Người mẹ biên phòng của những đứa trẻ tộc người ngủ ngồi đan lai

Thứ hai - 08/03/2021 15:03
Năm 2018, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh (SN 1972, thời điểm đó đang mang hàm Thiếu tá) viết đơn tình nguyện lên đồn biên phòng công tác. Lúc đó với 46 tuổi đời, 25 năm tuổi quân, cùng năng lực và bề dày kinh nghiệm công tác, chị hoàn toàn yên tâm với công việc yêu thích tại Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An.
Người mẹ biên phòng của những đứa trẻ tộc người ngủ ngồi đan lai

"Thực ra, ý định xung phong lên đồn đã có từ năm 2017, khi con gái đầu của tôi đang học lớp 11. Nghe tôi bày tỏ ý định đi cơ sở, chồng tôi rất ngạc nhiên, nhưng hiểu tính vợ, anh cũng xuôi xuôi, bảo đợi sang năm, khi con gái đã thi cử xong xuôi. Anh sợ tôi đi lúc này, tâm lý của cháu bị xáo trộn", Trung tá Thanh cho hay.

Khi con gái thi xong kỳ thi THPT quốc gia, Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh quyết định thực hiện kế hoạch của mình. Lá đơn của chị khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi lẽ thường, phụ nữ ở tuổi ấy chỉ mong được ổn định về công việc để có thời gian chăm lo cho gia đình. Nhưng chị Thanh thì không nghĩ thế. 1/4 thế kỷ công tác ở vùng thuận lợi, dù đảm trách ở những vị trí công tác khác nhau nhưng chị vẫn muốn khám phá, thử thách bản thân ở môi trường khác, cảm nhận rõ hơn những khó khăn, gian khổ mà đồng đội đang trải qua.

Tháng 8/2018, "bàn giao" cho chồng công việc gia đình và chăm sóc, nuôi dạy cậu con trai đang học lớp 8, Trung tá Thanh khoác ba lô lên nhận nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Môn Sơn (đóng tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Thực tế biên giới thiếu thốn, khắc nghiệt, không thơ mộng như những chuyến công tác ngắn ngày trước đó nhưng bản lĩnh người lính đã giúp chị nhanh chóng thích nghi với môi trường và nhiệm vụ mới.

"Cái khó nhất không phải là nhiệm vụ mà tôi phải "chia năm xẻ bảy" thời gian, tâm trí cho công việc, cho gia đình và cô con gái lần đầu tiên xa bố mẹ ra Hà Nội học, bắt đầu cuộc sống tự lập. Năm đầu tiên lên Đồn, tôi xung phong ở lại trực Tết. Đêm giao thừa, tránh sao được những phút chùng lòng khi nghĩ về gia đình, về chồng, về các con.

1

1

Vừa bảo vệ biên giới, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội vùng biên, vừa chống dịch Covid-19, có thời điểm suốt 4 tháng tôi ở trên Đồn, mọi việc trong nhà đều giao phó cho chồng. Nghĩ lại, tôi thấy biết ơn và trân trọng người bạn đời của mình. Anh và các con luôn cảm thông, chia sẻ và ủng hộ tôi trên tất cả mọi mặt", Trung tá Thanh chia sẻ.

Là nhân viên vận động quần chúng, lại công tác tại vùng đặc thù, hình ảnh nữ cán bộ biên phòng rong ruổi trên chiếc xe máy từ bản này qua bản khác đã trở nên quen thuộc với người dân Môn Sơn. Miệng nói, tay làm, từ người "ở tỉnh lên", chị Thanh dần trở thành người thân của đồng bào dân tộc Thái, Đan Lai ở xã biên giới này. Họ quý chị, nghe chị, tin tưởng và tìm đến chị khi cần tư vấn, sẻ chia. Được dân quý, dân tin, chị càng có thêm động lực để phấn đấu trong công tác, thực hiện nhiệm vụ mà Chỉ huy Đồn phân công.

Thượng tá Nguyễn Văn Hậu - Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An cho biết: "Khi lên nhận nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Môn Sơn, đồng chí Nguyễn Thị Trần Thanh đã phát huy được năng lực, bản lĩnh của mình. Là một người năng động, đa năng, sáng tạo và trách nhiệm trong công tác, đồng chí đã xây dựng các CLB phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới hoạt động rất hiệu quả. Mô hình CLB này không chỉ thu hút chị em phụ nữ các dân tộc thiểu số ở Môn Sơn tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới mà còn giúp chị em phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no".

1

Xã biên giới Môn Sơn nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Pù Mát, nơi có tộc người Đan Lai sinh sống. Là một nhóm cư dân nhỏ, tập trung chủ yếu ở bản Khe Búng và Cò Phạt, với đặc điểm lịch sử và tập quán sinh sống, người Đan Lai gần như tách biệt với thế giới bên ngoài, đối diện với nhiều nguy cơ, đặc biệt là đói nghèo, tảo hôn, hôn nhân cận huyết và thất học.

Khi Đề án bảo tồn và phát triển tộc người Đan Lai ra đời, cuộc sống của bà con được quan tâm nhiều hơn. Một số hộ dân được di chuyển đến khu tái định cư tại hai bản gần trung tâm xã. Những hộ còn lại được thụ hưởng các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Một điểm  trường tiểu học cho học sinh hai bản Khe Búng và Cò Phạt cũng được xây dựng. Khi lên cấp 2, các em phải vượt đường rừng, vượt khe suối ra trung tâm xã để tiếp tục học tập.

1
Trung tá Thanh hướng dẫn cho bé gái Đan Lai gội đầu.

Mặc dù đã có ký túc xá dành cho con em đồng bào Đan Lai cũng như chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn hàng tháng nhưng mỗi năm, số học sinh Đan Lai bỏ học giữa chừng vẫn rất cao. Cứ mỗi độ Tết hay sau kỳ nghỉ hè, giáo viên Trường THCS Môn Sơn lại phải lặn lội đến từng nhà tìm và vận động các em trở lại trường. Thế nhưng dăm bữa nửa tháng lại có em nghỉ học, quay về bản.

Trước tình trạng đó, Ban giám hiệu Trường THCS Môn Sơn và Đồn biên phòng Môn Sơn đã có kế hoạch phối hợp đưa các em trở lại trường. Một tổ công tác 3 người, trong đó có Trung tá Nguyễn Thị Trần Thanh được Chỉ huy Đồn phân công đảm trách nhiệm vụ này. Bên cạnh vận động phụ huynh học sinh ký cam kết phối hợp trong việc quản lý, vận động các con đi học, nhiều biện pháp giữ chân học sinh cũng đã được triển khai.

Trước hết phải giúp các em ổn định chốn ở, sửa chữa ký túc xá, cải tạo giếng khơi, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu. Từ chỗ sống bản năng, dần dần những đứa trẻ Đan Lai được các cô chú biên phòng hướng dẫn, chăm lo bày vẽ và sinh hoạt đi vào nền nếp, khuôn khổ.

"Những đứa trẻ đang ở độ tuổi phát triển, những biến động về tâm, sinh lý, cộng với việc xa cha mẹ, anh em, cũng như phong tục tập quán và nếp sống... đã ăn sâu vào tiềm thức, dẫn đến nhiều điều phải uốn nắn. Thời gian đầu mới lên, tôi chứng kiến những bé gái đứng ở cái giếng chung, múc nước dội ào ào lên đầu qua quýt rồi mặc cả quần áo ướt chạy vào nhà để thay.

Trẻ con Đan Lai vốn rụt rè, ngại ngùng khi gặp người lạ. Mình tiến đến thì các con lảng tránh, co cụm với nhau. Phải mất thời gian khá lâu tôi mới xin được gội đầu cho các con. Vừa gội, vừa tỉ tê, hướng dẫn dùng dầu gội bao nhiêu là đủ, gội như thế nào cho sạch. Các con không thích nghe từ "bẩn" đâu, nên cũng phải biết lựa lời mà nói. Gội đầu, rửa mặt, đánh răng, thậm chí là đi dép cũng phải hướng dẫn từng li từng tí. Giúp các con thay đổi lối sống, thay đổi tư duy để yêu thương và trách nhiệm với chính bản thân mình là cả một quá trình, không thể nóng vội được", Trung tá Thanh kể.

Không chỉ uốn nắn, chỉ dạy các con, Trung tá Thanh bằng mối quan hệ và uy  tín của mình vận động quần áo, chăn màn, mỳ tôm, tivi... cho những đứa trẻ mà mình yêu quý. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sự quan tâm chân tình, dần dần, chúng coi chị như mẹ. Từ chỗ lảng tránh,  lũ trẻ đã cởi mở, thân thiện, ngoan ngoãn và tiến bộ hơn trong học tập. Nhờ vậy, việc bỏ học giữa chừng cũng giảm dần, dù chưa thể giải quyết dứt điểm.

"Cái quan trọng nhất là các con biết thể hiện tình cảm, biết sẻ chia. Tôi đã ngạc nhiên đến rưng rưng nước mắt khi nhận 1 gói bánh của 2 bé gái Đan Lai khi chúng từ trường cấp 3 về thăm mẹ. Trở lại đồn công tác sau khi về chịu tang mẹ, có những lúc nhớ mẹ, tôi ra chỗ vắng khóc. Các con nhìn thấy, chúng chạy lại, ôm lấy tôi cùng khóc và đã biết nói lời động viên. Chỉ bấy nhiêu thôi tôi biết các con đã lớn khôn, có cảm xúc, biết chia sẻ, biết đồng cảm với nỗi đau của người khác", chị tâm sự.

1

1

1

Chăm sóc, nuôi dạy 1-2 đứa con đã khó, huống gì đến hơn 6 chục đứa, mỗi đứa một tính cách. Phải quan tâm, yêu thương thật công bằng để các con không tị nạnh nhau, không tủi thân. Tình thương của người mẹ và bản lĩnh của người lính giúp chị thực hiện được nhiệm vụ khó khăn ấy.

Những đứa con Đan Lai đầu tiên của chị cũng đã lên cấp 3, phải chuyển tới trường mới. Có những em vì hoàn cảnh gia đình, cứ nằng nặc đòi bỏ học. Biết chuyện, chị đến thăm, phân tích cho con thấy tầm quan trọng của việc học, tiếp cận tri thức, không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng người Đan Lai và cuộc sống của con sau này. Thế nhưng, cũng có lúc chị thấy buồn và bất lực khi các con không thể tiếp tục theo học mà quyết định nghỉ để đi làm. Chị phối hợp với Hội phụ nữ xã để giới thiệu, kết nối với các cơ sở giải quyết việc làm chính ngạch để tìm cho các con môi trường làm việc an toàn.

Sau 3 năm gắn bó với đồng bào, với biên giới, chị chưa bao giờ hối hận với quyết định "ngược núi" của mình. 3 năm không phải là dài với một đời người, cũng không phải là dài của một đời lính nhưng đã cho chị nhiều trải nghiệm, để chị được thử mình ở môi trường công tác mới, để đón nhận nhiều niềm vui, nhiều tình cảm thân thiết ruột rà của đồng bào, của những đứa con không cùng huyết thống.

"Nếu lãnh đạo vẫn tin tưởng, tín nhiệm và tạo điều kiện, tôi mong muốn được tiếp tục gắn bó với Đồn, với đồng bào và các con cho đến khi nghỉ hưu", bông hồng xanh miền biên ải nở nụ cười hạnh phúc. 

Nguồn tin: Dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây