Cảnh báo bệnh truyền nhiễm xuất hiện trở lại

Thứ bảy - 24/02/2024 12:21
Whitmore - căn bệnh từng bị lãng quên, giờ bùng phát trở lại. Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa (A4B), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thu dung và điều trị bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng cổ gáy trái và lưng do Burkholderia pseudomallei (hay còn gọi là bệnh Whitmore).
Bệnh nhân mắc Whitmore tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được các điều dưỡng thay băng, chăm sóc. Ảnh: Lê Hằng
Bệnh nhân mắc Whitmore tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được các điều dưỡng thay băng, chăm sóc. Ảnh: Lê Hằng

Mắc bệnh Whitmore nhưng không biết

Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, bệnh nhân đột ngột nổi hạch cổ, hạch dưới hàm, đã đi sinh thiết hạch và chẩn đoán: Hạch viêm cấp, u nang tuyến giáp. 5 ngày gần đây, bệnh nhân sốt cao liên tục 39-40 độ; Kèm theo sút cân nhanh (6kg/1 tháng). Bệnh nhân đã dùng kháng sinh đường uống nhưng không đỡ.

Sau khi được các bác sĩ của khoa Bệnh Cấp tính và cấp cứu (A1C) điều trị tích cực 10 ngày khối áp xe sưng nề giảm, sờ mềm ấn đau, không tấy đỏ, vùng gáy trái ấn đau, sưng nề nhẹ. Chụp MRI vùng cổ: Hình ảnh các ổ áp xe ở vùng cổ trái dọc cơ ức đòn chũm, khối cơ hai bên vùng cổ sau và lưng. Sau khi chọc dịch ổ áp xe làm xét nghiệm cấy khuẩn phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei .

Bệnh nhân được cách ly và điều trị tích cực. Hiện tại bệnh nhân còn sốt nhẹ, đỡ thiếu máu, không phù...

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Whitmore?

Đại tá-TS-BS Nguyễn Đăng Mạnh - Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - cho biết: Bệnh Whitmore là bệnh do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra.

Vi khuẩn có trong đất và nước thuộc các vùng nhiệt đới, nhất là khu vực Đông Nam Á và Bắc Úc. Bệnh lây chủ yếu qua đường da, niêm mạc xây xát khi tiếp xúc với vi khuẩn có trong đất, nước, chất bẩn khi tiếp xúc mà không có phương tiện bảo hộ (nông dân làm việc trên các đồng ruộng, những người tiếp xúc với môi trường đất, nước bẩn như binh lính...).

Qua hô hấp khi hít phải bụi có chứa vi khuẩn, qua tiêu hóa khi uống các nguồn nước nhiễm bẩn. Trên thực tế, thường rất khó xác định chính xác thời gian, địa điểm và cách thức nhiễm bệnh, nhất là khi con người thường xuyên phơi nhiễm với vi khuẩn và môi trường. Lây truyền trực tiếp giữa người với người, người với động vật hiếm khi xảy ra.

“Bệnh Whitmore có đặc trưng là sốt, viêm phổi và áp xe nhiều cơ quan, mức độ bệnh từ các nhiễm trùng nhẹ, khu trú cho đến nhiễm khuẩn huyết và tử vong nhanh chóng” - TS-BS Nguyễn Đăng Mạnh cho biết thêm.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, Whitmore được coi là “kẻ mạo danh” vì bệnh không có những biểu hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Để chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.

Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này.

Theo Laodong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây