Câu chuyện giao lưu không phải là để nói về thành tích cá nhân trong chiến đấu và những tấm Huân, Huy chương mà là những câu chuyện về đời người trong một kiếp trần ai. Với tất cả "hỉ, nộ, ái, ố" giống như mọi người mà anh đã mang nó trong cuộc sống thời chiến và thời bình.
Câu chuyện về một đời người vượt qua những bản ngã, vượt qua mất mát thương đau để làm nên những điều kì diệu, trở thành biểu tượng của thanh niên một thời, niềm kiêu hãnh của một thế hệ và dân tộc.
Bắt đầu từ câu chuyện một cậu bé bốn tuổi ở quê hương sông Mã (Thanh Hóa) trong
những năm chiến tranh, khi tỉnh giấc không còn thấy cha. Nỗi sợ hãi mơ hồ và dự
cảm bất an ám ảnh suốt cả cuộc đời. Bởi không phải chỉ lần ấy anh không còn
thấy hình bóng người cha mà ông đã mãi mãi ra đi mà không một lần trở lại thăm
con.
Rồi ba năm sau đó, trái tim của đứa trẻ bảy tuổi đập thổn thức trong lần đầu dự lễ truy điệu liệt sĩ, cũng là lễ truy điệu người cha thân yêu của mình. Nỗi đau mất mát, nỗi đau cốt nhục ngấm vào tuổi thơ non nớt tạo nên huyết mạch căm thù giặc và hun đúc lòng yêu nước, là khởi nguồn sức mạnh cho những chiến công về sau. Câu chuyện về tư tưởng thanh niên thời chiến cũng giống như muôn người lúc đó, anh từ chối đi học ở nước ngoài để có điều kiện trực tiếp tham gia đánh Mỹ lập nên chiến công và cũng để lại trên mình bao thương tích.
Hành trình cuộc đời của vị tướng anh hùng như một huyền thoại kết thúc có hậu. Và giờ đây, trước mặt hàng nghìn các tăng ni, phật tử, một vị tướng trong bộ quân phục bạc màu chắp tay khiêm hạ trước bóng mát bồ đề. Người lính anh hùng giãi dầu sương gió, đội bom, đội đạn một thời nay tìm về cửa Phật hoà đồng cùng tất cả khách hành hương, bỏ mặc lại phía sau bao nhiêu nỗi lo toan đời thường. Hãy coi đây là một sự trải lòng, trải nghiệm khơi gợi một thời quá khứ đã được đưa vào sách sử cho hôm nay và mãi mãi về sau…
Câu chuyện ngắn của anh cũng như là một thông điệp nơi cửa Phật gửi cho tất cả mọi người: Hãy suy nghĩ về bổn phận làm người, về trách nhiệm với gia đình, với quê hương, với đất nước. Bổn đạo của phật tử cũng là bổn phận công dân. Hoa sen kết hương và toả sắc từ nơi sình lầy. Chánh quả không thể tìm nơi nào xa lạ mà có thể kết trái chính từ dòng đời ô trược.
Dự lễ Phật đản hôm ấy còn có Nhà báo - Nhà thơ Kim Quốc Hoa, một cựu chiến binh cùng thời với Anh hùng Lê Mã Lương, Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi (Pháp danh là Nghiêm Văn), tờ báo hàng đầu trong cuộc đấu tranh "chống giặc nội xâm" ngày nay.
Quả thực là mối
lương duyên đặc biệt. Những con người dấn thân vì lí tưởng chiến đấu và cống
hiến cho Tổ quốc, cho dân tộc trong đời thường thật giản dị, đơn sơ và mộc mạc thuần
phác chất lính.
Các anh đứng dưới bóng mát bồ đề và cũng chính các anh là những con người đã mang bóng mát ấy đi vào cõi nhân sinh, bằng lòng chịu đựng muôn trùng gian nan khốn khó vì ước vọng đem lại lợi lạc cho tha nhân. Những mẩu chuyện Anh hùng Lê Mã Lương kể, những lời bình sắc sảo, mạch lạc, thông tuệ của CCB Kim Quốc Hoa khiến người nghe càng rung động, khâm phục, liên tiếp với những tràng vỗ tay ràn rạt vang dậy một vùng núi Dinh thâm nghiêm, huyền bí…
Nói chuyện đời nơi cửa đạo cũng là cách tải đạo vào đời. Một trong phương pháp hành đạo gần nhất với chân tâm. Ai nói rằng "tu là xuất thế" là quay lưng với cuộc đời? Phật giáo yêu nước chủ trương "xuất thể để nhập thế" để giải thoát cho mình và muôn vàn người trong cỗ xe lớn (đại thừa) nhưng phương pháp và đường tu mỗi người chọn riêng, ước vọng chung nhất đều là đưa mọi người tìm về bát chính đạo. Kết hợp giữa đời và đạo, giáo dục và thực hành quả cũng là sự cố gắng có kế thừa và sáng tạo của các tu sĩ chùa Phật Quang trong mùa lễ Phật đản năm nay.
Trong lời kết buổi giao lưu giàu xúc cảm, Nhà báo Kim Quốc Hoa nhấn mạnh:
"Nhân Đại lễ Phật đản năm nay, chúng ta thành kính biết ơn Bác Hồ muôn vàn
kính yêu, biết ơn Đức Phật ngàn lần yêu thương, Người luôn dạy chúng ta lòng
yêu nước, yêu thương con người, từ bi hỉ xả, ngày ngày tu dưỡng đạo đức, làm
nhiều việc thiện, chống mọi điều ác, không tham sân si để hoàn thiện mình.
Chúng ta cầu cho mưa thuận, gió hoà, quốc thái dân an, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống đạo lí dân tộc, đạo lí nhà Phật nhân từ, cao cả, anh minh".
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự