Không ít tăng sĩ trẻ nỗ lực giúp đời

Chủ nhật - 05/08/2012 20:39
Người xuất gia cắt ái từ thân, vào chùa tu hành tìm cầu chân lý giải thoát thì sao có thể còn chìm đắm vào những vật chất của thế gian. Chính vì thế rất nhiều tăng sĩ trẻ vẫn đang ngày đêm miệt mài học tập và dốc sức trong các hoạt động Phật sự.

Tìm hiểu về các vị Tăng sĩ trẻ hiện nay, Kienthuc.net.vn đã có cuộc trao đổi với Sư Giác Minh Luật, xuất gia tu tập tại Tịnh xá Ngọc Minh (Bình Thuận), là một tăng sĩ trẻ dù mới 20 tuổi nhưng đã có nhiều hoạt động tích cực trong công tác từ thiện, xã hội, báo chí… đang theo học khóa ngắn ngày tại Thái Lan.


Sư Giác Minh Luật, ngày ngày đi khất thực tại Thái Lan theo đúng truyền thống của chư Phật và hệ phái Khất sĩ

Chí nguyện nào đưa Sư đến với con đường tu tập ạ?

Sau khi cha qua đời, Sư chợt bừng tỉnh về kiếp sống nhân sinh (sanh-già-bệnh-chết) mà con người hiện nay đều phải trải qua. 

Từ đó Sư bắt đầu đến chùa, tìm hiểu Phật pháp và cũng chính nhân duyên này khiến Sư nuôi dưỡng chí nguyện xuất gia. Năm Sư 14 tuổi đã quyết định xin mẹ lên đường tầm sư học đạo.

Người đời thường quan niệm, đi tu chỉ nên chuyên học giáo lý nhà Phật, thế nhưng việc các sư hiện nay học rất nhiều trường, cả đời lần đạo, điều này hỗ trợ gì cho con đường giải thoát?

Trong Phật giáo có Tam học bao gồm: Văn tuệ - Tư tuệ - Tu tuệ. Văn tuệ được xem là yếu tố cực kỳ quan trọng, để giúp cho người tu có được kiến thức Phật pháp, nếu sở học đã vững thì rất dễ thành công trong việc hành trì giáo pháp. Mọi người vẫn nói “tu mà không học là tu mù” thời đại văn minh tiến bộ, thì đòi hỏi ta phải có một kiến thức nhất định. 

Người tu khi học trường đời nếu với mục đích sau này đem tri thức để phụng sự Phật pháp thì đây là điều đáng quý và ngược lại. Ví dụ việc học tri thức cũng như cái cuốc để anh làm rẩy, nếu đã có cuốc thì cỏ dại sẽ được làm sạch, tức thì ta sẽ có một đám rẩy tươm tất.


Không chỉ có tu học, các vị Tăng sĩ trẻ còn chú ý đến các hoạt động từ thiện, giúp đời (ảnh Sư Giác Minh Luật động viên các bệnh nhi tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM)

Được biết Sư đang theo học tại Thái Lan, vậy việc đi du học như vậy có tốn kém lắm không? 

Đi du học điều đầu tiên phải đề cập là tài chánh. Nhưng người tu đa phần là xin vào ở trong chùa, ký túc xá tại trường nên vấn đề chi phí sinh hoạt được giảm tối thiểu. 

Như có câu nói đùa: “người tu là người sống nhờ vào công chúng” quả thật như thế, việc học hầu như đều do thầy tổ, Phật tử, người thân… hỗ trợ là chính. 

Đừng quá khắt khe với tăng sĩ trẻ

Hiện nay, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về việc nhiều vị tu hành trẻ sử dụng hàng hiệu trong đời sống tu tập, không lo tu tập. Sư nghĩ thế nào về điều này?

Sư cho rằng các vị đừng có cách nhìn quá khắt khe với các Tăng sĩ trẻ. Chúng ta cần nhìn rõ hơn về vấn đề các sư, thầy sử dụng vật dụng như vậy nhằm mục đích gì? Họ dùng những vật dụng đó để học tập, hoằng pháp… hay chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân. Từ những yếu tố này mà hãy phán xét.

Ngoài ra các vị cũng nên hiểu nếu người tu nhờ sự hỗ trợ của Phật tử nhưng nếu sử dụng một món đồ rởm không có hiệu quả, thì thay vào đó là món đồ có chất lượng tốt để phục vụ lợi ích chung thì có nên hay không. 

Tuy nhiên dù nói thế nào thì người tu khi là một tăng sĩ thì vẫn nên quán niệm mình là người học đạo cần luôn tâm niệm sống vừa đủ, thanh đạm, phù hợp với môi trường, hoàn cảnh mà người học đạo đang sống và tu học. 


Ngoài việc tu học, các vị tăng sĩ trẻ còn tham gia các hoạt động kết nối gieo duyên Phật giáo với giới trẻ hiện nay

Là một tăng sĩ trẻ, Sư cho rằng phải sống và hành xử thế nào mới đúng tinh thần của Phật giáo trong thời kỳ hiện đại?

Thời kỳ hiện đại, được hiểu như sự cải tiến về mọi mặt, người tu trẻ cũng phải thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống tu học để hoằng pháp tốt hơn.  

Và người tu trẻ hiện nay cũng có khá nhiều hoạt động để tiếp cận đến giới trẻ hiệu quả nhất, mang chiều hướng tích cực với góc nhìn mới về Phật giáo, không còn cái cảnh “trẻ vui nhà, già vui chùa” như dân gian đã quan niệm.  

Ngoài ra đối với người tu trẻ thì sống hết mình với lý tưởng, nhận ra lỗi lầm để kịp thời sửa chữa, luôn lấy lợi ích số đông đặt lên hàng đầu, có thể quên mình để phụng sự… như thế là sống đúng chánh pháp vậy. 

Xin cảm ơn Sư!

Nguồn tin: bee.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây