Để đừng bị xa lánh…

Thứ tư - 31/08/2016 05:58
Theo tờ The InfoPost, những ứng xử không thỏa đáng trong cuộc sống là điều khó tránh khỏi, nguyên nhân có thể khởi phát từ nhận thức hoặc từ sự mất cân bằng về tinh thần.
Dưới đây là những hành vi, những ứng xử dù muốn dù không cũng đều dễ dàng đẩy ta ra xa các mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống...

Lòng đố kỵ với người khác

Đố kỵ có thể hiểu là “ngồi đếm” điều người khác có được thay vì quán xét điều mình có được. Hành trình của mỗi người mỗi khác nhau. Đó là hành trình chinh phục những mục tiêu bản thân mỗi người đã đặt ra, chứ không phải cuộc thi thố giữa người này với người kia. Đối tượng cần so sánh của ta là bản thân mình, ta của ngày hôm nay tiến bộ thế nào so với ta của ngày hôm qua, chứ không phải là người khác.

Suy nghĩ phiến diện

Những gì người khác nghĩ về ta, ứng xử với ta thường là sự phản ánh bản thân họ, hơn là cách mà người khác nhìn nhận về ta hoặc đó là biểu hiện thuộc tính của ta. Cách người khác đối đãi với ta hoặc nhìn về cách ta bị (hoặc được) đối đãi có thể làm ta tổn thương. Nhưng trên hết, ở một góc độ khác, đó là sự trải nghiệm.

Điều quan trọng là ta không nên “ngó lơ” những phản ứng, phản hồi của người khác mà nên tiếp nhận và biết mình nên giữ gì và buông gì.

Hành xử như thể mình là “người bị hại”

Đừng “làm quá” lên bằng hành động với ý nghĩ mình là nạn nhân. Nếu cho mình là nạn nhân, ta sẽ không đủ năng lực và sức mạnh để chủ động và định hướng, lèo lái cuộc sống của mình. Và chắc chắn ta sẽ không thoát khỏi cảm giác bị mắc kẹt và bế tắc.

Khi không còn nghĩ mình thiệt, mình bị hại thì ta sẽ phát huy được hết sức mạnh của bản thân và thành tựu được nhiều hơn.

Tàng trữ khổ đau và mất mát

Một trong những bài học khó nhất trong cuộc đời này là buông xả; dù cho đó là tội lỗi, là tị hiềm, mất mát hay là yêu thương. Thay đổi không phải là điều dễ dàng, đó là cuộc chiến giữa nắm giữ và thả ra. Buông xả là con đường xán lạn nhất, giúp cởi bỏ và giải phóng ta khỏi những ràng buộc của quá khứ đau khổ, của hiện tại bất như ý. Thật sự là điều khó để có thể buông xả và nhận thức lại đối trọng cuộc sống trong suy nghĩ của bản thân, nên cần nhiều nỗ lực và quyết tâm.

Thiếu kiểm soát cảm xúc

Người thiếu kiểm soát cảm xúc sẽ dễ gây tổn thương cho người xung quanh. Nếu biết bản thân mình không thể kiểm soát cảm xúc trước những tình huống nào đó thì nên nhờ sự trợ giúp bên ngoài, hoặc tìm hiểu căn nguyên của sự thiếu kiểm soát đó để có đối trị.

Nhận định bằng biểu hiện bên ngoài

Đừng đánh giá hay quy kết người khác chỉ bằng những gì họ biểu hiện với ta. Những gì chúng ta thấy có thể là sự bất thường, hoặc do sự cố ý và chủ động của đối phương. Có khi người khác muốn ta chịu đựng điều gì đó là vì bản thân họ đang phải chịu đựng một cách nặng nề hơn những điều đó. Khi đó, điều họ cần là sự giúp đỡ chứ không phải sự “đáp trả” của ta.

Thiếu sự đồng cảm và tình thương

Những hành vi xấu hoặc tàn nhẫn đa phần xuất phát do thiếu đồng cảm, thiếu thấu hiểu và tình thương. Nếu ta trong hoàn cảnh bị đối xử thô bạo, bị “chơi xấu” hãy thấu cảm và dùng tình thương, lòng từ bi để hóa giải mọi thứ.

Thiếu chân thật

Thiếu chân thật (lừa dối) là sự lựa chọn chủ động, không phải do hoàn cảnh cũng không có lý do để bao biện.Nếu ta có thể lừa dối người khác một cách thành công cũng đừng cho rằng người bị lừa, bị dối là kẻ ngốc. Phải nhận thức rằng người ta tin mình nhiều hơn sự xứng đáng mình có được từ niềm tin của họ dành cho ta.

Dù lừa dối được, cũng đừng lừa dối. Hãy thành thật với bản thân và người khác. Nghĩ đúng và làm đúng. Sự liêm chính là bản chất, là cốt lõi của mọi thành công trong cuộc sống này.

Hãy “khai tử” kẻ cầu toàn bảo thủ trong mỗi con người…

Con người thường hay theo đuổi những điều mình giả thiết, định hình và kiến tạo bằng sự hoàn hảo. Với cuộc sống, ta thường cầu toàn trong cách tìm kiếm một ngôi nhà, một công việc, kết bạn hay người yêu thương… 

Đừng quên rằng cuộc sống là một hành trình thường biến, đòi hỏi sự dấn thân và thay đổi cho phù hợp ở từng hoàn cảnh, thời điểm. Những gì trong suy nghĩ được mặc định là hoàn hảo lại biến đổi trong tương lai, khi mà ngay thời điểm tương lai đó lại là ngôi nhà, công việc, tình bạn và người yêu thương bỗng trở nên chẳng những không hề hoàn hảo chút nào, lại kém xa chuẩn mực hoàn hảo ta từng đặt ra.

Nhưng với một chút lòng kiên nhẫn, một tâm hồn thoáng đãng; vượt qua giới hạn về thời gian, thì ngôi nhà thiếu hoàn hảo ấy lại là nơi che mưa nắng tốt, công việc không như kỳ vọng lại mang đến nhiều đãi ngộ, người bạn “không đạt chuẩn” kia lại là người sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ vui buồn với ta, người thương không như trong mơ này lại là người đồng hành đáng tin cậy trong quãng đời này…

Trần Trọng Hiếu (Giác ngộ)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây