Dù trời nóng và oi bức nhưng đã có hơn 1000 Phật tử nô nức đến tham dự để được nghe truyền đạt lại những lời dạy thiêng liêng và thiết thực của Đức Phật.
Trước khi vào chủ đề chính giảng sư đã sơ lược tầm quan trọng của sự hoằng pháp và sự hình thành, phát triển của đạo Phật, một tôn giáo mang tính chất nhân bản – đề cao vai trò và giá trị của con người, chính con người là chủ nhân ông chứ không phải là những kẻ đi làm nô lệ cho một đấng thần linh hư ảo nào.
Chính con người tự quyết định cuộc đời của mình và phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
Sự ra đời của đạo Phật đã khiến những kẻ áp bức muốn bóc lột người khác phải run sợ giống như một khi tiếng rống của sư tử nổi lên thì muôn thú phải khiếp sợ. Đây là sức mạnh của sự thật, của sự bình đẳng và của từ bi - trí tuệ. Phần đông con người khổ đau là do sự tác động của vô minh, đã không phân biệt được trong thế giới này đâu là thật và đâu là ảo!
Thế giới thực tại từ bên ngoài được 6 giác quan của con người – mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý - phản ánh vào trong não bộ và được xử lý như một CPU của máy vi tính và cho chúng ta một thế giới tâm lý tợ như thật. Giống như một máy ảnh camera kỷ thuật số lưu lại những hình ảnh từ những sự vật của thế giới thực tại ở bên ngoài.
Nhưng đáng nguy hiểm thay những hình ảnh lưu lại trong máy này đã được phần đông con người cho đó là thật! Chính từ thế giới tâm lý có vẻ như thật ấy mà con người tự mình làm khổ đau, tự minh sinh tham ái và muốn sở hữu những đối tượng đẹp, hấp dẫn và khi không chiếm hữu được thì sinh ra sân hận, thù oán; tất cả chỉ vì sự mê mờ theo hư ảo.
Nhưng có biết đâu đối tượng hấp dẫn ấy chỉ là cái bóng hão huyền được phản chiếu và cùng nằm ở trong cùng một cái tâm của mình để rồi tự mình thương, ghét... chính mình! Giống như một vết dầu loang, tự mình làm mình khổ đau rồi làm cho người khác – gia đình, xã hội và thế giới – cùng khổ đau theo. Cũng vì mê mờ mà sinh ra đấu tranh giữa các tôn giáo hay thậm chí trong cùng một tôn giáo...
Sự diễn giảng được minh họa bằng những lời dạy thiết thực của Đức Phật cùng những hình ảnh đời thường đã làm nhiều Phật tử phấn khởi vì khi được biết rằng trí tuệ đưa đến giác ngộ, giải thoát không phải chỉ dành riêng cho giới xuất gia, giàu có hay học thức cao mà cho tất cả mọi người, không phân biệt nghèo, giàu có học thức hay thiếu học thức! Chỉ cần chánh niệm – tỉnh giác, một thuật từ khác của Niệm Phật, phân biệt được đâu thật đâu ảo là có thể nói đã bắt đầu đặt chân vào thánh đạo và sự giải thoát chỉ còn là thời gian... Sự say mê thuyết giảng cùng sự chăm chú, vui mừng của thính giả đã làm thời gian như ngừng trôi... Nhưng thôi, đã 2 giờ rồi Thượng tọa, tiếng nhắc nhở của một vị thầy đã làm buổi giảng đành phải kết thúc sớm.
Cuối cùng giảng sư kết luận: Đạo Phật có tính ưu việt, người trí thức và giàu có ở phương Tây hiện nay đã và đang quan tâm “cải đạo” theo Phật giáo.
Chính Liên hiệp quốc đã chỉ đứng ra tổ chức Lễ Phật đản (Vesak) hàng năm, xem đó như là một ngày hội văn hóa của toàn thế giới và đặc biệt Lễ Phật đản năm 2011 này, giảng sư – một tăng sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên – được tổ chức quốc tế này mời viết và đọc tham luận “Conflict and Illusions” (Xung đột và ảo giác) tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Hoa kỳ.
Với tất cả những lý do trên thì toàn thể Phật tử Việt Nam chúng ta không vì một lý do gì như mua chuộc bằng tiền bạc - vật chất, sự dụ dỗ hay theo đường hôn nhân để từ bỏ đạo Phật thiêng liêng và cao quý của mình.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự