Xin hỏi, nếu tôi làm lễ Vu lan cúng dường chư Tăng vào dịp tháng Bảy năm 2019 xong rồi thì cha mẹ bảy đời của tôi sẽ được siêu thoát, sau đó đến năm 2020, 2021 v.v... tôi lại tiếp tục làm lễ Vu lan cúng dường nữa thì sẽ siêu độ cho cha mẹ ở rất nhiều đời trước (vì cha mẹ bảy đời đã siêu rồi) phải không? (HOÀNG QUY, ruavangvatrauvang@gmail.com)
ĐÁP: Bạn Hoàng Quy thân mến!
Đúng là kinh Vu lan có nói đến sự tích Tôn giả Mục-kiền-liên vâng lời Đức Phật dạy thiết trai cúng dường thập phương Tăng nhân ngày chúng Tăng tự tứ (giải hạ, kết thúc ba tháng an cư mùa mưa) để hồi hướng công đức phước báo cho mẹ thoát khổ ngạ quỷ. Nhân đó, Đức Phật dạy pháp báo hiếu cho hàng Phật tử, hàng năm đến ngày chư Tăng tự tứ mãn hạ (rằm tháng Bảy - theo truyền thống Phật giáo Bắc tông) nên sắm sanh lễ phẩm cúng dường để nương nhờ công đức ba tháng an cư tu tập thanh tịnh của chư Tăng mà nguyện cầu cho cha mẹ hiện tiền được phước thọ tăng long, cha mẹ bảy đời quá khứ được sinh vào tịnh cảnh.
Đọc kỹ kinh văn, chúng ta thấy rõ hội chúng mà Tôn giả Mục-kiền-liên dâng cúng đa phần là các vị Bồ-tát hóa thân làm Tỳ-kheo, chư vị Hiền Thánh Tăng gồm Duyên giác, Thanh văn đắc bốn đạo quả hay chứng sáu thần thông, còn các vị phàm tăng thì giới đức thanh tịnh. Có thể xem đây là hội chúng xuất gia lý tưởng, thanh tịnh bậc nhất, được cúng dường các ngài có phước đức rất lớn, được các ngài gia tâm chú nguyện và hồi hướng công đức thì sẽ có năng lực chuyển hóa mạnh mẽ đến thân nhân trong các cõi. Vì thế mẹ Tôn giả Mục-kiền-liên được hưởng phước đức, thoát quỷ mà sinh thiên.
Ngày nay, Phật tử chúng ta cũng y theo pháp cúng dường chúng Tăng trong ngày Tự tứ để nguyện cầu âm siêu dương thái. Tuy nhiên, chúng Tăng ngày nay đa số là phàm tăng, bốn Thánh quả và sáu thần thông hiếm người được dự phần nên công đức, phước báo cũng như năng lực chú nguyện để hồi hướng cầu âm siêu dương thái không mạnh mẽ và hiệu quả bằng hội chúng thời Thế Tôn. Dù vậy, với giới đức thanh tịnh cùng với năng lực định tuệ tinh chuyên trong ba tháng an cư, hội chúng Tỳ-kheo sau khi tự tứ giải hạ vẫn là ruộng phước tối thắng để chúng sinh nương nhờ.
Quan trọng nhất của pháp siêu độ, theo Phật giáo, cần hội đủ các yếu tố sau: 1. Chư Phật, chư Bồ-tát từ bi tiếp độ; 2. Chư Tăng (Ni) nhất tâm dốc lòng cầu nguyện, kệ kinh và khai thị; 3. Gia đình chí thành chí kính, hết lòng hết sức hộ niệm, tận tâm cúng dường và làm phước thiện để hồi hướng cho hương linh; 4. Hương linh nương vào oai lực của Tam bảo, phước đức của gia đình làm thiện hồi hướng cho, rồi nghe kinh pháp mà tự tỉnh thức, giác ngộ, xả buông các chấp thủ để siêu sinh. Trong bốn yếu tố này, hương linh tự giác ngộ là quan trọng nhất, tự thân hương linh tỉnh thức mới quyết định việc hương linh có siêu thoát hay không.
Cho nên, không đơn thuần nghĩ rằng hễ có tổ chức cúng dường trai tăng và cầu siêu thì được siêu. Thực tế cho thấy có những lễ cầu siêu thì được siêu, và có những lễ cầu siêu mà hương linh vẫn chưa siêu. Nguyên do là, chư Phật luôn từ bi tiếp độ, chư Tăng (Ni) luôn nhất tâm cầu nguyện, gia đình luôn hết lòng lo tổ chức lễ, riêng hương linh vì đọa vào cảnh khổ đau đớn không gián đoạn, hay vì vô minh, nghiệp chướng, thù oán, chấp thủ… quá nặng nề quyết không thức tỉnh, lấy khổ làm vui thì làm sao họ siêu thoát? Thành ra, phải cầu siêu nhiều lần, liên tục kệ kinh khai thị và làm các phước đức để hồi hướng cho cha mẹ bảy đời, cửu huyền thất tổ, lục thân quyến thuộc.
Cha mẹ bảy đời chỉ là cách nói tượng trưng cho ông bà cha mẹ nhiều đời đã quá vãng trong quá khứ. Nếu có tâm hướng về tổ tiên ông bà cha mẹ quá vãng thì con cháu không chỉ cầu siêu trong mùa Vu lan năm nay mà cần phải cầu siêu nhiều lần, cầu siêu cả đời. Phật tử có chánh kiến và hiếu đạo, hướng về tiền nhân cùng các ân nhân thì cần phải nỗ lực tạo phước cho hương linh thật đủ đầy, thỉnh Tăng thuyết pháp khai thị hay kệ kinh thật nhiều cho hương linh thấm nhuần, hiểu rõ Chánh pháp mới có thể khiến cho họ đủ phước duyên tỉnh thức mà được siêu sinh.
Chúc bạn tinh tấn!