QUAN ĐIỂM CỦA PHẬT GIÁO
VỀ VẤN ÐỀ XEM TỬ VI BÓI TOÁN
Có lẽ ai cũng biết rằng tử vi bói toán là một khoa giải đoán tương lai đời người về vận mạng, tình duyên, gia đạo, học hành thi cử, thời vận thịnh suy, tốt xấu và chọn hướng nhà đất thích hợp, bao gồm cả việc so đôi tuổi và hóa giải sự xung khắc vợ chồng, chọn ngày giờ tốt để khai trương, cưới hỏi, cùng là giải hạn xấu, dựa theo một vài yếu tố như ngày, giờ, tháng, năm sinh của người xin coi bói toán.
Trong thời đại ngày nay, vì lo lắng cho tương lai nhiều bất trắc, rất nhiều người muốn biết hậu vận nên việc xem tử vi bói toán ngày càng phổ biến. Giới làm ăn buôn bán cũng dựa vào chiêm tinh để quyết định công việc đầu tư và làm ăn. Những người khác từ việc mua nhà, đi xa, dựng vợ, gả chồng, cho đến việc tang ma...đều tìm đến những người coi bói toán để tham vấn, hầu dựa vào những lời khuyên đó mà làm theo. Tử vi, bói toán, đồng cốt đang lan rộng ra nhiều người, nhiều giới và nhiều nơi.
Khoa tâm lý học cho rằng, những người này thường là những người có “vấn đề” hoặc là về gia đạo, hay công danh sự nghiệp không như ý, hay cũng có thể đang lo toan một điều gì không rõ nét. Họ cũng có thể là những người thường có tâm mong cầu và tâm sợ hãi, cùng là thiếu niềm tin nơi chính mình và lại hay tin vào việc bói toán hoặc tin vào một đấng thần linh, tin vào một định mệnh hay số mệnh đã an bài, và nếu là một Phật tử thì họ xem ông Phật như một vị thần linh tối cao có thể ban vui giáng họa.
Có nhiều hình thức bói toán, nhưng có ba loại phổ thông đối với người Á Đông chúng ta. Đó là bói bài, xem lá số tử vi và lên đồng nhập cốt. Việc coi lá số tử vi là dựa trên sự tương tác của các ngôi sao vào lúc người đó chào đời, những ngôi sao này mang một số đặc tính nhất định do con người đặt ra, xem như là thần linh hoặc là các thần linh trấn giữ các ngôi sao đó. Bói bài là dựa vào việc giải đoán những dấu hiệu cũng do con người vẽ ra nơi những con bài. Còn bói qua việc lên đồng là để một vong linh người chết nào đó nhập vào và làm trung gian truyền thông ban bảo các lời khuyên hoặc hướng dẫn những ai đang cần giúp đỡ.
Ngày nay ở Việt Nam cũng như ỏ các nước phương Tây, sách báo về khoa bói toán nhiều vô số. Hầu hết những lời tiên đoán đều có tính chất chung chung, vô thưởng vô phạt, nhưng những người tin, thường có tâm lý suy đoán và áp dụng cho trường hợp riêng mình, cho nên đôi khi họ cảm thấy đúng.
Vấn đề cần nói là chính việc xem bói toán, tử vi hoặc trực tiếp đến với các nhà coi bói hoặc gián tiếp qua sách báo, thì người tham dự cũng đều trực tiếp và tự nguyện tham gia vào những sinh hoạt thuộc lãnh vực tâm thần, và đó là một lời mời rõ ràng, một cách mở cửa cho những tư tưởng vui buồn lo sợ xâm nhập, dễ sinh ra các áp lực trong tâm trí và trong đời sống, khiến cho một ngày kia người đó có thể rơi vào tình trạng xáo trộn tâm lý như có những nỗi sợ hãi ám ảnh trong cuộc sống và những nỗi buồn kinh niên. Ngay cả việc coi ngày tốt xấu cho việc quan hôn tang tế cũng có những hậu quả tiêu cực. Việc định ngày tốt xấu ghi trên lịch sách hoàn toàn không có cơ sở. Vì lợi ích kinh doanh, các nhà làm lịch sách đặt thêm phần coi ngày tốt xấu vào. Họ tự đặt ra ngày này nên làm việc này, ngày kia không nên làm việc nọ, rồi những người dễ tin tin theo. Việc tốt xấu là do nơi con người tạo tác. Một bằng chứng cụ thể là đa số người Tây phương không cần coi ngày tốt xấu khai trương cửa hàng, nhưng họ vẫn thịnh vượng phát đạt. Họ không có thờ thần tài, thờ ông địa, nhưng họ vẫn làm ăn buôn bán, phát tài như thường. Họ chỉ tính toán ngày giờ theo dự án, theo kế hoạch làm việc, theo khả năng chuyên môn nghề nghiệp.
Có thể khởi đầu chỉ là một chút tò mò muốn biết hậu vận mai này ra sao nhưng sau đó người đó sẽ bị tác động không chỉ về phương diện tâm lý mà bị chính quyền lực của sự u tối, của tà linh, của mê tín điều khiển, khiến cho người đó tưởng như không thể thoát ra khỏi số phận đã tiên đoán cho đời mình, rồi có thể hành động một cách vô ý thức, dẫn đến một kết thúc bi thảm. Như trường hợp một bà mẹ đã bắn chết đứa con của mình, vì ông thầy coi lá số tử vi của bà tiên đoán đứa con đang bị bệnh tâm thần của bà, sẽ không bao giờ lành mạnh, vì thế bà đã hạ sát con để cho nó khỏi khổ! Người đàn bà này đã bị bắt, bị kết án, trong khi nhà coi bói tiên đoán cho bà vẫn được tự do hành nghề.
Cũng có thể do sự tin tưởng mù quáng, khiến con người mất hết sức phán đoán và trí thông minh mà người ta thường gọi là mê tín. Mê tín đem lại những tai hại không thể lường trước được. Nó có thể làm hại cuộc đời con người, có thể làm tan nát cả gia đình, có thể làm suy sụp chuyện quốc gia đại sự. Như trường hợp một người vợ ghen bóng ghen gió, đi xem bói tử vi. Thầy bói nói chồng có nhân tình, trong lá số có sao đào hoa chiếu mệnh bèn tin ngay, không cần suy xét, không chịu tìm hiểu hư thực thế nào, thế là bà tức giận, ghen bóng ghen gió với người tình không có thực của chồng. Thế là hai vợ chồng cãi vã nhau, đưa đến hậu quả là gia đình tan nát do việc mê tín coi bói của người vợ. Hoặc có trường hợp đôi trai gái yêu nhau thắm thiết song chỉ vì một lời của thầy mà hai gia đình kiên quyết không cho lấy bởi “có lấy được thì cũng sớm tan vỡ thôi” Cho nên ca dao Việt Nam có câu:
Tay
cầm tiền của bo bo
Đi coi thầy bói mang lo vào người
Vậy quan điểm của Phật giáo đối với các vấn đề bói toán tử vi như thế nào?
Xin trả lời là Đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát. Việc coi bói toán tử vi, lên đồng nhập cốt không có mặt trong giáo lý nhà Phật. Cái mà mọi người thường gọi là số mạng tức là nghiệp lực trong Phật giáo. Nếu chúng ta tin có nghiệp lực thì tự nhiên là phải có số mạng, nhưng Đức Phật dạy mọi sự đều do tâm tạo. Chỉ cần tâm an ổn thì chỗ nào cũng yên
Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ, xem sao và xem tướng số. Trong năm môn học được giảng dạy ở các trường đại học Phật giáo trước đây ở Ấn Độ không có môn tướng số và bói toán tử vi, tuy có dạy các môn thế học như là Ngôn Ngữ Học, Thủ Công Nghệ Học, Y Học và Luận Lý Học.
Theo quan điểm Phật giáo thì vấn đề tai họa hay sung sướng, khổ đau hay bất hạnh, giầu có hay nghèo khổ đều do nhân thiện ác mà chúng ta gieo trồng từ nhiều đời sống trước rồi đời này hay đời sau chịu quả báo. Lại cộng thêm sự nỗ lực hay lười biếng trong đời sống hiện tại mà có thể thay đổi hoặc ảnh hưởng đến vận mạng của đời này hay đời sau. Do việc gieo nhân khác nhau trong đời trước mà tiếp nhận hoàn cảnh khác nhau trong đời này. Cái gọi là hoàn cảnh cũng bao gồm cả di truyền của cha mẹ, bối cảnh văn hóa, văn minh, nuôi dưỡng và giáo dục, anh em, họ hàng, thầy bạn và đồng nghiệp. Tất cả đều ảnh hưởng đến vận mạng của cả một cuộc đời. Dù cho nhân tạo ra ở đời trước là xấu, dẫn tới hoàn cảnh hiện tại nhưng nếu có sự tu tập về mặt nội tâm và luyện tập thân thể tốt, trau dồi thêm ý thức mở mang trí tuệ thì vận mạng cũng sẽ biến đổi theo chiều hướng tốt.
Phật Giáo quan niệm, con người không phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Người Phật giáo không tin vào cái gọi là "định mệnh" an bài. Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Ðó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của những hành động ấy. Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là "Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích. Như chúng ta thi rớt, chúng ta phải cố gắng luyện thi lại, thế nào cũng đạt được. Chúng ta làm chủ tạo nhân, chính chúng ta làm chủ thọ quả. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Ðó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.
Một nhà Sư người Trung Hoa là Trí Khải Đại Sư, trong bài tựa cuốn "Đồng Mông Chỉ Quán", kể trường hợp một chú Sa-di trẻ ở cùng chùa với một vị trụ trì đã chứng quả A-la-hán. Vị trụ trì biết trong vòng một tuần nữa học trò mình sẽ chết bệnh, không thể tránh khỏi, bèn lẳng lặng cho học trò mình về thăm nhà. Anh học trò lên đường về nhà thấy một ổ kiến trên bờ đê đang bị một dòng nước xoáy đe doạ cuốn trôi đi. Chú Sa-di trẻ động lòng thương lũ kiến đang nháo nhác, bèn cởi quần áo nhảy xuống sông, ra sức đắp lại chỗ đê có thể bị vỡ để cứu ổ kiến. Cứu được ổ kiến, chú Sa-di tiếp tục lên đường về thăm nhà và sau một tuần trở lại chùa. Vị Thầy trụ trì thấy học trò mình trở lại chùa an toàn, khí sắc lại còn hồng hào hơn xưa, rất lấy làm lạ, bèn hỏi chú Sa Di, tuần lễ vừa qua đã làm những gì. Sau một hồi nhớ lại chú Sa di đã tường thuật cặn kẽ đầu đuôi chuyện cứu ổ kiến thoát chết. Vị trụ trì kết luận là do chú Sa-di phát tâm từ bi rộng lớn cứu ổ kiến cho nên đã chuyển nghiệp, đáng lẽ phải chết trong vong một tuần lại vẫn sống an toàn và còn tiếp tục sống thọ trong nhiều năm nữa.
Do câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng không có một cái gì là cố định, không có một cái gì là định pháp hay định mệnh, tâm thức chúng ta biến chuyển từng sát na và do đó nghiệp thức lẫn nghiệp quả cũng thay đổi từng sát na. Nếu các ông thầy bói toán tử vi tướng số nói những gì xảy ra trong tương lai mà chúng ta tin, tức là chúng ta tin rằng muôn sự muộn việc là thường chứ không phải là vô thường và là định pháp chứ không phải là bất định pháp, tức là chúng ta mù quáng mà phủ nhận định luật nhân quả và giáo pháp vô thường của Phật dạy.
Tóm lại, đối với việc coi tử vi bói toán, cũng như việc xin xăm cầu đảo là những việc làm có tính cách mê tín, không có chỗ đứng trong Phật Giào. Người Phật Giáo được khuyên bảo cẩn trọng đừng để rơi vào hố sâu mê tín dị đoan khiến tâm bị rối loạn bởi sự sợ hãi không cần thiết. Một thời tọa thiền hay niệm Phật hằng ngày giúp ích rất nhiều để tự thanh lọc tư tưởng bất thiện trong tâm. Tâm được thanh lọc tự động dẫn đến một thân thể trong sạch và khoẻ mạnh. Pháp Phật là liều thuốc chữa khỏi các loại tâm bệnh này. Một phút giây tâm được tịnh là ngưng tạo bao nhiêu nghiệp, ngưng gieo bao nhiêu nhân và xa bao nhiêu dặm khổ ải.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:
“Không
trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp.” (127)
Nếu như con người hàng ngày không làm các việc lành thiện, chỉ lo tạo tội, tạo nghiệp, trong cuộc sống đấu tranh giành giựt, khi quả báo đến, không ai có thể tránh được, dù cho có lên non xuống biển hay trốn vào hang núi.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự