HT.Thích Trung Hậu, UVTT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa TƯGH cùng chư tôn giáo phẩm, quý cư sĩ thành viên của Ban đã chủ trì tọa đàm với sự tham dự của các nhà thiết kế, nhà nghiên cứu về thời trang và cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, HT.Thích Trung Hậu cho biết việc thống nhất các lĩnh vực văn hóa Phật giáo là bước đi khó khăn nhưng nhờ nỗ lực, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Ban Văn hóa T.Ư từng bước hoàn thành 4 đề án thống nhất: pháp phục, kiến trúc, ngôn ngữ, di sản Phật giáo… được giao.
Theo Hòa thượng, tọa đàm lần này tập trung vào các kết quả của đề án pháp phục Phật giáo Việt Nam và mong muốn nhận sự góp ý của toàn thể đại biểu để thống nhất trình TƯGH thông qua.
TT.Thích Thọ Lạc báo cáo tiến trình thực hiện 4 đề án - ảnh: Bảo Thiên
Báo cáo tại tọa đàm, TT.Thích Thọ Lạc, UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư khái quát lại bước đi của 4 đề án suốt 2 năm qua sau khi được Hội đồng Trị sự phê duyệt.
Theo thượng tọa, với sự tham gia của các chuyên gia và sự hỗ trợ của chư tôn đức các hệ phái, cơ quan hữu quan, 4 đề án văn hóa Phật giáo Việt Nam đang trong quá trình thực hiện và có những kết quả nhất định.
Riêng đối với đề án pháp phục, đã có 3 buổi trưng bày các kết quả sau khi có thiết kế mẫu gồm: pháp phục Bắc tông, pháp phục Khất sĩ, pháp phục Nam tông Khmer, pháp phục Nam tông Kinh, đãi, áo khoác mùa đông, giày - dép… và nhận nhiều phản hồi tích cực.
HT.Danh Lung phát biểu đóng góp ý kiến - ảnh: Bảo Thiên
Giới thiệu y phục theo truyền thống Phật giáo Bắc tông - ảnh: Bảo Thiên
Các thiết kế giày - dép được giới thiệu tại tọa đàm - ảnh: Bảo Thiên
Tiếp theo sau đó là phần trình bày, giới thiệu đến toàn thể cử tọa các thiết kế mẫu và ghi nhận những góp ý của chư tôn đức về màu sắc, kiểu dáng, kích thước, chất liệu. Được biết, các thiết kế về pháp phục Phật giáo Việt Nam được thực hiện với sự tham gia của Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các đơn vị trực thuộc.
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự