“Trẻ niệm chú Đại bi đúng cách sẽ rất tốt”

Thứ tư - 19/09/2012 19:32
Thần chú Đại bi được phát xuất từ kim khẩu của Bồ tát Quán Thế Âm. Chú Đại bi được gọi là thần chú, linh chú bởi vì ai tin và thành tâm hành trì thần chú này thì bản thân đã có đủ Đại bi tâm.

Thần chú này do Bồ tát Quán Thế Âm nói ra và được chư Phật ấn chứng mà gần nhất là đức Thích Ca Như Lai Từ Phụ của chúng ta nghe và đức Thích Ca cũng ấn chứng.

Chú Đại bi có nhiều tên khác nhau như: Quảng đại Viên mãn, Vô ngại Đại bi, Cứu khổ Đà la ni, Diên thọ Đà la ni, Mãn nguyện Đà la ni, Diệt ác thú Đà la ni, Phá ác nghiệp chướng Đà la ni, Tối siêu thượng Đà la ni...

Theo Hòa thượng Thích Giác Quang (chùa Quan Âm Tu Viện - Đồng Nai) thì những danh hiệu trên đây, đức Phật đã trực tiếp hướng dẫn cho ngài A Nan và Đại chúng biết. Nguyên Thần chú này tên rất dài: “Thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát Quảng đại Viên mãn Vô ngại Đại bi tâm Đà la ni thần chú”. Bài chú gồm có 84 câu.

Căn cứ vào sự ghi chép trong kinh điển (kinh Đại bi tâm Đà La Ni, bản dịch Thích Thiền Tâm), lúc ấy Bồ tát Quán Thế Âm sau khi nghe đức Phật hướng dẫn, Ngài liền phát nguyện trì tụng liên tục bài chú.

Ngài phát đại nguyện: Cầu cho kiếp sau phổ độ hết thảy chúng sanh đều được an lạc và mong cho Ngài có được ngàn cánh tay, ngàn con mắt để cứu vớt muôn loài.

“Sau khi phát nguyện xong, phút chốc, toàn thân ngài đã đầy đủ cả ngàn tay, ngàn mắt; tất cả mười phương đều chấn động và mưa hoa cúng dường. Chư Phật cũng phóng hào quang rực rỡ, soi khắp đó đây. Từ đó, Thần chú nầy mới có nhiều danh hiệu như vậy” - HT Giác Quang cho biết thêm.

Với oai lực và linh nghiệm đã được chứng minh qua không gian và thời gian, thần chú Đại bi đã được trân trọng trì tụng trong các khoá lễ, các nghi thức tụng niệm chính của các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Đại thừa như: Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...

Sự linh ứng của chú Đại bi thật diệu kỳ, công năng của chú Đại bi là làm cho chúng sinh tiêu trừ được khổ nạn, đem đến cho con người sự vui tươi. Đồng thời, có khả năng chữa lành tâm bệnh lẫn thân xác, năng lực của chú có thể hóa giải cả nghiệp chướng trái duyên, hóa giải nghiệp báo.

Tuy nhiên, để Thần chú phát huy được oai lực của nó, khi trì tụng ta phải tự mình quán chiếu tại sao ta lại rơi vào cảnh khổ mà người khác lại không và tại sao thần chú lại có công năng cứu khổ?

Giáo lý của nhà Phật dạy rằng: tất cả mọi việc trên cõi đời này không có gì xảy ra một cách ngẫu nhiên. Và sở dĩ Thần chú Đại bi có khả năng đưa ta vượt qua khỏi cơn khổ nạn vì công năng siêu tuyệt của nó là phá ác nghiệp chướng.

Thường thì thần chú Đại bi được các Phật tử tại gia đến trước bàn thờ Phật tụng từ 3 biến đến 21 biến, tụng lớn tiếng (cao thinh trì - PV), không có chuông mõ cũng được. Nếu không có điều kiện thì niệm nhép miệng (kim cang trì - PV) hay niệm thầm (mặc trì - PV).

Chủ yếu làm sao giữ thân trang nghiêm, khẩu đọc chú, ý không tán loạn để trì tụng thần chú sẽ đạt đến chính niệm.

“Riêng với trẻ em niệm thần chú Đại bi rất tốt nên dạy cho các cháu đến bàn Phật cùng với bố mẹ để cùng trì niệm nhưng chỉ niệm từ 01 bài đến 03 bài là đủ. Ngoài giờ trì niệm, đến giờ học thì để cho các cháu học, dạy cho các cháu làm việc theo thời dụng biểu gia đình.

Mỗi lần làm một việc, không nên cho cháu làm một lúc hai việc sẽ bị phân tâm, cháu sẽ bị rối mù lên và tâm loạn động, không còn thông minh nữa” - HT Giác Quang nhấn mạnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây