Ngài cũng thấy rõ diễn tiến từ khi Ngài phát tâm Bồ-đề tu hành cho đến hiện đời. Ngài dạy rằng tất cả mọi việc từ quá khứ xa xưa cho đến ngày nay diễn ra trong cuộc đời của chúng ta đều do chính chúng ta tạo ra. Nếu ta tạo nhân tốt sẽ hưởng quả tốt, tạo nhân xấu phải gánh quả xấu; nhưng vì vô minh mà nói tại cái này, tại cái kia và đổ lỗi cho thượng đế.
Vì vô minh là không biết dẫn đến làm những việc sai trái, nên phải thọ khổ, hết khổ này đến khổ khác lớn hơn, cuối cùng đọa vào vô gián địa ngục. Do sai lầm, không thấy được nguồn gốc của sự việc và không biết cách giải quyết, mới tạo thêm khổ đau trong cuộc sống.
Khi người tới với mình hay việc xảy đến, Phật dạy ta quán sát nhân quá khứ. Thấy người ghét ta, dù ta chưa làm gì, phải biết đó là vì họ thấy nghiệp ác của ta, tức trong kiếp quá khứ giữa mình và họ đã có mối liên hệ ác với nhau rồi. Ngược lại, nếu người từng giúp đỡ, cưu mang ta, nên hiện đời thấy họ, tự nhiên ta kính trọng liền. Phân ra mối nhân duyên như vậy để có cách giải quyết đúng đắn và nhận ra quyến thuộc Bồ-đề của mình mà giúp đỡ, nuôi dưỡng họ, không bỏ họ. Còn không biết do không có trí tuệ, cứ đổ tại người là sai lầm.
Thấy được quá khứ, Phật mới quan sát hiện tại, coi ai là người thân, ai là người thù, hay là người không có quan hệ trong quá khứ thì kiếp này, ta không khởi tâm thương hay ghét họ.
Phải biết mối quan hệ giữa ta với tất cả mọi người và từ đây mình phát triển lên. Giả sử họ nợ ta, nhưng ta không cho họ trả, không cho họ giúp thì họ chờ có cơ hội để được hợp tác với mình. Còn được ai giúp mà ta nhận hết, thậm chí nhận nhưng không đáp ứng được yêu cầu của họ, như vậy là mình đã nợ lại họ. Mắc phải sai lầm này, thì bước đầu có phước mà hưởng hết rồi, sẽ bị thất bại này đến thất bại khác. Có một Phật tử than với thầy rằng lúc mới làm ăn, chưa biết làm gì, nhưng làm được nhờ người cho mượn vốn. Bây giờ ông có kinh nghiệm làm giàu, nhưng lại thất bại, bị phá sản, sạt nghiệp. Thầy nói rằng vì ông hết phước, chỉ còn cách tu hành, làm tôi cho Phật một cách chí thành sẽ được Phật trả công gấp đôi thì lấy đó trả nợ. Còn tiếp tục đi con đường gian ác, hoặc muốn vô chùa để lợi dụng sẽ bị đọa.
Không có trí tuệ, nghĩ rằng gạt người được, nhưng cũng chỉ gạt được người thân, người thương mình mà thôi. Và dù có gạt được cũng sẽ mất luôn người thương, thì cuối cùng ai cũng là người thù, có giỏi mấy cũng thất bại.
Ngoài Túc mạng minh, Đức Phật chứng được Thiên nhãn minh, thấy biết tất cả mối quan hệ giữa Ngài và mọi người từ quá khứ cho đến hiện đời, và sau cùng Ngài chứng Lậu tận minh là hiểu biết bằng trí giác, nên có cách xử sự hoàn toàn tốt đẹp. Thật vậy, với trí tuệ chỉ đạo, người đã thương sẽ thương mình nhiều hơn. Người chưa thương thì phải thương và người chống đối thì ta vô hiệu hóa sự chống đối của họ. Vì vậy, có Bồ-đề quyến thuộc là bạn trí tuệ đông thêm, đương nhiên con đường tỏa sáng đi lên. Người thân chúng ta đều tốt, giỏi, chắc chắn chúng ta đi lên dễ dàng. Còn xung quanh toàn là người ác xấu, xúi dại, cuộc đời chúng ta phải tiêu tan. Vì vậy, kinh Pháp hoa dạy rằng lìa bỏ quyến thuộc ngu si, thân cận người trí, thường nhiếp niệm ở núi rừng.
Quyến thuộc ngu si ám chỉ cha vô minh và mẹ phiền não. Trên bước đường tu, đầu tiên phải bỏ vô minh, diệt phiền não, vì hai thứ này sanh ra tội lỗi, chắc chắn trí tuệ sáng lên. Tham muốn và quyết định sai lầm dẫn chúng ta vào con đường khổ, nên dứt khoát bỏ chúng.
Thân cận người trí là lấy trí tuệ làm thầy chỉ đạo suy nghĩ, lời nói và hành động của ta. Tất cả suy nghĩ của chúng ta phải hợp với Chánh pháp, hợp với người có trí tuệ.
Nhiếp niệm ở núi rừng, có người hiểu lầm phải vô núi rừng tu, vô rừng tụng kinh Pháp hoa. Phật nhắc chúng ta tụng kinh Pháp hoa là tùy thân phận, tùy hoàn cảnh mà tu, tức ở chỗ nào cũng nhiếp niệm. Núi rừng là gì? Rừng ví cho vô minh, núi ví cho nghiệp chướng cản trở. Trên bước đường tu, chúng ta giữ vững lập trường, đừng để vô minh chi phối, nghiệp chướng ngăn che. Người tu không tiến xa được vì vô minh. Thuở nhỏ, bạn đồng tu với tôi vì nghiệp chướng nổi dậy, gặp người nói khích, nên giận, bỏ tu. Một người bạn khác thì gặp cám dỗ, bỏ tu là để cho vô minh dẫn dắt.
Trong rừng rậm tà kiến, ta nghe thấy toàn những việc không tốt đưa chúng ta đến tội lỗi. Vì vậy, phải nhiếp niệm lại, nghĩa là phải cân nhắc, lấy trí tuệ soi rọi. Nhìn kỹ, người tìm đến chúng ta, họ nói đủ thứ chuyện; nếu chúng ta không nhiếp niệm, sẽ khởi vọng niệm, tham lam thì bị dụ, bị kích động cũng chết.
Trước mặt chúng ta là núi, tức khó khăn, chúng ta phải tìm cách tháo gỡ. Người trí tất nhiên có cách xử sự khác. Thử nghĩ mình dời núi đi có được không, chắc chắn là không được. Phải tìm cách tránh, kinh Pháp hoa dạy như vậy. Thầy thường nói đường đi đến Phật quả còn xa, việc còn nhiều, nên phải tìm cách vượt chướng ngại. Ý này được dân gian diễn tả là tránh voi chẳng xấu mặt nào. Nếu chúng ta đi thẳng vô con voi, nó giẫm chúng ta chết, người có trí tuệ nhẹ nhàng tránh nó. Nói cách khác, hãy đợi đấy, ta tu đắc đạo rồi sẽ xử lý. Bây giờ chưa đủ sáng, nên không xử lý được thì phải tránh.
Phải tìm viên ngọc, nghĩa là có trí tuệ thấy đúng đắn tất cả việc quá khứ, thấy đúng tất cả việc hiện tại và biết cách giải quyết hoàn hảo. Trong suốt 49 năm hoằng đạo, Đức Phật vượt qua tất cả chướng ngại; cho nên Ngài có hiệu là Thiện Thệ, tức việc khó mấy Ngài cũng giải quyết được.
Đặc biệt trí tuệ của Phật được thể hiện một cách sâu sắc. Điển hình là vua A Xà Thế độc ác, nhưng Phật biết cách xử sự vô cùng khéo léo, nhân đó, Ngài đã giải quyết một cách nhẹ nhàng vấn đề khó khăn trong đại chúng. Thật vậy, trước kia, vua Tần Bà Sa La kính mộ Phật và cúng dường vườn thượng uyển cho Phật. Bấy giờ, tất cả những người tu theo Phật được vua cúng dường đầy đủ. Trong hoàn cảnh tốt như vậy, coi chừng việc xấu sanh ra. Vì tu theo Phật được hưởng nhiều quyền lợi, nên nhiều người theo Phật. Đi tu mà được ở vườn thượng uyển của vua, ai mà không muốn. Nhưng đến khi A Xà Thế cướp ngôi vua, ông ngược đãi tu sĩ Phật giáo. Trước kia, các Tỳ-kheo vô thành Vương Xá được Phật tử xếp hàng cúng dường đầy đủ, nên hàng hàng lớp người tu tiến vô thành. Nhưng vua A Xà Thế phá Phật, ghét người tu, cho rằng người tu ăn hại. Chẳng những không cúng dường, mà ông còn thả voi trận rượt đuổi. Bấy giờ, tu sĩ giả quăng y bát bỏ chạy. Chỉ còn Đức Phật và các vị La-hán trụ định, nhiếp tâm được. Voi trận gặp lực Phật và Thánh Tăng quá mạnh, nên quỳ xuống. Phật xoa đầu thọ ký cho con voi đầu đàn. A Xà Thế thấy thần lực Phật thì sanh tín tâm mãnh liệt.
Có thể khẳng định rằng người có trí tuệ xử sự tốt đẹp trong mọi tình huống, người nghịch cũng độ được. Có chút thần lực thì không phải chỗ nào cũng có thể thi thố. Nhưng không có trí tuệ cũng không có thần lực, đụng chuyện là chết. Những nhà truyền giáo không đủ trí tuệ, giải quyết việc khó không được cũng bị mất mạng.
Tu hành đạt được Vô thượng Bồ-đề là đạt đến trí tuệ cao nhất; nói cách khác, đó là viên ngọc trong chúng ta mà mình phải tìm ra và giữ gìn. Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật đưa ra câu chuyện người bạn lang thang tới nhà người bạn giàu có. Người bạn giàu này có công việc phải đi sớm, mới lấy viên ngọc khâu vào chéo áo của người bạn nghèo. Khi người nghèo tỉnh dậy, không thấy ông bạn giàu, nên ra đi mà trong người vẫn còn mang châu báu. Trong suốt mấy chục năm, ông ta vẫn lang thang đi làm thuê mướn. Một hôm, gặp lại người bạn giàu có năm xưa. Ông này nói rằng tôi đã tặng cho anh hạt châu để trong chéo áo, sao anh không dùng mà lại cam chịu cuộc sống khốn khổ như vậy.
Câu chuyện này là cốt lõi của kinh Pháp hoa. Diệu pháp ví cho hạt châu. Sử dụng Diệu pháp, tức thần dược này sẽ chữa được bệnh vô minh. Đức Phật đã nhờ Diệu pháp mà phá được vô minh, mới sanh ra Tam minh. Vì vậy, chúng ta sử dụng pháp này để tu hành, vô minh tan dần và trí tuệ sanh ra.
Vì chúng ta trôi lăn trong sanh tử nhiều đời, chơn tâm chúng ta ví như hạt châu bị phiền não bao bọc dày đặc. Tu hành, chúng ta mài giũa cho phiền não, trần lao, nghiệp chướng mòn lần thì hạt châu phát ra ánh sáng, gọi là phần chứng Pháp thân. Như vậy, nhờ thọ trì pháp Phật mà vô minh tan, nghiệp chướng giảm, huệ sanh, thấy việc đời bớt sai lầm là nghiệp chướng giảm.
Chúng ta tu hành, nương vào Diệu pháp, vô minh tan, minh sanh. Ý này kinh Pháp hoa diễn tả rằng hạt châu còn nguyên trong chéo áo được người bạn giàu tặng cho, nhưng anh bạn nghèo vẫn ôm lấy nó mà không hay biết, vẫn sống cực khổ. Chúng ta nghĩ gì về ý này.
Thuở nhỏ, thầy được Hòa thượng Đạt Vương tặng bộ kinh Pháp hoa, nhưng lúc đó thầy chưa đọc được chữ Hán. Nghe Hòa thượng nói kinh này quý nhất, nên thầy giữ kinh cẩn thận, nhưng không đọc tụng, không tu theo kinh, làm sao có kết quả.
Khi thầy về tổ đình Huê Nghiêm, thấy Hòa thượng Trí Đức tụng kinh Pháp hoa, nhưng chỉ tụng quyển thứ bảy. Thầy hỏi Hòa thượng sao không tụng cả bộ kinh. Hòa thượng bảo Tổ dạy tụng quyển thứ bảy nên rất trân trọng quyển kinh này và ngày nào cũng tụng.
Đầu tiên, thầy cũng tụng quyển thứ bảy, kinh Pháp hoa. Đến một hôm, thầy nảy ra ý nghĩ rằng đây là bản đồ chỉ đường đi tìm kho báu; nhưng ôm bản đồ mà không đi theo bản đồ, làm sao lấy được của báu. Đức Phật đã vẽ cho chúng ta con đường đi, nhưng không đi, chắc chắn không tới được. Cứ nói đây là bảo vật vô giá mà vẫn không sử dụng được bảo vật, nghĩa là ôm châu đi làm thuê mướn, chấp nhận cuộc sống nghèo khổ dù có của báu trong tay.
Thầy suy nghĩ tại sao Tổ Thiên Thai dạy chỉ tụng quyển thứ bảy. Tổ không giải thích, muốn chúng ta tự tìm hiểu. Thầy trầm ngâm suy nghĩ thâm ý của Tổ, mới phát hiện ra quyển thứ bảy kinh Pháp hoa nói về Bồ-tát pháp, tức pháp tu, pháp hành của các Bồ-tát để thành Phật, đạt đến đỉnh cao của trí tuệ. Chúng ta phải tu để có được đỉnh cao của trí tuệ.
Phát hiện ra pháp Bồ-tát trong quyển thứ bảy nghĩa là Phật giới thiệu cho chúng ta các mẫu Bồ-tát mà chúng ta phải tu theo, phải làm theo.
Từng bước thầy quan sát hành trạng của các Bồ-tát trong quyển thứ bảy. Đầu tiên, thầy thấy Phổ Hiền Bồ-tát khi tới Ta-bà, ngài dùng sức thần thông tự tại, oai đức vô song, cùng chúng Bồ-tát, Bát bộ Thiên long vượt qua các cõi, đến Kỳ Xà Quật, ra mắt Thích Tôn.
Qua đoạn kinh này, chúng ta thấy thần lực của Phổ Hiền là vô song, chướng ngại nào ngài cũng vượt qua được. Lực Phổ Hiền như vậy, tự xét lại mình có được như Phổ Hiền hay không. Mình có thần lực vô song chưa, có quyến thuộc Bồ-tát hay không. Nếu không, chúng ta phải tìm quyến thuộc Bồ-đề và kết quyến thuộc Bồ-đề. Tu Pháp Hoa mà không tìm được Bồ-đề quyến thuộc thì không làm được gì.
Tại sao Phổ Hiền có vô số quyến thuộc Bồ-đề. Ngài cho biết do tu mười hạnh mà có được vô số quyến thuộc. Thầy thấy chùa nào sáng tối cũng đọc mười đại nguyện Phổ Hiền. Nói như vậy nhưng không làm, nghĩa là phát nguyện trên đầu môi chót lưỡi thôi, còn tâm và hành động thì không có. Thiết nghĩ đọc suốt đời như vậy không được gì.
Phổ Hiền nói nhờ phát nguyện như thế và làm đúng như thế nên thành tựu công đức bất khả tư nghì. Thầy thường suy nghĩ từ điều một đến điều thứ mười và nếu làm theo đúng như vậy, chắc chắn Bồ-tát sẽ tới với chúng ta.
Điều nguyện thứ mười của Phổ Hiền là làm được bao nhiêu công đức đều cho tất cả pháp giới chúng sanh, không giữ cho riêng ngài. Vì vậy, nếu tham lam, ích kỷ, chỉ làm lợi mình, hay làm hại người thì không thể có bạn. Người tốt mà cũng hại họ, làm sao còn đất sống.
Đối với người thân hay người chống đối, Phổ Hiền đều hồi hướng công đức cho họ. Có tâm rộng lớn như vậy, chắc chắn được mọi người quý kính.
Phổ Hiền đạt đến đỉnh cao của trí tuệ, tức sử dụng được viên ngọc trí tuệ, nên quyến thuộc Bồ-đề hàng hàng lớp lớp theo ngài, mới làm việc lớn được.
Và Phổ Hiền hỏi Đức Phật Thích Ca làm sao có kinh Pháp hoa, tức có Diệu pháp để thành Phật như Ngài. Phật trả lời rằng chỉ có đủ bốn pháp là có Diệu pháp. Không có bốn pháp, không thể có Diệu pháp, hay không thành Phật. Vì vậy, tất yếu chúng ta phải thực hành bốn pháp này.
Trước hết, phải biết nhìn xa như các Đức Phật, xa về thời gian lẫn không gian, thấu suốt Pháp giới, không nên nhìn thiển cận. Phải suy nghĩ đến năm, mười năm sau, cho đến trăm ngàn kiếp tới, chúng sanh và ta hành đạo như thế nào, đừng rơi vào cục bộ.
Thực tế chúng ta thường thấy có người ham lợi trước mắt, nhưng không biết cái hại lâu dài, nên họ thành công chỉ một lần, để mười lần khác gãy đổ, hoặc chỉ hưởng trong một kiếp này, nhưng kiếp sau đọa địa ngục.
Riêng thầy, từ thuở nhỏ, trên bước đường tu, thường nghĩ sẽ làm gì trong tương lai gần, cho đến các kiếp sau nữa. Vì vậy, những gì hiện tại thầy dễ dàng vứt bỏ để suy tư cho việc kế tiếp tốt đẹp hơn. Trái lại, bám giữ cái nhỏ nhặt hiện tại sẽ làm hỏng tương lai tươi sáng của chúng ta.
Trở lại thực tế cuộc sống, chúng ta hành đạo, phê phán đối tượng không qua bề ngoài; nhưng cần thấy rõ căn tánh hành nghiệp của họ, theo đó mà giải quyết. Giải được nghiệp, tức xét đoán vấn đề tận gốc rễ, chẳng còn gì tồn đọng khó khăn.
Tu tạo cho được sự hiểu biết rộng xa và thấy đúng sự thật của tam thế gian, không phải nhìn theo biên kiến, tà kiến của chúng sanh. Thầy áp dụng ý này bằng cách quan sát sự kiện và dự đoán mười năm nữa sẽ ra sao. Sau đó, theo dõi xem xét kết quả có đúng như mình phỏng đoán hay không. Làm như vậy là tu tập kiểm tra sự nhận thức của chúng ta, cho đến khi hiểu biết về hiện tại và tương lai chính xác một trăm phần trăm là đạt đến quả vị Toàn giác.
Thấy đúng sự thật của tam thế gian, tức thấy ngũ ấm, quốc độ và chúng sanh. Nghĩa là Đức Phật thấy rõ, không hề sai lầm, chúng sanh trôi lăn trong sáu đường sanh tử, thấy cả sự thay đổi trong vũ trụ. Chẳng những biết diễn biến của chúng mà Ngài còn soi rọi bằng trí Bát-nhã, thấu suốt nguyên nhân cấu tạo nên ngũ ấm, chúng sanh và quốc độ.
Trái lại, sự thấy biết của chúng sanh còn quá hạn hẹp, nên dẫn đến nhiều hậu quả tệ hại, mà trầm trọng nhất là phá hủy môi trường sống của mọi loài.
Thứ hai là phải trồng căn lành ở các Đức Phật. Ý này được phẩm Ngũ bá đệ tử thọ ký ví như hạt châu trong chéo áo. Chúng ta có viên ngọc nhưng không biết lấy ra sử dụng vì bị ngũ uẩn ngăn che. Tuy nhiên, nhờ căn lành đó, lòng chúng ta nghĩ đến Phật, nên bây giờ mới phát tâm tu. Và đi tu bằng căn lành, tuy không thấy Phật, nhưng ta tin Phật và tìm Phật. Ý này Thiền sư gọi là cõng Phật mà tìm Phật.
Có căn lành rồi, nhưng làm sao phát triển căn lành này. Điều thứ ba, Phật dạy phải thường sống trong chánh định, hay nhiếp niệm ở núi rừng để không bị vô minh, phiền não, nghiệp chướng bao vây làm ta mất sáng suốt.
Mặc cho cuộc đời có mưa sa bão táp, chúng ta vẫn nhiếp niệm, giữ vững lập trường tu hành thì mọi việc khó khăn sẽ trôi qua. Thầy có kinh nghiệm việc này. Có lúc tưởng chừng không sống được, nhưng vẫn sống là nhờ nhiếp niệm lại; vì trong biển thức có cuồng phong, đá ngầm, có các loài ác quái, nếu chúng ta không cẩn thận sẽ chết. Thật vậy, sống trong thế giới đầy hiểm nguy và khổ đau, nên phải nhiếp niệm là ở chánh định để bảo toàn giới thân huệ mạng của mình.
Và sau cùng, phải phát đại bi tâm, thương tất cả mọi người; nhờ vậy, không còn người thù và bạn tốt tăng lên. Trên bước đường tu, lúc mới vào chùa, không ai quan tâm đến ta, nhưng dần dần ta có bạn tốt và được nhiều người thương. Nhờ vậy, ta làm được những Phật sự nhỏ và kế tiếp chúng ta phát tâm làm các Phật sự lớn và có thêm bạn hợp tác cùng làm với ta.
Đó là bốn điều mà Đức Phật đã nói với Phổ Hiền Bồ-tát để có kinh Pháp hoa, tức để thành Phật giống như Phật. Và Phổ Hiền xác định lại rằng ai làm được bốn điều này thì dù có bao nhiêu khó khăn, Ngài sẽ hiện ra giải quyết. Thầy hoàn toàn tin tưởng vào lực hộ niệm của Phổ Hiền, nên thầy thường tự nghĩ không cần lo, chỉ lo tu cho đúng, mọi việc đã có Phổ Hiền giải quyết.
Và quả đúng như vậy, Bồ-tát Phổ Hiền có sức mạnh phi thường và công đức của ngài lớn lao vô cùng. Việc của mình nhỏ, nhưng tự giải quyết không được. Có Phổ Hiền trợ lực thì cứ yên tâm làm, chắc chắn được kết quả tốt đẹp. Điển hình như xin khu đất này để làm nhà truyền thống của Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh. Các thầy nói rằng làm gì xin được, vì khu đất này của Quân khu 7. Nhưng khi xin được rồi, các thầy lại hỏi lấy tiền đâu mà xây dựng. Khi được Phổ Hiền trợ lực, tuy chúng ta không thấy, nhưng làm bằng tâm niệm phục vụ chúng sanh, phục vụ đạo pháp thì việc xây dựng ngôi chùa Phổ Quang này đã thành tựu tốt đẹp ngoài sức nghĩ tưởng của mọi người.
Kế đến là xây dựng chùa Việt Nam Quốc Tự. Lại những câu hỏi được đặt ra là làm gì xin được đất, khu này thuộc Nhà Văn hóa quận 10. Thầy nghĩ xây dựng trung tâm Phật giáo cho thành phố, không phải cho riêng mình, làm cho Phật pháp, cho chúng sanh, Phổ Hiền sẽ gia bị cho chúng ta làm được. Vì vậy, thầy thấy từng bước việc xây dựng được tiến hành dễ dàng không phải do sức mình, nhưng là nhờ Phổ Hiền lực.
Thành phố giao đất rồi, thầy khởi công xây dựng Việt Nam Quốc Tự và vẽ đồ án thì nói rằng phải có hai trăm tỷ đồng để xây dựng. Quý thầy hỏi tiền đâu. Thầy trả lời rằng bây giờ tuy chưa có hai trăm tỷ, nhưng mình đã làm được cái móng rồi. Nghĩa là nhờ Phổ Hiền gia bị thì khó mấy cũng được. Ngài không gia bị, chuyện dễ như trở bàn tay cũng không xong.
Phải có trí tuệ thấy được việc mình muốn làm có phù hợp với nguyện của Phổ Hiền hay không. Phù hợp thì Phổ Hiền gia bị. Nhưng muốn hợp với Phổ Hiền, phải coi Phật có bổ xứ mình làm hay không. Phật bổ xứ cho mình thì mình làm được. Còn Phật không bổ xứ, mà tự thấy do tham vọng và vô minh, làm sẽ chuốc họa vào thân.
Trí tuệ quan trọng nhất. Phật dạy tu hành phải phát được trí tuệ. Ai cũng có trí tuệ, tức tánh sáng suốt có sẵn, nhưng bị vô minh, phiền não, nghiệp chướng bao vây. Nếu không tháo gỡ những chướng ngăn này thì viên minh châu không sáng được. Và muốn làm được cũng phải có đủ duyên.
Vì vậy, trợ duyên rất quan trọng. Thầy tu được nhờ thầy hiền bạn tốt giúp đỡ. Chúng ta trồng căn lành và quyết tâm tu, nhưng phải có thiện tri thức khai ngộ. Ý này được kinh Hoa nghiêm diễn tả qua hình ảnh Thiện Tài đồng tử đã từng trồng căn lành ở chư Phật quá khứ, cho nên ngài luôn luôn được gặp thiện tri thức khai ngộ. Trải qua suốt năm mươi hai chặng đường cầu đạo, gặp vô số chướng ngại, tưởng chừng phải chết, chẳng những ngài không chết, mà còn thăng hoa đạo hạnh.
Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Quảng
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự