Đối cảnh vô tâm

Thứ tư - 29/08/2012 20:30
Tôi được một người bạn giới thiệu thuvienhoasen.org webpage nên vào đây xem và mong rằng có bạn nào đó có thể giúp tôi giải quyết một vấn đề là làm sao "Ðối cảnh vô tâm".

Tôi đối cảnh tâm thường khởi hay thấy việc xấu tốt hay dở phải quấy của người mà chẳng chịu thấy lỗi mình vì vậy nên bị cái cảm giác vui buồn hờn dỗi bất chợt dẫn dắt đến mệt luôn, trở thành chướng đạo.  Xin thành thật cảm ơn. 

Trả lời:"Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" (*) xuất xứ từ bài kệ của vua Trần Nhân Tông, diễn tả tâm thái giải thoát của người tu hành.  Trạng thái tâm này là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài.  Ðối với cảnh bên ngoài, dù đẹp hay xấu, trái hay phải, thuận hay nghịch, tiếng khen hay tiếng chê, mà tâm không hề xao xuyến, không hề dấy động, tâm như như bất động.  Vậy làm thế nào đạt được "đối cảnh vô tâm", làm sao sáu căn không dính với sáu trần?  Làm sao mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi...?  Ðây chính là tâm yếu của người tu hành và là đối tượng của tám mươi bốn ngàn pháp tu trong đạo Phật. 

Có một bầy khỉ, con khỉ chúa lãnh đạo bầy khỉ nhỏ, không cho phép khỉ bỏ bầy đi kiếm ăn một mình nguy hiểm.  Nhưng trong bầy có một con khỉ tham ăn, tách ra khỏi bầy đi kiếm ăn riêng lẻ.  Chẳng may gặp người thợ săn dùng một loại cây nhựa thật dính làm bẫy, bên cạnh cây nhựa là những miếng mồi ngon nhử khỉ.  Vì lòng tham nên chú khỉ ta vừa chụp lấy mồi nên hai tay bị dính nhựa, rối hay chân cũng bị dính luôn, thế là người thợ săn bắt về. 

Qua câu chuyện này chúng ta thấy rằng , khi sáu căn tức sáu bộ phận của con khỉ bị dính bẫy rồi, người ta bắt dễ dàng không ai có thể cứu được.  Cũng như vậy chúng ta, mắt thấy sắc liền nhiễm sắc, tai nghe tiếng liền nhiễm tiếng cho đến sáu căn bị dính chặt vào sáu trần liền bị nô lệ, bị sai sử.  Vì thế chúng ta nên nghe theo lời dạy của đức Phật là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì chúng ta đừng đuổi theo, đừng để dính mắc. Đuổi theo là tham cầu, dính mắc là nhiễm trước.  Không tham cầu, không nhiễm trước tức là được giải thoát. 

Cũng như vậy, chúng ta giống như đứa bé thò tay vào hũ kẹo.  Khi tay không, nó thò vào dễ dàng, nhưng vì thích kẹo quá nên nó nắm thật nhiều, không thể nào rút tay ra được.... Muốn rút tay ra được chỉ cần buông bỏ kẹo.  Ðức Phật dạy chúng ta đừng dính với sáu trần, các tổ dạy chúng ta buông xả, đừng tiếc, đừng tham như đứa trẻ tham kẹo hay đừng tham như con khỉ tham muì thơm. 

Dù pháp môn nào, người tu Phật cũng phải lấy giới làm đầu.  Giữ giới cũng chính là giữ cho sáu căn không duyên với sáu trần.  Dù pháp môn nào, người tu Phật cũng bắt đầu bằng thực hành hạnh xả, xả thân và xả tâm. 

Xả thân là giảm thiểu tối đa những nhu cầu tiêu thụ không cần thiết hàng ngày, thí dụ có một đôi dầy, không mua đôi dầy thứ hai, có năm áo mặc, không mua thêm áo thứ sáu dù là đang on sale.... mục đích đừng cho thân đắm trước cảnh ngũ dục.  Còn xả tâm tức tự thanh tịnh hóa tâm, khi tâm vừa dấy niệm liền buông xả ngay.  Ðây là đối tượng của của các pháp tu thiền. 

Dù pháp thiền nào, người tu cũng phải cần thấy rõ thân, tâm và cảnh, cả ba đều là không thật, là như huyễn.  Muốn được như vậy chúng ta cần phải phá ba cái chấp: chấp tâm, chấp thân và chấp cảnh.  Pháp chấp tâm là gốc, nếu thấy niệm dấy khởi biết liền nó là hư vọng, tức là đã phá chấp tâm và tâm hư vọng đã không thật thì thân và cảnh làm sao thật. 

 Cư sĩ Bàng Long Uẩn, trước khi thị tịch có nói rằng: "Xin chư vị, hãy coi những cái hiện hữu là không và cũng đừng coi cái không là thật.  Tất cả thế gian này đều như bóng, như vang." (I beg you just to regard as empty all that is existent and to beware of taking as real all that is non-existent.  Fare you well in the world.  All is like shadows and echoes.) 

Kinh Lăng Nghiêm nói: "Luân hồi sanh tử cũng do lục căn, giải thoát tự tại cũng do lục căn"  Do đó muốn giải thoát, được chứng Niết Bàn, phải đóng cửa lục căn lại.  Ðóng cửa lục căn tức là đừng để sáu căn nhiễm dính với sáu trần. Và muốn đóng cửa lục căn, theo pháp môn thiền tham thoại đầu là phải phát khởi nghi tình, do nghi tình mà nhiếp cả lục căn, lúc nghi tình khởi là lúc mắt thấy vẫn thấy, nhưng thấy như không thấy; tai nghe vẫn nghe, nhưng nghe như chẳng nghe. 

Mắt thấy tai nghe mà vẫn không dính mắc, các căn khác cũng vậy, ai chê hay khen gì cũng không dính, ai nói mình ngu dốt cũng không màng, cái gì xấu đẹp trước mắt cũng không lưu tâm đến.  Hễ có niệm biết tức là chưa khởi nghi tình thì chẳng thể nhiếp được sáu căn. 

Ðối với pháp môn tu niệm Phật, dùng niệm nhiếp niệm, trong tâm mặc niệm bốn chữ A Di Ðà Phật, một cách đều đặn, mới đầu chú tâm vào chữ A, sau dùng mắt tâm chiếu soi vào trong thân tâm tìm xem tướng chuyển động của làn sóng mặc niệm ở đâu cho đến khi tất cả niệm tưởng lao xao đều qui tụ về một điểm, rồi dần dần nhất tâm cũng không còn, đưa hành giả đi vào thế giới lúc nào cũng được tâm thể vô niệm. 

Trong kinh Tạp A Hàm có kể một câu chuyện Ngài Phú Lâu Na trình xin với Phật đến một nơi vắng vẻ tu hành và xin Ngài chỉ dạy chỗ tâm yếu để chóng đạt đạo.  Ðức Phật dạy: 

– Muốn đạt được chỗ tâm yếu đó không gì hơn là mắt thấy sắc đừng bị sắc trói cột, đừng dính với sắc. Tai nghe tiếng đừng để tiếng lôi cuốn, đừng dính nhiễm với tiếng. Mũi ngửi mùi đừng bị mùi cột trói, đừng dính mắc với mùi. Lưỡi nếm đừng bị vị trói buộc, đừng dính mắc với vị. Thân xúc chạm dù cho êm ái nhẹ nhàng vui thích hay thô nhám khó chịu cũng không bị dính cột trói, đừng dính mắc với xúc. Ý duyên với pháp trần không bị pháp trần lôi dẫn, không dính mắc với pháp trần. Nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, không dính mắc với sáu trần, đó là nhân đến Niết bàn. 

Nghe Phật dạy như vậy rồi, ngài Phú Lâu Na đảnh lễ từ giã Thế Tôn, xin tìm một chỗ vắng vẻ tu. Ðức Phật hỏi ngài định đi đâu, ngài thưa định sang một nước ở phương Tây để tu. 

Ðức Phật nói: 

– Ta nghe dân xứ ấy hung dữ lắm, ông qua đó họ làm khó, làm sao tu được? 
Ngài Phú Lâu Na bạch: 

– Bạch Thế Tôn, nếu người ta khó dễ với con, con vẫn can đảm tinh tấn tu. 

Phật hỏi: 

– Giả sử như họ chửi mắng ông thì ông nghĩ sao? 

– Bạch Thế Tôn, nếu họ chửi mắng con là vẫn còn hiền vì chưa đánh đập con.

– Giả sử họ dùng tay chân đánh ông thì ông nghĩ sao? 

– Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng tay chân đánh con là vẫn còn hiền vì chưa dùng dao gậy đánh con. 

– Giả sử họ dùng tới dao gậy đánh ông thì ông nghĩ sao? 

– Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng dao gậy đánh con là vẫn còn hiền vì chưa giết con.

– Giả sử họ giết ông thì ông nghĩ sao? 

– Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con thì cũng tốt vì họ giải quyết sớm giùm con thân ô uế này. Con cám ơn họ nhiều hơn. 

Bấy giờ Phật bảo: 

– Nếu ông được như vậy thì nên qua đó tu. 

Ngài Phú Lâu Na với pháp Phật dạy và ý chí sắt đá đã qua xứ ấy tu, chỉ ba tháng liền chứng quả A la hán. 

Nói tóm lại, tất cả các pháp môn của Phật khi chúng ta hành trì miên mật đều đưa đến đối cảnh vô tâm: 

Mắt trông thấy sắc rồi thôi 

Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không 

Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng 

Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân. 

Nguồn tin: TVHS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây