Họ ngồi lại cùng nhau và chọn sống tử tế

Thứ tư - 24/09/2014 07:50
“Tôi chọn tử tế” - là chủ đề buổi tọa đàm thú vị vừa được diễn ra vào ngày 20-9, tại Hội trường 1, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (đường Nguyễn Văn Cừ, Q.5).
Khách mời trao đổi về chủ đề tử tế tại buổi tọa đàm - Ảnh: Như Danh
Khách mời trao đổi về chủ đề tử tế tại buổi tọa đàm - Ảnh: Như Danh

Gần 400 sinh viên đến từ các trường cao đẳng, đại học trong thành phố đã có dịp chia sẻ những suy nghĩ, thắc mắc và những câu chuyện xung quanh việc nghĩ như thế nào, cách làm ra sao đối với hành động tử tế?

Tử tế, ai cũng có định nghĩa cho mình

 “Không có một định nghĩa rõ ràng nào cho hành động tử tế cả. Tôi nghĩ lòng tốt trước hết là không vô cảm và biết đồng cảm. Chia sẻ những giá trị tích cực trong xã hội…” - bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Liên minh Châu Âu, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam mở đầu trong vai trò khách mời.

Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc Truyền thông - Trung tâm Bảo vệ Quyền của người đồng tính - song tính và chuyển giới nói, tử tế đối với anh là “Nghĩ chậm hơn một chút trước khi mình hành động”.

 “Luôn suy nghĩ tích cực và lựa chọn những giá trị tốt để mình làm và thực hành liên tục… Đầu tiên là lắng nghe để nghĩ chậm lại và bình tĩnh hơn” - anh Phạm Trường Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Cộng đồng LIN chia sẻ quan điểm.

Đối với các bạn sinh viên nghĩ như thế nào là tử tế? Khi được hỏi, nhiều bạn đã giơ tay chia sẻ: “Tử tế là đối xử tốt với tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của mình”, bạn Trần Ngọc Quý, Trường Đại học Kinh tế bộc bạch quan điểm.

Còn bạn Lê Thị Kiều Oanh, Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở 2) thì nghĩ: “Tử tế đơn giản là những hành động rất nhỏ nhưng xuất phát từ cái tâm chân thật. Trước hết là biết trân trọng cuộc sống và yêu thương bản thân, có thương thân thì mới biết thương người, thương người không phải là những việc làm gì đó lớn lao, mà có thể là sự quan tâm chia sẻ, cảm thông về mặt tinh thần, có điều kiện hơn thì giúp đỡ về mặt vật chất, quan trọng là ta đã chọn cách sống như thế nào?”.

Hay “Tử tế là sự cảm nhận, thấu hiểu, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác trên góc nhìn và quan điểm đó, để thấy được mình phải làm gì cho những người mình muốn giúp đỡ, đơn giản hơn là những người xung quanh ta” - quan điểm của bạn Nguyễn Phước Hậu, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Nguyễn Thị Thu Thảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM nói: “Tử tế là không hối hận những gì mình làm hôm qua, tự hào với những gì mình đã làm ngày hôm nay và hạnh phúc với những gì mình làm ngày mai… Là yêu thương cuộc sống này một cách chân thành bằng trái tim...”.

Xây dựng giá trị

Nhiều trao đổi của sinh viên được các vị khách mời trả lời và chỉ ra phương pháp. “Nếu không làm gì xấu mới chỉ là bước một của hành trình tử tế, tử tế còn phải thể hiện bằng hành vi. Mình xây dựng bình an cho bản thân, nhưng cũng phải có trách nhiệm với xã hội, bởi mình đang sống trong xã hội, chứ không phải sống một mình và mọi điều mình làm đều có ảnh hưởng đến người khác”.

“Có những người làm sai, nhưng mình đừng phán xét con người mà hãy phán xét hành vi của con người. Mình phải giải quyết có trách nhiệm và tự trọng về những hành vi của mình”, bà Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ.

“Chúng ta nên thay đổi suy nghĩ cho và nhận, khi thay đổi thì ta đã nhận được nhiều hơn là cho và đôi khi người cho cũng là người nhận và người nhận cũng là người cho” - anh Huỳnh Minh Thảo bày tỏ quan điểm của mình, khi chia sẻ với bạn trẻ.

“Sự tử tế là do chính chúng ta tự vun đắp, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp lên và đó là phần thưởng lớn cho cuộc sống tử tế và cho chính bản thân mình…”.

TT (4).jpg
Các bạn trẻ hô vang “Tôi chọn tử tế” và chụp hình lưu niệm với các vị khách mời - Ảnh: Như Danh

Đặc biệt, ở phần giao lưu cuối chương trình, chị Đặng Huỳnh Mai Anh, Đại sứ Môi trường Bayer, giải thưởng lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2013 có chia sẻ những câu chuyện “tử tế” của mình sau khi được “trao vòng tử tế”.

Đó là câu chuyện kể về món quà đầu tiên chị tặng cho mẹ, đã làm mẹ cảm thấy rất hạnh phúc và vui mừng.

Đó là câu chuyện chị nhắn tin chúc mừng người bạn chuẩn bị đi làm, đã làm cho người bạn mình rất cảm động…

Đó là sau khi đăng câu chuyện tử tế của mình lên mạng xã hội, chị đọc lại và thấy có quá nhiều lỗi chính tả, chị nghĩ nếu bài này có lỗi thì những bài khác chắn chắc sẽ có rất nhiều lỗi và chị bắt đầu mở lại những bài viết cũ để sửa lỗi…

Tử tế theo chị, mỗi người sẽ có một định nghĩa khác nhau, tử tế đôi khi là một sự quan tâm đúng lúc, đôi khi là một lời cảm ơn chân thành từ những người thương, đôi khi sự tử tế không chỉ là những sự vật hiện hữu mà là những giá trị…

Có lời khuyên nào cho bạn trẻ? Chị Mai Anh ân cần: “Các bạn đều là những người tử tế, nhưng hãy nâng mức độ của mình lên, hãy chia sẻ những câu chuyện tử tế của chính bạn để lan truyền, nhân rộng những điều tử tế trong cuộc sống…”.

Chương trình được tổ chức bởi Tổ chức Hành động vì tương lai A4F dưới sự bảo trợ của Viện nghiên cứu Xã hội - Kinh tế & Môi trường  ISEE và sự giúp đỡ nhân sự của khóa học Be Change Agents.

“Chiếc vòng tử tế” là hoạt động của chiến dịch “Tử tế là” với thông điệp “Tôi chọn tử tế”. Một trăm “Chiếc vòng tử tế” được đánh số từ 1 đến 100 sẽ được trao tay ở hai thành phố là Hà Nội và Hồ Chí Minh nhằm truyền cảm hứng thúc đẩy các hành động tử tế trong cộng đồng.

Người sở hữu một chiếc vòng tử tế, sẽ đảm bảo 3 cam kết: thực hiện một việc tử tế trong 4 ngày kể từ khi nhận được chiếc vòng, chia sẻ câu chuyện của mình, tặng lại chiếc vòng này cho một người cũng cam kết với 3 điều này.

 

Tác giả bài viết: Nhã An

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây