Cưu mang những cô gái trẻ bị ruồng bỏ
Minh Ngọc (25 tuổi, quê Bắc Ninh) đưa mắt nhìn xuống bụng rồi nói với giọng trầm buồn: “Khi em báo với ảnh (người yêu của Ngọc – PV) về cái thai thì ảnh nhất quyết bắt em bỏ đi. Em không chịu nên khóc rất nhiều, ảnh nói nếu không bỏ thì tự mà nuôi, ảnh không nhận con”.
Cái thai được 3 tháng thì bụng cô cũng lớn lên thấy rõ, sợ mọi người dị nghị nên Ngọc xin nghỉ việc. Loay hoay với bao nhiêu khó khăn khi lần đầu mang thai, Ngọc gần như trầm cảm. Đỉnh điểm là khi cô lấy hết can đảm để nói sự thật với gia đình thì bị cha mẹ “đuổi ra khỏi nhà vì làm xấu mặt dòng họ”.
Sư cô Lê Thị Thu Hoa (40 tuổi, pháp danh Chúc Từ). Sư cô tu tại chùa Bồ Đề ở quận 4. Sư cô vào chùa tu hành từ năm 15 tuổi. Ảnh: Lê Nam
“Lúc đấy em rối quá em chẳng biết phải làm gì, chỉ thấy căm hận và muốn bỏ cái thai đi thôi. Nhưng đến bệnh viện thì cứ không nỡ, thế là em lại về. Chị gái em biết chuyện nên lén cho em 1.000.000 đồng với một tờ giấy ghi số điện thoại của sư cô Chúc Từ, chị dặn em muốn sống phải gọi xin cô giúp ngay”.
Ngọc kể, tiền vé xe từ Bắc Ninh vào Sài Gòn hết 700.000 đồng, cô chỉ còn vỏn vẹn 300.000 đồng với cái thai sinh đôi và một túi vải đựng hai bộ đồ thun. “Em ở đây đã gần 2 tháng, ban đầu thực sự em tủi thân và mặc cảm nhiều lắm. Nhưng nhờ có sư cô thương, mọi người ở đây đều đồng cảm và quan tâm lẫn nhau nên bây giờ tư tưởng em cũng thông thoáng hơn. Với em thì cô chính là người mẹ thứ hai, là ân nhân, nếu không có sư cô thì có lẽ em đã tự giết đi đứa con của mình rồi”, Ngọc tâm sự.
Điều mà sư Chúc Từ luôn trăn trở đó chính là vấn đề trách nhiệm của người trẻ. Ảnh: Lê Nam
Nơi mà Ngọc nhắc chính là căn nhà trong con hẻm nhỏ ở quận Phú Nhuận, TP.HCM). Ở đó có những người phụ nữ xa lạ, không cùng quê quán, không chung ngành nghề… nhưng số phận khiến họ có chung nỗi đau bị người yêu ruồng bỏ, gia đình xa lánh vì trót mang trong bụng một mầm sống bị chối từ.
Người mẹ thứ hai trong câu chuyện gây xúc động của Minh Ngọc không ai khác sư cô Lê Thị Thu Hoa (40 tuổi, pháp danh Chúc Từ). Sư cô Chúc Từ tu tại chùa Bồ Đề ở quận 4, sư cho biết trong chùa không đủ chỗ cho các con ở nên mới tìm nhà thuê ở ngoài. "Thật ra căn nhà này được một phật tử cho tôi thuê lại với giá rất rẻ. Vài tháng nữa hết hợp đồng thì chúng tôi phải dọn đi nơi khác, nhưng sẽ tìm thuê nhà ở gần bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương hoặc bệnh viện Gia Định để lỡ có ai trở dạ đột ngột thì còn đưa đi kịp thời", sư cô nói.
Tháng 3. 2018, thông qua lời kể của một người bạn, sư cô Chúc Từ đã tìm đến và giúp đỡ một phụ nữ mang thai đang gặp khó khăn. Sư cô nhớ lại: "Cô bé này vì chưa cưới đã có bầu, siêu âm sinh con gái nên cả nhà người yêu nhất quyết không nhận, gia đình cũng từ mặt luôn. Bầu 7 tháng rồi nên bụng to lắm, tôi mới khuyên thôi về chùa ở để tôi chăm cho, chứ ở vậy chịu sao nổi".
Công việc giúp các bà mẹ đơn thân ở đây có thêm thu nhập là thêu tranh chữ thập và gắn tranh đá. Ảnh: Lê Nam
Sư cô bắt đầu tìm hiểu về thói quen ăn uống cũng như cách chăm sóc sức khỏe cho bà bầu và thường xuyên trò chuyện, trấn an tâm lý người mẹ trẻ. "Lúc mới về thì con bé không cười không nói, sau một thời gian mới chịu cởi mở hơn. Con bé cũng may mắn là sau khi sinh thì được cha mẹ ruột nhận về lại. Thỉnh thoảng nó vẫn gửi hình con gái cho tôi coi, nhìn bụ bẫm dễ thương lắm", sư cô chia sẻ.
Mẹ của những bà mẹ đơn thân
Những cô gái trẻ lầm lỡ, vội vàng lao vào tình yêu và để rồi nhận bao cay đắng khi bị người mình yêu thương ruồng bỏ. Ảnh: Lê Nam
Sư cô Chúc Từ tâm sự khi đối diện với một người mẹ tuyệt vọng và muốn phá bỏ cái thai, trong đầu bà chợt xuất hiện ý nghĩ: “Những người chọn phá thai hầu hết vì họ sợ hãi khó khăn trước mắt chứ không hề ghét bỏ đứa bé trong bụng. Liệu từ bỏ có phải là cách tốt nhất hay không, cuối cùng tôi chọn không". Và cũng từ đây, sư cô chính thức trở thành "mẹ" của những bà mẹ đơn thân không nơi nương tựa.
Sư Chúc Từ giải thích: “Những bà mẹ trẻ khi tìm đến đây chờ ngày sinh con thường mang tâm lý tội lỗi, tự trách bản thân mình và luôn luôn lo lắng, sợ hãi, tuyệt vọng. Sau đó, lại trỗi dậy lòng thù hận, căm phẫn với những người thân đã quay lưng với họ”.
Người tu hành không sinh con bao giờ, nhưng chính tình yêu thương đã biến sư cô trở thành một "người mẹ"Nói đến đây, sư cô im lặng một lúc, rồi chậm rãi: “Tôi lấy đạo lý nhà Phật để giúp các con hiểu được khi ta biết cách buông bỏ khổ đau, cũng chính là ta đang tự tha thứ cho chính mình. Thật tâm chỉ cầu mong cho tụi nó sống tốt quãng đường đời còn lại”.
Người tu hành không sinh con bao giờ, nhưng chính tình yêu thương đã biến sư cô trở thành một "người mẹ". Ảnh: Lê Nam
Khoảng thời gian đầu còn nhiều khó khăn, tính cả tiền nhà, các khoản chi tiêu, ăn uống, tiền khám thai định kỳ, viện phí sinh nở “thì tháng nào cũng từ 25 – 30 triệu đồng. Không ít những lần cuối tháng, mấy “mẹ con” sư cô chỉ có thể ăn cháo thay cơm.Trời cao không phụ người có lòng, nhờ thông tin về sư cô được chia sẻ trên mạng xã hội nên nhiều người biết đến rồi quyên góp, mạnh thường quân cũng hỗ trợ, các phật tử thân quen thì mỗi người một tay, ủng hộ quần áo, đồ dùng, sữa cho trẻ nhỏ.
Gần nửa năm trôi qua, sư cô Chúc Từ đã giúp đỡ rất nhiều phụ nữ sinh nở thành công. Hiện tại, “gia đình” của sư đang có 6 mẹ bầu cùng chung sống với nhau. “Nếu nói khổ thì chắc không ai khổ như người tu hành làm mẹ rồi, vì đi tu thì có sinh con bao giờ đâu mà biết. Nhưng tôi thương các bà mẹ lỡ dại dột một, thì thương những đứa trẻ có số lận đận ngay từ khi còn trong bụng mẹ đến mười phần”, sư cô bộc bạch.
Có một trường hợp mà sư cô Chúc Từ nhớ nhất là chị Thùy Trang (28 tuổi, người Tiền Giang) chuyển dạ vào đêm khuya: “Khuya đó mọi người ngủ hết rồi thì con bé đau bụng, la làng quá trời. Vì cái thai mới 8 tháng nên ai cũng hoảng. Tôi gọi taxi để đưa đi viện mà chờ lâu quá không thấy nên lấy xe máy đưa đi luôn. Vì khó sinh nên con bé bị băng huyết, bất tỉnh luôn trong phòng sinh. Tôi chạy lên chạy xuống làm đủ mọi thủ tục, trong đầu thì không ngưng niệm Phật cầu cho hai mẹ con tai qua nạn khỏi”.
"Tôi thương các bà mẹ lỡ dại dột một, thì thương những đứa trẻ có số lận đận ngay từ khi còn trong bụng mẹ đến mười phần", chia sẻ từ sư cô chúc Từ. Ảnh: Lê Nam
Đến tận khi được bế trên tay đứa trẻ chỉ nặng 1.9kg vì sinh non, nhìn đôi mắt nhắm nghiền ngủ ngon lành thì sư cô mới thở phào nhẹ nhõm. “Bây giờ Trang nó cũng có công việc ổn định rồi, cứ cuối tuần nó lại đưa con về thăm tôi và các chị em ở đây, lại còn nói mọi người cố gắng giữ sức khỏe, sinh xong rồi đi làm để nuôi con ăn học thành tài”, bà tự hào khi nhắc đến các “con”.
Lý giải về công việc của mình, sư cô Chúc Từ cho rằng đó là một cái duyên. Cái duyên khiến bà đau đáu mãi trong lòng nếu không dang tay ra để giúp đỡ và cứu lấy nhiều sinh linh bé bỏng. Những cô gái trẻ lỡ bước, những bà mẹ không được gia đình đón nhận lại có thêm tia hy vọng khi tìm đến đây. Và đâu đó giữa những câu chuyện buồn kia là tình người, tình mẫu tử thiêng liêng, là bao hoài bão về tương lai tươi sáng, là khát khao được sống trọn vẹn của những cuộc đời trót mang lỡ lầm.