tôi được Nhà xuất bản Văn nghệ TPHCM ấn hành”. Cây trầm hương có tên khoa học là Aquilaria Crasna Pierre, thuộc họ Thymeleaceae, bộ Thyméales, lớp song tử diệp, ngành hiển hoa (bí tử) đã có mặt từ hàng ngàn năm qua. Theo kinh nghiệm của ông, dó bầu không kén đất nhưng đất phải cao, không bị ngập úng. Riêng khâu gieo hạt, “anh chàng” này lại rất khó tính, trái hái xong phải gieo ươm liền, chậm ngày nào tỷ lệ nảy mầm càng giảm chừng đó.

 

Hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Hiệp hội Tinh dầu-Hương liệu-Mỹ phẩm VN, Hội trầm hương VN, Viện Khoa học Kỹ thuật đã tìm đến đây để tận mắt xem những công trình thực nghiệm công phu của ông. Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu-Hương liệu-Mỹ phẩm VN đánh tiếng mời ông vào Ban chấp hành của Hội nhưng ông từ chối.

 

Giữa lúc những chấn động từ công trình nghiên cứu về loài cây quý hiếm này chưa dứt thì một lần nữa, dự định của ông lại làm nhiều người sửng sốt. Cũng vì quyết định này mà mấy phòng khám bệnh từ thiện do ông sáng lập (mỗi năm khám chữa bệnh cho hàng trăm ngàn lượt người dân ở tỉnh Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận) phải tạm đóng cửa.

 

  • Và bức thư gởi ngài Thủ tướng

     

Suốt câu chuyện với chúng tôi, nhiều lần ông nói “trồng rừng là pháp môn tu hành tạo ra công đức nhân sinh xã hội”. “Nếu gầy dựng thành công rừng trầm hương thì nó sẽ mang đến hai nguồn lợi lớn: thứ nhất rừng giúp bảo vệ môi trường, thứ hai là nguồn lợi kinh tế vô cùng to lớn” - ông khẳng định. Ngày 21-3-2005, sau nhiều cân nhắc, ông đã gửi một bức thư đến Thủ tướng Phan Văn Khải. Trong thư, ngoài nguyện vọng tha thiết xin được nhận đất trồng rừng, ông còn trình bày chi tiết “Dự án trồng 2.000 ha trầm hương” làm cơ sở chứng minh cho kế hoạch của mình.
 
Vui mừng không kể xiết khi ngày 15-4-2005, Đại đức Giác Nhi đã nhận được công văn phản hồi từ Văn phòng Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo: “giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Cao Đức Phát xem xét thư và trả lời cho tu sĩ Thích Giác Nhi biết chủ trương, chính sách của Nhà nước; phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho tu sĩ Thích Giác Nhi thực hiện nguyện vọng của mình” (trích nguyên văn).

 

Tiếp đó, ngày 28-4-2005, ông cũng nhận được công văn trả lời chính thức của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Cao Đức Phát. Theo đó, Bộ NN và PTNT hoàn toàn ủng hộ những thiện tâm và ước nguyện của ông về việc tham gia gây trồng phát triển cây dó bầu. Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị ông liên hệ với Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai để có được các thông tin cần thiết về chính sách giao đất, giao rừng và hướng dẫn làm các thủ tục cần thiết.

 

Gần 1 tháng sau, ngày 16-5-2005, Phòng Kinh tế huyện Xuân Lộc đã có công văn số 14/CV-KT gởi Hội Nông dân huyện và UBND các xã-thị, về việc không khuyến khích nông dân trồng cây dó bầu, với nội dung như sau: việc xử lý trên cây dó bầu tạo trầm hương nhân tạo còn là công việc nghiên cứu, chưa có kết quả để có thể ứng dụng trong sản xuất. Vì vậy, yêu cầu các cơ sở kinh doanh cây giống không được khuyến khích nông dân trồng cây dó bầu qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm để phục vụ cho việc kinh doanh cây giống (!?). Được biết, công văn này ra đời theo chỉ đạo của Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai tại công văn ngày 11-5-2005 do Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đoàn Thạnh ký.

 

Mong rằng Sở NN-PTNT tỉnh không nên làm một việc đơn giản là ra công văn như trên mà sớm tổ chức nghiên cứu và kết luận một cách khoa học về phát triển cây dó bầu góp phần trong việc bảo vệ phát triển nguồn lợi thực vật rừng quý hiếm của nước ta.

 

Đại đức Thích Giác Nhi cho biết, dự án 2.000 ha rừng trầm hương có thể thực hiện tại 8 địa phương: Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai và Kiên Giang. Rời trang trại trầm hương, chúng tôi ra về với ước mơ đau đáu 2.000 hecta rừng trầm hương cùng với ước nguyện xây dựng một bệnh viện từ thiện (chữa bệnh miễn phí cho tất cả mọi người) của ông sư già 62 tuổi.

 

Ông có thế danh Huỳnh Quang Cường, sinh quán miệt Sông Đốc, Cà Mau. Năm 16 tuổi, chàng trai này xuất gia, nương nhờ cửa Phật tại vùng núi Thất Sơn, An Giang. Năm 1970, chiến sự miền Nam trở nên khốc liệt, ông rủ thanh niên trốn lính. Bị địch phát hiện, bắt ra tòa và đày ra đảo Phú Quốc. Ở tù 6 tháng, ông được tha, và nơi đây ông đã ẩn tu.

 

14 năm qua, chân núi Chứa Chan, nơi ông chọn làm nơi tu tập, cây trầm hương đã bén rễ, kết hương.

 

Tác giả bài viết: Minh An

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây