Nô nức 'lên chùa' đêm Giao thừa

Thứ bảy - 05/02/2011 08:08
Khi chuông đồng hồ điểm 12h đúng – thời khắc báo hiệu Năm mới bắt đầu – nhà nhà, người người từ lúc nào đã đổ ra đường, nô nức kéo đến các đền chùa cầu an, tài lộc trong năm con Mèo.

Gần như thành lệ, năm nào cũng vậy, vào khoảng 12h kém, tôi cùng ông xã ra khỏi nhà, chạy xe thẳng tới chùa để cầu mong Xuân mới được hạnh phúc, an lành; và hái lộc đầu năm, nhằm ước mong 365 ngày tấn tài, tấn lộc...”, chị Hà, ở khu tập thể Văn công Quân đội (Mai Dịch), đang có mặt tại chùa Hà, cho biết. 

Cầu Năm mới may mắn 

Dạo quanh một số ngôi chùa ở Hà Nội, theo ghi nhận của Đất Việt, người dân đến hành hương, lễ tạ rất đông. Một người làm công việc trông chùa ở chùa Hà cho biết, đa số những người đều lễ tạ như lời tri ân, cảm ơn cho năm cũ, đồng thời cầu cho năm mới được may mắn. “Đêm Giao thừa năm nay, người dân đến chùa đông đến nỗi tôi phải chen mãi mới vào được ban chính dâng hương. Mệt lắm nhưng vẫn vui vì những gì cần cầu xin trước đức phật tôi đã khấn được hết. Tuy nhiên, một điều khiến tôi chưa hoàn toàn toại nguyện là tới chùa muộn, thành thử không xin được lộc của nhà chùa”, chị Lan, ở chung cư Mỹ Đình II (Từ Liêm), nói và cho biết thêm, vì quá chật cứng người nên một số phải đứng ngoài khuôn viên nhà chùa để bái vọng.


Dòng người nườm nượp đổ về chùa Hà để cầu an, tài lộc trong năm con Mèo.

Anh Thắng, ở khu tập thể Bắc Nghĩa Tân, chia sẻ: “Mỗi người đến lễ chùa vào đêm Giao thừa đều mang theo những ước nguyện riêng. Tôi không biết những người xung quanh đang khấn điều gì, nhưng với tôi, cầu mong các thành viên gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, công việc thuận buồm xuôi gió, con cái ngoan ngoãn, học hành giỏi giang…”. Cũng chung mong ước năm mới may mắn, Thùy Dung, sinh viên năm cuối khoa tiếng Anh, ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, bày tỏ: “Em nghe nói cầu duyên ở chùa Hà là thiêng nhất. Năm nay em tốt nghiệp, em cầu mong tình cảm của em với bạn trai mãi bền chặt vì chúng em sắp… tốt nghiệp mà”. 

Tại chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, phủ Tây hồ, đền Ngọc Sơn, tổ đình Phúc Khánh… cũng tấp nập già, trẻ, gái trai tới cầu tài lộc trong năm Tân Mão. “Năm nay, tôi mới lần đầu tiên tới tổ đình Phúc Khánh. Con ngõ nhỏ dẫn vào chùa đông cứng người. Tổ đình này thiêng lắm!”, chị Mai, vừa bán khoán con tại tổ đình Phúc Khánh, hào hứng kể. 

"Rộ" kinh doanh dịch vụ ăn theo 

Ngoài việc cầu khấn, nhiều người đi chùa, nhất là giới trẻ, còn tranh thủ xem vận mệnh của bản thân trong năm con Mèo, khiến dịch vụ “xem bói” và bán lá số tử vi tại cửa chùa nở rộ ngay trong đêm Giao thừa, cụ thể: giá xem bói từ 50.000 – 100.000 đồng/người, còn lá số tử vi từ 30.000 – 50.000 đồng/lá số. 

Với quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” sẽ đem lại may mắn và giúp tình cảm gia đình đậm đà hơn, nhiều người đã tranh thủ cơ hội kinh doanh những túi muối bé tí, được trang trí bắt mắt với giá từ 5.000 – 20.000 đồng. Nam, sinh viên trường ĐH Thương Mại, bộc bạch: “Em cùng một nhóm bạn quyết định kiếm thêm chút tiền dịp tết, đã mua những gói muối lớn với giá 10.000 đồng/gói, sau đó chia thành 15 túi nhỏ, thử kinh doanh đêm 30, gồm túi chỉ có muối giá 5.000 đồng/túi, còn thêm một bao diêm là 10.000 đồng/túi”. Như vậy, những “diêm dân tự phát” này sẽ thu siêu lãi, ước tính gấp 6 – 10 lần so với giá thường ngày.

Cùng với muối, các “cửa hàng bán lộc di động” cũng mọc lên như nấm, gồm mía lộc có giá 40.000-50.000 đồng/cặp; dứa lộc, khế lộc là 30.000 – 50.000 đồng/cặp; sung lộc, hải đường là 15.000 đồng/cành; phát lộc là 20.000 đồng/3 cành; rồi cả bong bay, đặc biệt là những quả bóng hình Mèo, Thỏ bán 20.000- 25.000 đồng/quả (ngày thường là 10.000 – 12.000 đồng)… được phen giúp tiểu thương “hái” ra tiền vì hầu như không ai trả giá, sẵn sang “móc hầu bao” với suy nghĩ “đầu năm hào phóng tí để cả năm làm ăn may mắn”. 

Hiện, nhân dịp đầu Xuân, dịch vụ trông giữ xe tại các đền chùa cũng được dịp “chặt chém”. Tại khu vực xung quanh chùa Hà, nhiều người ngang nhiên sử dụng lòng lề đường làm bãi giữ xe, với giá trên trời: ô tô – 30.000 đồng/xe; xe máy: 10.000 đồng; còn ở tổ đình Phúc Khánh, giá xe máy ngày rằm, mồng 1 chỉ 5.000 đồng/xe, giờ cũng tăng giá lên 10.000 – 15.000 đồng…

Theo quan sát của Đất Việt, trong đêm Giao thừa, rất nhiều người dân còn đổ xô đi hái lộc, thậm chí nhổ cả những cây cảnh trước cửa các ngân hàng vì quan niệm “ngân hàng là nơi nhiều tiền, hái lộc ở đây sẽ giúp phát lộc nhiều hơn trong năm mới”. Chị Chi, nhà trên đường nguyễn Phong Sắc, cho biết: “Dọc đường Hoàng Quốc Việt có rất nhiều chi nhánh của các ngân hàng, nhưng tôi chọn hái lộc ở trước Vietcombank vì cho rằng, đây là ngân hàng phát triển bền vững”.

Đất Việt ghi lại hình ảnh lên chùa cầu an, tài lộc trong đêm Giao thừa:


Lúc 12h30, dòng người nô nức kéo vào chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội).


Do quá đông người lễ chùa, một số lớn buộc phải đứng ở khuôn viên trước ban chính cầu khấn.


Không thể chen được vào ban chính, người đàn ông này buộc phải đứng từ xa bái vọng.


Trẻ nhỏ theo cha mẹ đi cầu may vạ vật... ngủ trong giá lạnh của đêm đông.


Tranh thủ đến chùa bán muối dịp đầu xuân, các "diêm dân tự phát" thu lợi gấp 6-10 lần so với ngày thường.


Với giá 20.000 đồng/3 cành phát lộc, biết đắt đỏ, nhưng "thượng đế" vẫn móc hầu bao với mong muốn năm mới tấn tài, tấn lộc.

Lòng lề đường bỗng dưng... trở thành bãi đỗ, giúp "cò trông xe" thu bộn tiền.


Những chiến sĩ công an, dân phòng "trắng" giao thừa, ra quân gìn giữ an ninh trật tự. Ảnh: V.A

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn tin: Đất Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây