Nghĩa của sư tử hống là gì? Có liên hệ gì đến lời đàm dân gian

Thứ hai - 17/09/2012 10:56
ĐÁP: Sư tử hống là tiếng rống của con sư tử, ví cho sự thuyết pháp của Đức Phật hùng dũng như tiếng gầm của chúa tể sơn lâm làm chấn động cả vũ trụ, càn khôn. Như trong Kinh Thắng Man còn có tên gọi khác là Thắng Man Sư Tử Hống Nhất Thừa Đại PhươngTiện Kinh.

Sư Tử Hống Phương Quảng, Thắng Man Đại Phương Tiện Phương Quảng Kinh là kinh điển xiển dương áo nghĩa của Nhất Thừa Chân Thật và thuyết về nghĩa của Như Lai Tạng Pháp Thân thông qua tiếng rống sư tử hùng hồn của Phu Nhân Thắng Man. Thắng Man là con  gái  của vua  Ba Tư Nặc nước Kiều Tát La (Kosala), sinh tại Thành Xá Vệ, lớn lên lập gia đình làm Hoàng Hậu của vua Hữu Xưng, quốc vương xứ A Du Xà.

Theo lời khuyên của phụ thân, bà quy y Phật Pháp Tăng và hiểu thâm sâu Phật pháp. Sau khi đức Phật lâm chung, bà phát ba đại nguyện, tuyên xướng tư tưởng Nhất Phật Thừa thông qua Kinh Thắng Man. Cùng với Kinh Duy Ma, Kinh Pháp Hoa.  Kinh giải thích về tiếng rống của con sư tử rằng: “Đức Như Lai Ứng Đẳng Chánh Giác đúng là tiếng rống của con sư tử, sự sanh khởi của ngã đã chấm dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, không còn chịu sự tái sanh về sau;  cho nên,  đức Thế Tôn lấy tiếng  rống của con sư tử để nương vào đây mà hiểu nghĩa.”

Trong Duy Ma Cật Kinh, Phẩm Phật Quốc có đoạn: “Sư tử hống là tiếng  rống của con sư tử, là âm thanh không sợ hãi, phàm giáo thuyết của ngài nói ra đều không sợ giáo học khác của chúng tà đạo, giống như tiếng rống của con sư tử làm cho các loài thú đều phải thần phục.”

Ngoài ra, sư tử hống còn được dùng để ví cho âm thanh chửi mắng người khác của người vợ hung dữ. Trong dân gian vẫn thường dùng từ “Hà đông Sư Hống, tiếng rống của con sư tử Hà đông”, vốn phát xuất từ trong Dung Trai Tùy Bút quyển 3, phần Trần Quý Thường của Hồng Mại nhà Tống.

Dưới thời Bắc Tống có một văn nhân tên Trần Quý Thường, tự xưng là Long Kheo Cư Sĩ thường vui vẻ tiếp đãi khách quý, thích giao du với các kỹ nữ; tuy nhiên, vợ ông họ Liễu, là người rất hung dữ, thường hay la rầy chồng. Có hôm nọ, người bạn thân là Tô Đông Pha khiêu khích Quý Thường đi chơi xuân. Bà vợ sợ chồng mình đi chơi với hàng kỹ nữ nên không cho phép ông ra bước khỏi nhà; tuy nhiên, họ Trần bảo đảm và hứa hẹn là nếu có kỹ nữ thì sẽ chịu hình phạt thích đáng; nhờ vậy bà họ Liễu mới chấp thuận. Về sau, bà biết được chồng có ăn chơi với các kỹ nữ, nên phạt đánh đòn.

Quý Thường sợ bị đánh, tha thiết cầu xin tha tội và chịu quỳ phạt bên bờ hồ. Tô Đông Pha ghé thăm, chứng kiến sự tình như vậy, cảm thấy sỉ nhục cho đấng đại trượng phu nam tử, bèn quở trách bà họ Liễu; từ đó cả hai bên bắt đầu cãi vả nhau. Cuối cùng, bà biết được sự việc Đông Pha đã dụ dỗ chồng chơi với các kỹ nữ, rồi lại còn đến can thiệp vào chuyện riêng  của gia đình mình; cho nên, bà tức giận lớn tiếng đuổi ông ra khỏi nhà.

Nhân sự việc nầy, Tô Đông Pha có làm bài thơ rằng: “Long Kheo Cư Sĩ diệc khả lân, đàm không thuyết hữu dạ bất miên, hốt văn Hà đông sư tử hống, trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên”, (“Long Kheo Cư Sĩ cũng đáng thương, đàm không luận có suốt đêm trường, chợt nghe Hà đông sư tử rống, gậy chống buông  tay  tâm  hoảng  liền).”  Bà  họ  Liễu  vốn  người  Hà  Đông, cho nên Hà Đông sư tử được  dùng  để  ví cho bà.  Về sau, Uông Đình Nột nhà  Minh soạn tác phẩm Sư Hống Ký cũng dựa trên bài thơ của Tô đông Pha.

Trong văn sớ cúng cho chị em gái được thâu tập trong Phật Môn Giản Lược Công Văn Thiện Bản, bản chép tay đề năm Phật Lịch 2509 - 1965, Ất Tỵ) của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích  Tương Ưng, húy Tâm Giải,  nguyên  trú  trì  Chùa  Từ Quang,  Huế,  có câu “cách phàm  thành Thánh, tốc đăng sư hống chi lâm”, nghĩa là khi đã chuyển hóa phàm tâm thành bậc Thánh thì sẽ mau chóng được lên khu rừng có tiếng rống thuyết pháp của sư tử, tức là được giác ngộ, giải thoát. (Tàn Mộng Tử kể.

Nguồn tin: TVHS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây