Làm mẹ của một đứa trẻ đã là khó, đằng này đến 13 đứa. Càng khó hơn khi Phi Nhung chưa một lần vượt cạn đẻ đau. Chị kể lại: “Năm 1998, tôi đi làm từ thiện ở Bình Phước, gặp một sư cô sống trong cái am nhỏ xíu, chỉ đủ chỗ nằm ngủ. Tôi cảm động, đi vận động tiền từ bè bạn khắp nơi, giúp sư cô xây lên cái chùa nhỏ. Rồi từ đó tôi nảy sinh ý nghĩ, quyết định cùng sư cô đi tìm những đứa bé bị bỏ rơi từ các bệnh viện địa phương mang về chùa nuôi dưỡng. Cũng phải mất hai năm làm đủ mọi thủ tục giấy tờ, chính quyền địa phương mới chính thức cho tôi được nuôi các con. Lúc đó, khả năng của tôi chỉ nuôi được bảy, tám trẻ. Nhưng trong quá trình tìm kiếm, thấy mấy đứa nhỏ mồ côi, không được nhìn nhận từ khi lọt lòng, thương quá, không kềm lòng được, tôi bóp bụng đưa các con về luôn. Thành ra giờ tôi được 13 đứa con”.
Làm cùng dể dạy con
13 đứa trẻ xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, mà hoàn cảnh nào cũng thật oan nghiệt. Như chuyện cậu bé Phạm Đức Hiếu. Chị Nhung khóc khi nhớ lại lúc gặp cháu: “Cha mất sớm, mẹ mắc bệnh tâm thần, bỏ Hiếu trơ trọi ở bãi biển nọ, lúc cháu mới bốn, năm tuổi. Cháu cứ đi lang thang, người ta cho gì ăn đó, có khi ăn cả cá sống, cả cơ thể bị trầy trụa vì bỏng, vì đá sỏi đâm vào. Một lần đi làm từ thiện, chúng tôi vô tình gặp cháu, đưa về. Giai đoạn đầu Hiếu chẳng dám gặp ai, cháu cứ câm lặng, lo sợ. Tôi và sư cô Minh Viên thay nhau ôm con vào lòng, trò chuyện, phải mất hơn một năm Hiếu mới trở lại bình thường, biết cười, nói như bao đứa trẻ khác”. Tương tự, bé trai Đức Hạnh cũng mồ côi bố mẹ, ông bà nội quá già yếu, Hạnh lại có chứng tâm thần nhẹ, đi lang thang mọi nơi. Lúc được đưa về chùa, Hạnh cứ xé áo, xé quần, gặp vật gì cũng cắn xé, đập phá. Phải mất rất nhiều thời gian để mẹ Nhung giúp cho tâm hồn của con lành lặn lại.
Tất cả các cháu đều được chính thức mang họ Phạm của mẹ Phi Nhung. Làm mẹ của 13 đứa trẻ, phần lớn là những bé có tinh thần bất ổn, chị Nhung mới hiểu thế nào là nỗi đau, sự cơ cực của người mẹ. “Một đứa bị ốm thì ảnh hưởng dây chuyền, mấy đứa sau cũng kéo nhau ốm theo. Một đứa khóc là cả nhóm còn lại cứ thế khóc theo. Nhưng sự xuất hiện của mấy đứa nhỏ làm cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Sau vai diễn, tôi chỉ chuyên tâm vào vai làm mẹ, đi chợ sắm cho từng đứa cái bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, ly uống nước, bình đựng sữa. Tôi hạnh phúc vì tụi nhỏ sống không thể thiếu mẹ Nhung. Mẹ con tôi gắn với nhau như một sợi dây, cắt một cái là đau thấu trời. Làm mẹ cực lắm, nhưng chẳng thấm vào đâu so với những mất mát của các con. Những lúc ôm tụi nhỏ vào lòng, cho con uống sữa, thay tã lót cho con, rồi những khi rời con đi lưu diễn, mấy đứa nhỏ cứ quấn quýt khóc đòi, chẳng cho mẹ đi, tôi lại thấy làm mẹ sao mà thiêng liêng quá, có những điều chỉ có mẹ mới làm được”.
Trồng mì, mở quán lo cho con
13 đứa con nuôi của Phi Nhung đang sống yên bình, vui vầy tại ngôi chùa Pháp Lạc, Bình Phước. Các em được sư cô Minh Viên thay mẹ Nhung chăm sóc. Tất bật với lịch diễn, Phi Nhung chủ yếu liên lạc với các con qua điện thoại. Trong những cuộc gọi về, chị lúc nào cũng “mẹ đây, mấy đứa đang làm gì đó? Có nghe lời sư phụ không? Nhớ nghe lời mẹ, dọn dẹp giường ngủ, bàn học ngăn nắp. Đi học về thì chăm sóc, vệ sinh chân tay sạch sẽ cho mấy em nghen. Rảnh thì nhớ giúp sư phụ lột hạt điều, quét tước sân nhà”. Và cho dù bận bịu thế nào, ngày tết, Trung thu chị vẫn luôn dành thời gian mua quà bánh, hoa quả đến trường của các con để tham gia với tụi nhỏ. Chị tâm sự: “Tôi muốn cho các con một tình mẹ thật sự, không muốn để tụi nhỏ tủi thân với những gì chúng đáng phải có”.
Một bà mẹ độc thân với hơn chục đứa con tuổi ăn, tuổi lớn, nỗi lo lớn nhất của ca sĩ Phi Nhung là nguồn kinh phí nuôi dưỡng các con ăn học, trưởng thành. Chị thổ lộ: “Tất nhiên vất vả gấp trăm lần khi mình sống độc thân, bởi không chỉ cho các con ăn uống là đủ, mà còn gây dựng tương lai về sau cho các con. Tôi và sư cô trong chùa cùng nhau mua đất, trồng mì, làm hạt điều, mở quán ăn. Việc gì có ích, có lợi cho các con mà vừa khả năng mình là tôi đều làm, không riêng gì biểu diễn trên sân khấu. Tôi cũng đã mở tài khoản cho mỗi đứa, để sau này chúng lớn mình cũng già rồi, tài khoản đó sẽ là nguồn tài chính ổn định cho các con”.
Cậu bé Phạm Đức Hiếu, học lớp hai, kể về mẹ Nhung: “Ngày nào mẹ Nhung cũng gọi điện về cho mấy chị em con. Mẹ dặn con phải ngoan, phải siêng uống sữa. Sau khi ăn thì rửa chén bát của mình, lau bàn rồi học bài. Mẹ Nhung về thì đưa mấy con đi chơi Suối Tiên, Đầm Sen. Con thích được cùng mấy anh chị lên thăm mẹ Nhung, kể chuyện, rồi hát cho mẹ nghe. Có mẹ Nhung rồi, con không còn cảm giác bị bỏ rơi”.
Không ít khán giả thắc mắc tại sao ca sĩ Phi Nhung xinh đẹp, tài năng như vậy lại không chọn cho mình một bến đỗ bình yên, bù đắp lại những mất mát thuở nhỏ, lại đi làm “mẹ xã hội” cho những đứa trẻ mồ côi. Chị tỏ bày suy nghĩ của mình: “Có lẽ tôi không đủ khả năng để trở thành một người vợ, nhưng tôi có thể là người mẹ của các con, đủ tình thương để nuôi các con khôn lớn. Đó cũng là một sự bù đắp cho tuổi thơ thiếu thốn của tôi. Nếu nhỡ tôi lấy chồng, chắc các con hụt hẫng lắm”.
Tác giả bài viết: Trà My
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự