Tác động tích cực của thiền đối với sức khỏe từ lâu đã được các nhà khoa học công nhận và ủng hộ. Năm 1980, tại Đại học Harvard (Hoa Kỳ), các nhà khoa học đã thực hiện hàng loạt thử nghiệm trên các thiền sư nổi tiếng bằng cách để họ nhập thiền trong một gian phòng có nhiệt độ thấp hơn rất nhiều so với mức bình thường, đồng thời khoác thêm lên mình họ nhiều tấm khăn lớn đã được ướp lạnh.
Kết quả thật bất ngờ: sau một thời gian ngồi thiền, thay vì run cầm cập do lạnh, thân nhiệt của các thiền sư vẫn rất ổn định và thậm chí còn đủ nóng để làm khô các tấm khăn choàng! Trong khi đó, một nghiên cứu khác được tiến hành sau đó không lâu trên các bệnh nhân trầm cảm nặng tại Mỹ cũng cho kết quả ngạc nhiên không kém: khi được tham gia một khóa thiền kéo dài trong nhiều ngày, hầu hết bệnh tình của các bệnh nhân đã thuyên giảm đến 75%.
Mặc dù thiền là trạng thái hoàn toàn tĩnh, song lại có khả năng gây hưng phấn tâm trí rất cao. Nhiều nghiên cứu gần đây được hỗ trợ bởi các thiết bị đo đạc điện tử hiện đại cho thấy khả năng hoạt động trí não cũng như trạng thái hưng phấn tâm trí ở những người hay tập thiền luôn đạt mức cao hơn hẳn so với những người bình thường khác.
Tại nhiều nơi trên thế giới, việc tổ chức các khóa thiền dài ngày trong các bệnh viện hay nhà tù là điều rất thường gặp. Chẳng hạn, một nhà tù ở Ấn Độ mới đây đã hướng dẫn cho hơn 10 ngàn phạm nhân tập thiền trong vòng mười ngày. Kết quả là hầu hết các phạm nhân đều trở nên bình tĩnh hơn và các cuộc bạo động trong tù giữa họ cũng giảm xuống một cách đáng kể. Theo các nhà tâm lý, việc ngồi thiền có thể giúp con người trở nên bình tĩnh, dễ kiềm chế cảm xúc, lạc quan hơn và giải quyết công việc sáng suốt hơn.
Về sức khỏe thể chất, việc ngồi thiền mỗi ngày cũng có thể mang lại những tác động tích cực, giúp bình ổn huyết áp, giảm cholesterol và hoạt chất cortisol trong máu, tăng cường miễn nhiễm và khả năng sáng tạo, chống suy nhược… Một trong những điểm đặc biệt nhất của thiền là có thể thích hợp với tất cả mọi người, và có thể tập thiền vào mọi nơi, mọi lúc.
Ba giai đoạn cơ bản của thiền
Để làm quen với thiền tại nhà, chúng ta cần tìm hiểu kỹ ba giai đoạn cơ bản sau đây của thiền:
1. Trước khi thiền. Đây là giai đoạn chuẩn bị, những điều bạn cần làm trong giai đoạn này là vệ sinh thân thể sạch sẽ, chọn mặc loại trang phục thoáng rộng để thật sự cảm thấy thoải mái và tìm một nơi thật yên tĩnh để chuẩn bị ngồi thiền. Tốt nhất là chọn không gian thiền là một gian phòng thông thoáng với ánh sáng không quá tối, cũng không quá sáng.
2. Trong khi thiền. Trước khi chính thức ngồi thiền, để giúp tâm trí thật sự thoải mái, nên nghe một bản nhạc nhẹ không lời khi đang tiến hành chuẩn bị ở giai đoạn một. Việc ngồi thiền lâu cũng có thể khiến cơ thể mệt mỏi, do đó nên chọn cách ngồi trên một miếng đệm mỏng (có thể ngồi tựa lưng vào tường nếu chưa thật sự thành thục), lưng thẳng, mặt hướng về trước nhưng hơi cúi, lưỡi chạm nhẹ vào các gốc chân răng cửa ở hàm trên, mắt nhắm hờ hoặc nhìn xuống điểm cách vị trí ngồi khoảng một mét, hai tay buông lỏng trên đùi hoặc đan chéo nhau để trước bụng, toàn thân thư giãn tối đa. Điểm quan trọng nhất của việc ngồi thiền là phải tuyệt đối giữ tâm trí thật lắng dịu, không suy nghĩ đến bất cứ việc gì.
Thời gian ngồi thiền lâu hay mau phụ thuộc vào khả năng cũng như mức độ thành thục của từng người. Bạn không cần phải cố gắng hay nóng vội, hãy để việc ngồi thiền được diễn ra một cách tự nhiên nhất. Không ít người phải mất hàng tháng trời mới có thể làm quen được với thiền.
3. Sau khi thiền. Khi chấm dứt thiền, thay vì vội đứng dậy, nên thực hiện một vài động tác nhẹ nhàng. Đầu tiên là từ từ buông duỗi hai chân ra, sau đó xoay hông và cổ qua lại vài lần rồi massage nhẹ vùng mặt. Cuối cùng, dùng hai tay xoa bóp hai chân, kể cả lòng bàn chân, trước khi đứng dậy.
Những trở ngại có thể gặp phải
Bất cứ ai mới tập thiền cũng đều có thể gặp phải những trở ngại cần phải vượt qua sau đây:
1. Không thể ngồi lâu. Nếu rơi vào trường hợp này, cách giải quyết tốt nhất là bạn nên điều chỉnh lại tư thế ngồi sao cho thật phù hợp, hoặc chọn phương pháp hành thiền (thiền đi bộ) thay cho tọa thiền (thiền ngồi), với những bước nhỏ và chậm rãi (mỗi bước tương ứng với một hơi thở ra hoặc vào), mắt hơi nhìn xuống. Sau khi đã thành thục, bạn có thể chuyển sang thiền ngồi hoặc kết hợp hành thiền và tọa thiền xen kẽ nhau.
2. Khó kiểm soát tâm trí. Đây là rắc rối phổ biến nhất với hầu hết những người mới tập thiền. Để khắc phục tình trạng này, bước đầu bạn có thể tập trung đếm hơi thở trong khi ngồi thiền, đếm từ một đến năm (hoặc mười tùy thích) rồi dừng, sau đó đếm lại. Thêm một lưu ý quan trọng khác là bạn nên chọn không gian thiền thật yêu tĩnh, tránh những tiếng động mạnh vì chúng rất dễ làm tâm trí xao lãng.
3. Chán nản vì hiệu quả mờ nhạt. Lợi ích của thiền không biểu hiện một cách tức thì và rõ ràng, do đó bạn không nên vội vã hoặc chán nản. Hãy kiên nhẫn tập luyện một cách tự nhiên, đừng cố tâm chờ đợi điều gì đó thật phi thường sẽ xảy ra. Tập lâu ngày lợi ích của thiền mới đến với bạn.
4. Không có thời gian rảnh. Nếu biết thu xếp, vấn đề thời gian chắc chắn không phải là chuyện khó giải quyết cho việc ngồi thiền. Vì mỗi ngày, bạn chỉ cần bỏ ra từ 20 đến 30 phút mỗi sáng sớm hoặc trước khi ngủ để tập thiền.
Nguồn tin: Vedepphatphap.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự