Sáng nay, 6/9/2011 (nhằm ngày 9/8/Tân Mão), tại chùa Cửu Phẩm, thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã long trọng diễn ra đại lễ Khởi công xây dựng Bảo Tháp thờ đức Tuệ Đăng Tăng Thống Hoà Thượng Chân Nguyên Thiền sư.
Quang lâm tham dự lễ có TT Tiến sỹ Thích Thanh Đạt - Phó Ban Giáo dục Tăng Ni TWGH, viện phó Học viện PGVN tại Hà Nội, Giáo sư, tiến sỹ Lê Mạnh Thát - phó viện trưởng Viện nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, TT Thích Thanh Dũng - Phó trưởng ban TT BTS tỉnh hội Phật giáo Hải Dương, Đại đức Thích Thanh Thắng - Chánh thư ký BTS cùng chư tôn đức TT Ban trị sự tỉnh hội, Ban đại diện Phật giáo huyện Thanh Hà, chư tôn đức trụ trì các cơ sở tự viện trong và ngoài huyện
Về phía đại biểu chính quyền có ông Lê Văn Hạnh - Phó Giám đốc sở nội vụ, trưởng Ban tôn giáo tỉnh cùng các ông bà đại diện các sở ban ngành tỉnh, huyện và địa phương sở tại cùng đông đảo đồng bào Phật tử về tùy hỷ việc phúc
Mở đầu đại lễ Đại đức Thích Thanh Thắng - trụ trì chùa đại vì Thượng toạ Viện chủ và chư tăng Tổ đình chùa Cửu Phẩm tuyên đọc sơ lược lịch sử chùa cũng như cung tuyên tiểu sử đứcThánh tổ Tuệ Đăng Chân Nguyên.
Chùa Cửu Phẩm hay Danh lam Linh Ứng Động Ngọ tự, thuộc thôn Cập Nhất, xã Tiền Tiến (Thanh Hà), nơi từng là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc lâm Yên Tử và là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất ở Hải Dương hiện nay.
Căn cứ vào văn bia còn ghi lại, chùa Cửu Phẩm được xây dựng vào thời nhà Đinh, theo sắc chỉ vua ban năm 971. Trải qua thời Tiền Lê, Lý, Trần, đến thế kỷ thế kỷ 17, sự tích của chùa gắn liền với tên tuổi đức Thánh tổ Tuệ Đăng Tăng Thống Chân Nguyên thiền sư.
Thánh tổ Chân Nguyên là một ngôi sao sáng trong của Phật giáo Việt Nam. Thánh tổ họ Nguyễn, húy là Nghiêm, quê ở xã Tiền Tiến (Thanh Hà). Thuở thiếu thời, Ngài học hành tinh thông, hạ bút là thành văn. Đến thời hậu Lê, thi đỗ tiến sĩ, sau đó đi theo dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử xuất gia và là người có công phục hưng lại Thiền Phái thời Hậu Lê. Ngài trụ trì các chùa Long Động (thiền viện Yên Tử ngày nay), chùa Quỳnh Lâm và chùa Động Ngọ (Cửu Phẩm).
Thời gian trụ trì ở chùa Cửu Phẩm, Thánh Tổ Chân Nguyên đã cho tu bổ và xây dựng mới nhiều hạng mục với quy mô lớn, khang trang, gồm: Nhà phẩm và tháp cửu phẩm liên hoa, tam quan, chính điện, gác chuông, nhà thờ tổ, nhà tăng... Và nơi đây đã phát triển trở thành là trung tâm Phật giáo lớn của dòng Thiền Trúc lâm Yên Tử của nước ta thời Hậu Lê
Ngày 28-10, năm Bính Ngọ 1727, Thánh Tổ Chân Nguyên viên tịch. Môn nhân đệ tử và nhân dân đã xây dựng bảo tháp trong chùa để tôn thờ Ngài. Ngày 28-10 âm lịch hàng năm trở thành ngày giỗ Tổ của chùa.
Trải qua thời gian sự tàn phá của chiến tranh và năm tháng, Ngôi bảo tháp không còn nữa, sau một thời gian lập hồ sơ đề nghị được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, Chư tăng Tổ đình cùng với chính quyền và nhân dân Phật tử địa phương đã tiến hành khởi công xây dựng lại ngôi Bảo Tháp thờ đức Thánh Tổ để tỏ lòng tri ân.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự