Buông xả

Chủ nhật - 09/09/2012 10:08
Nghe nói về buông xả, tôi rất muốn làm theo. Nhưng trong thực tế, những người làm cho tôi ghét và những lời nói làm cho tôi phát giận, luôn luôn trong ký ức, làm sao tôi quên cho nổi để mà buông xả. Vậy có cần phải quên những điều đó để buông xả không? Nếu cần thì xin quý vị chỉ cho tôi cách để quên.

Thưa quý thính giả, 

Trong đời sống, chúng ta có câu “không thể quên, nhưng có thể tha thứ”. Đối với tâm lý học Phật giáo, tất cả những chuyện đã xảy ra trong cuộc đời, đều nằm trong Tàng Thức, tức là kho chứa các chủng tử làm nhân cho quả báo ở tương lai. Chủng tử là nhân, nhưng phải có duyên, là những cơ hội để chủng tử phát triển, thì nhân mới trổ ra quả được. Nếu chuyển hóa được tâm, khiến cho duyên không có cơ hội xuất hiện, thì nhân sẽ không thể sinh ra quả. Cũng như men rượu, nếu không có duyên là cơm nếp để rắc men vào, thì mãi mãi cũng chỉ là cục bột khô, không có cơ hội để nảy ra sinh vật lên men. 

Ký ức con người có cách vận hành của nó tùy theo hoàn cảnh. Bất cứ một người bình thường nào, cũng nhớ nhiều chuyện trong quá khứ, dù rất xa xôi. Nhưng sự nhớ đó không phải là hoàn toàn chính xác, mà có chọn lọc. Người ta thường nhớ những hành động tốt của bản thân, và những điều xấu của người mình ghét. Nếu có ai ghi chép lại những lời kể lể của họ trong một thời gian cách nhau, thí dụ mười năm, thì sẽ thấy hai câu chuyện không còn giống y hệt, mà điều tốt về mình thì dường như tăng thêm, đồng thời điều xấu của người họ ghét, cũng tăng thêm. Tại sao vậy? Vì mỗi lần kể lể, câu chuyện được thêm mắm dậm muối cho phù hợp ý thích của bản ngã. Nhưng nếu một thời gian không nhắc đến nữa thì câu chuyện sẽ chìm xuống dần, cho đến một lúc nào đó lại có ai khơi ra. 

Không có phương pháp nào dạy người ta quên. Ngay đến những người mắc bệnh Alzheimer cũng không quên tất cả, chỉ là ký ức bị lẫn lộn mà thôi. 
Nhưng không cần quên mới buông xả được, mà cần hiểu và ứng dụng sự hiểu biết về vận hành của cuộc đời. 

Nhà Phật quan niệm rằng tất cả mọi sự việc trong cuộc đời đều vô thường, nghĩa là đều luôn luôn thay đổi. Tâm vô thường, lúc thì nghĩ thế này, lát sau lại nghĩ khác. Thân vô thường, đang khỏe mạnh lại phát bệnh. Không có gì vĩnh viễn tồn tại, trước sau như một. Có câu “không thể uống cùng một ngụm nước trên một dòng sông”. Ngụm nước trước và ngụm nước sau, đã khác nhau vì dòng sông luôn luôn di chuyển. Cuộc đời cũng thế, một người vừa mới là kẻ sát nhân, khi thấy xác nạn nhân đổ xuống, tia chớp của hối hận lóe lên trong tâm, khiến hắn ta sám hối, buông bỏ dao xuống mà đi tu, xả bỏ được tất cả sự vô minh từ vô lượng kiếp, giác ngộ lại được bản thể, thành Phật. Cho nên nhà Phật mới có câu “buông dao đồ tể, tu hành thành Phật”. Tội lỗi là do vô minh, do ngu si. Giác ngộ thì thành Phật. Đạo Phật là con đường của bao dung và bình đẳng. Mọi người đều bình đẳng trong sự tu hành, trong sự giác ngộ và trong sự thành Phật. 

Mỗi người, không ngoại trừ ai, đều có những nỗi khổ riêng, vì vô thường là khổ. Từ vua chúa, doanh gia, tỷ phú, cho tới thứ dân bần cùng, đều khổ vì vô thường, vì có chuyện bất trắc, chuyện đau khổ có thể ập tới bất cứ lúc nào, thí dụ, yêu nhau mà bất thình lình mất nhau ... vân vân, là nỗi khổ không một ai tránh thoát được. 

Tất cả mọi sinh vật trên cuộc đời đều có những nỗi khổ, có những điều đáng thương xót. Nếu có thể nhìn tất cả mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời với nhãn quan đó, thì chúng ta có thể tha thứ cho người và việc mà chúng ta ghét, để mà buông xả. Buông xả là phương pháp hữu hiệu nhất để sống vui, sống khỏe, cho mình và cho mọi người. 

Nguồn tin: TVHS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây