Về nguyên tắc, pháp thọ giới Bát quan trai của hàng cư sĩ phải do người xuất gia (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa, Sa-di, Sa-di-ni) có giới đức trao truyền. Tuy vậy, trong tinh thần phương tiện, luận Thành thật và luận Đại trí độ có khai mở cho phép tự phát nguyện thọ giới. Luận Thành thật nói: “Nếu khi không có người, chỉ cần tâm nghĩ miệng nói tôi thọ Bát giới cũng được thành thọ” (Cương yếu Giới luật, HT.Thích Thánh Nghiêm).
Tuy nhiên, sự tự thệ nguyện thọ giới cũng có những nguyên tắc nhất định. Do hoàn cảnh bản thân không thể tham gia tu tập Bát quan trai. Do nơi mình sinh sống không có người xuất gia để trao truyền tám giới cao quý. Đối trước Phật, Bồ-tát thành tâm phát nguyện rồi vâng giữ và tu tập (đúng như đang tham dự khóa tu Bát quan trai cùng đại chúng). Trong trường hợp không phát nguyện thọ giới mà vẫn giữ giới Bát quan trai đầy đủ, trọn vẹn thì vẫn có phước quả thiện lành.
Trong quá trình vâng giữ, thọ trì tám giới Bát quan trai, nếu vô tình nghe nhạc mà không đắm nhiễm, không phóng tâm ưa thích thì không phạm. Bởi lẽ, sáu trần luôn hiện hữu, thường trực trong đời sống chúng ta. Xã hội hiện đại rất hào phóng với âm nhạc, mọi lúc mọi nơi đều có nhạc. Nên vấn đề là giữ tâm chứ không phải tìm cách ngăn cản hay tránh né tiếng nhạc. Người tu bảo vệ các căn nhưng không tìm cách xa lánh sáu trần mà chỉ chánh niệm, tỉnh giác với sáu trần.
Việc trì chú, niệm Phật theo điệu nhạc cũng vậy, đó là phương tiện để giúp người dễ hướng tâm. Nghe nhạc là một thói quen, tập khí sâu dày của người đời. Nên nghe niệm Phật, trì chú có nhạc tính, có vần điệu giúp cho người mới trì niệm cảm thấy quen thuộc, dễ chú tâm hơn. Việc phổ và nghe nhạc kinh chú ngày nay trở nên phổ biến, được nhiều người chấp nhận. Vấn đề này, tuy có nhạc nhưng vẫn có pháp để duyên tâm nên thiết nghĩ, trong ngày tu Bát quan trai cũng như trong đời sống hàng ngày đều có thể vận dụng phương tiện này nhằm tu học tinh tấn hơn.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự