Thời hòa bình sau 1975, trong ký ức của ông Hồ Khanh là những năm tháng cuộc sống vô cùng bấp bênh. Khi ấy, những thanh niên làng ở độ mười tám, đôi mươi như Hồ Khanh, có sức là tự do đi rừng, ăn ở và kiếm sống cũng nhờ rừng. Người thì tìm trầm hương dù cả tháng không gặp một cây, người thì khai thác gỗ hoặc thu nhặt vỏ bom, đạn còn sót lại từ chiến tranh.
Ông chậm rãi kể: "Ngày ấy người làng ai cũng vất vả lo cái nghèo khó, đâu ai biết những ảnh hưởng mình gây cho rừng. Cũng chưa bao giờ nghĩ được, có một ngày vùng đất xa lắc xa lơ, toàn rừng nguyên sinh này lại có người đến du lịch".
Sau giai đoạn 1986-1991, khi khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng được thành lập rồi mở rộng, những người dân bao năm lấy gỗ của rừng mới biết đến và hiểu thế nào là "lâm tặc". Họ, trong đó có ông Hồ Khanh, trở về kiếm đất làm nông, nhiều người tìm đến các thành phố lớn kiếm sống.
Nhưng cái khổ vẫn chưa thôi bám lấy ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Son. Ông Khanh mượn sào đất của chị gái để cấy lúa, trồng khoai và nuôi thêm dê. Bão lũ kéo về Quảng Bình hàng năm khiến ông bao lần mất trắng. Bể nợ, ông phải bán hết máy móc, rồi làm lại. Năm 2001, khi khu bảo tồn được chuyển thành vườn quốc gia, các đoàn thám hiểm hang động tới đây nhiều hơn, ông Khanh chạy vạy mở một quán cà phê nhỏ, đặt tên là Hồ Trên Núi.
Đam mê những hang động chưa ai đặt chân tới
Suốt hơn 10 năm đi rừng, Hồ Khanh đi qua hàng chục hang động lớn nhỏ của Phong Nha, phần lớn số đó sau này đều được đưa vào khai thác du lịch như hang Én, động Thiên Đường... Dân làng vẫn biết đến ông như một người giỏi đi rừng.
Năm 2007, chuyên gia hang động Hoàng gia Anh Howard Limbert đến gặp Hồ Khanh, để có thêm manh mối về hang động bí ẩn mà ông tìm kiếm suốt 10 năm qua. Nói chuyện cùng chuyên gia, Hồ Khanh nhớ về một cửa hang lạ có gió lớn thổi ra mang theo sương mù, mà mình từng trốn bão trong lần đi rừng năm 1990.
Tạm để lại căn nhà mùa đông không đủ ấm, mảnh ruộng đi vay còn dở cấy cày, ông Khanh lần nữa đi rừng. "Dù lúc ấy nhà có khó cũng phải đi rừng, giúp chuyên gia tìm ra hang động, để giúp quê hương mình", ông vừa cười vừa nói.
Trải qua nhiều lần đi rừng vì không nhớ rõ vị trí hang, tới năm 2009, ông Khanh cùng đoàn chuyên gia tìm thấy Sơn Đoòng, khám phá và công bố đây là hang động lớn nhất thế giới.
Ông Hồ Khanh (phải) chụp ảnh cùng chuyên gia Howard Limbert trong chuyến đi rừng năm 2014. Ảnh: NVCC
Năm 2011, trong lần gặp lại, ông Limbert khuyên Hồ Khanh làm homestay. Khi ấy, trăn trở vì không có vốn liếng, ông Khanh vẫn quyết tâm vay mượn để xây nhà rường 3 phòng bên bờ sông Son. Khi Sơn Đoòng ngày càng nổi tiếng trên thế giới, ông Khanh đón biết bao đoàn khách nghỉ tại homestay. Có người đến cũng để được gặp, trò chuyện, bắt tay với người tìm ra hang động lớn nhất thế giới.
Sau này, ông Khanh vay vốn mở rộng quy mô homestay trên mảnh đất khoảng 2.000 m2 do cha mẹ để lại. Còn đau đáu về khoản nợ "kẹt" ở ngân hàng, ông vẫn mở bãi tắm miễn phí cho khách phía sau nhà. Có nhiều người đến tắm nhưng không thuê phòng, vợ chồng ông Khanh vẫn vui vẻ đón tiếp.
Ông Hồ Khanh (phải) đón khách tham quan homestay. Homestay của ông phục vụ được tối đa 30 khách một ngày. Năm 2020, do ảnh hưởng của Covid-19, nơi đây vắng khách nghỉ. Ảnh: Hoàng Trung
Năm 2013, khi tour mạo hiểm Sơn Đoòng được Oxalis đưa vào khai thác, ông Khanh trở thành porter, đưa các đoàn khách, đoàn làm phim, hãng thông tấn nước ngoài thám hiểm hang động lớn nhất thế giới trên chính quê hương mình. Kỷ niệm cứ nghĩ đến lại cười của Hồ Khanh là lần sang Anh dự hội thảo hang động cùng năm ấy. Ông tip cho nhân viên hàng không vài bảng Anh, khoảng trăm nghìn đồng tiền Việt. Ông kể, vì phục vụ nhiều đoàn làm phim Nhật Bản, Hong Kong, Anh, Pháp, thấy họ tip nên học hỏi.
Với ông, điều thay đổi lớn nhất của mình và người làng sau khi làm du lịch là đời sống đỡ vất vả hơn nhiều. Ông Khanh có điều kiện cho 2 con trai theo học trường ngoại ngữ của tỉnh, còn con gái lớn giúp mẹ làm homestay. Khi không còn lo về cái nghèo, nhận thức ngày càng cao là thay đổi thứ hai. Thay vì đi rừng theo bản năng, người làng nay biết bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên rừng, vì đây là "tài sản vốn quý chung".
Hiện ông Khanh là đội trưởng đoàn 125 porter trong tour Sơn Đoòng. Mỗi năm, ông xin phép tỉnh để đi rừng 10-12 ngày, vì niềm tin rằng Quảng Bình còn rất nhiều hang động chưa khai phá hết để phát triển du lịch, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Nguồn tin: vnexpress.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự