Giặt đồ cũng là một pháp tu

Thứ bảy - 11/05/2019 03:02
Bạn đã từng xem việc giặt đồ bằng tay như một pháp tu chưa? Không riêng việc giặt đồ mà tất cả việc làm của bạn, nếu làm với chánh niệm và nhìn thấu thì hết thảy đều là Phật sự, đưa đến sự thành tựu giải thoát khổ đau.
Giặt đồ cũng là một pháp tu
Cố HT.Thích Chơn Thiện đã từng dạy: “Đời là đạo, đạo đó nhiều tham sân si. Đạo cũng chính là đời, nhưng đời này không có mặt của tham sân si”. Ranh giới giữa đời và đạo thật mong manh, chỉ trong tâm niệm. Giặt đồ cũng vậy, có hai loại: một loại mang âm hưởng đạo, một loại mang âm hưởng đời. Khi mang âm hưởng đạo thì giặt đồ trở thành công việc của bậc Thánh, đưa tới giác ngộ giải thoát. Ngược lại, khi mang âm hưởng đời thì giặt đồ là việc của chúng sanh, kết quả nở ra trong luân hồi khổ đau.
 
Giặt đồ mang âm hưởng đạo hay đời không liên quan đến những thao tác, cách thức mà nó nằm nơi diễn biến tâm lý người giặt. Trong khi giặt đồ, chúng ta thường suy nghĩ bâng quơ, hát những khúc ca mình yêu thích, nói chung là không mấy chú tâm vào việc đang làm… Đó là loại giặt đồ mang âm hưởng đời.

Người giặt đồ chú tâm chánh niệm, biết rõ việc mình đang làm, hiểu nhân quả trong từng hành động. Việc giặt đồ là tổ hợp nhiều công đoạn, thao tác khác nhau… giúp người giặt nhận ra lý duyên khởi, không có gì tồn tại độc lập.

Người giặt đồ nhận thức rất rõ về lượng nước, xà phòng và lực tác động lên đồ được giặt. Từ đó sẽ hình thành ý thức tiết kiệm, nhất là cẩn trọng hơn trong việc điều tiết ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc hay đối với các mối quan hệ xã hội.

Có những vết bẩn dễ tẩy sạch, có những vết khó tẩy sạch. Chả có vết bẩn nào không thể tẩy sạch, chỉ là chúng ta không biết phương chước để xử lý. Cũng vậy, trong cuộc sống, có những lỗi lầm dễ dàng sửa chữa, có lỗi lầm khó khắc phục nhưng hoàn toàn không có lỗi lầm nào có thể làm bạn bất lực, chỉ khi bạn không muốn vượt lên.

Nhờ giặt đồ mà người giặt thấy được đặc tính vô ngã. Vì nếu có ngã thật sự, dơ là dơ và sạch là sạch thì sẽ không có áo quần bị bẩn hoặc sẽ không có áo quần được giặt tẩy sạch. Thấu rõ được nguyên lý vô ngã tính của sạch và dơ thì đối với những trường hợp khác trong cuộc sống đầy sóng gió, chúng ta cũng đều vượt qua nhẹ nhàng.

Những vật vô tri như quần áo chúng ta còn có thể giặt sạch thì tại sao chúng ta lại không thể tẩy sạch tâm mình. Quán chiếu như vậy trong khi giặt đồ, chúng ta nguyện giặt sạch luôn những cáu bẩn trong tâm thức bao năm dơ bẩn này, khiến cho tấm vải tâm được thơm sạch.

“Cảm ơn vô thường, vì vô thường mà mọi thứ trở nên bình thường” là suy nghĩ mà người giặt đồ có được. Dù áo quần có dơ bẩn đã bao lâu đi nữa nhưng khi được giặt thì nó vẫn trở lại sạch đẹp. Cũng vậy, chiếc áo tâm ta bao năm lầy nhớp, nay chỉ trong giây phút này cũng có thể trở về nguyên sơ thanh tịnh.

Giặt đồ với tâm niệm như trên, có thể tạm gọi là mang âm hưởng đạo, là tác phong của bậc Thánh, đưa đến an lạc giải thoát.

Thế nên trong thiền môn, trước khi làm gì cũng đọc kệ cảnh tỉnh. Để nhắc mình giặt đồ mang âm hưởng đạo, bài kệ dưới đây phải thuộc nằm lòng:
Khi giặt áo quần
Nên nguyện chúng sanh
Bỏ tham sân si
Thấu rõ vô ngã.
Cầu chúc bạn trở thành “người giặt đồ thành tựu”.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây