Nằm ngay ở vùng hạ lưu sông Chu, sông Mã, xung quanh là đồng ruộng trù phú, làng mạc đông vui, ngã ba sông rộng mở, bãi bồi bát ngát hoa màu, rừng cây, thuyền đi ngược, về xuôi…, chùa Vồm đặt bên chân núi Bàn A thuộc xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) hiện lên như một nét điểm xuyết cho bức tranh phong cảnh sinh động, muôn màu, muôn vẻ mà rất mực nên thơ.
Gian chính của chùa Vồm được đặt ngay dưới chân núi Bàn A, trong khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng.
Núi Bàn A là ngọn núi danh thắng nổi tiếng xứ Thanh có hình thù và màu sắc rất đẹp, được hợp thành từ hai ngọn núi là núi Vồm và núi Bằng Trình. Nơi đây gắn với truyền thuyết về cuộc tranh đấu giữa ông Vồm - nhân vật trong thần thoại xa xưa ở xứ Thanh, có sức khỏe phi thường, có công đào sông, đắp núi, lập ấp với ông Bưng, tức Lê Phụng Hiểu, một danh sĩ thời Lý được nhân dân huyền thoại hóa.
Cổng chùa đã phủ màu rêu phong gồm có 1 cổng chính và 2 cổng phụ hai bên, mang đậm phong cách đặc trưng của kiến trúc thế kỉ 15.
Chùa Vồm (hay còn gọi là chùa Đại Hùng) được xây dựng ở chân núi Bàn A vào năm Quang Thuận (1460) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi chùa có thế dựa vào núi đá, được dãy núi và tầng tầng lớp lớp cây xanh mướt che chở tạo nên một không gian bình yên, tĩnh lặng pha chút nét kì bí, hoang sơ.
Tượng Phật A Di Đà cao 6m, rộng 3,2m được khắc trực tiếp vào vách đá xuất hiện từ thế kỉ 17.
Trong khuôn viên chùa lưu giữ nhiều di vật, dấu tích có giá trị cao về văn hóa, lịch sử, như: Tượng Phật A Di Đà khắc bằng đá, những bài thơ của các nhân vật lịch sử được khắc trên sườn núi… Chùa Vồm cùng với núi Bàn A là loại hình di tích thắng cảnh và kiến trúc nghệ thuật, thể hiện trí tuệ, sự tài hoa, khéo léo của người xưa và được xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2011.