Về chùa Bảo Khánh (Đông Anh, HN) dự lễ Phật đản

Thứ hai - 24/05/2010 21:27
Hà Nội mấy ngày vừa qua trời nóng như thiêu như đốt, con đường dẫn về chùa Bảo Khánh – Đông Anh, Hà Nội hầm hập hơi nóng phả rát mặt người.

Không thấy mấy ai đi trên đường cả, ấy vậy mà tại chùa Bảo Khánh, rất đông nhân dân trong làng Cổ Dương, xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội và phật tử xa gần cùng nhà chùa đang hoàn tất mọi công việc cho buổi Đại lễ Phật Đản tại chùa tối ngày 22/5/2010.

Các cụ già lưng còng tóc bạc, các chị phụ nữ trung niên và các cháu thanh thiếu niên mỗi người mỗi việc, người kết hoa, người kê bàn, trải khăn, người quét dọn, ...chạy đi, chạy lại tấp nập, sân chùa mọi ngày yên ắng đến lạ thường, giờ ồn ào, nhộn nhịp, không còn thấy cảnh tĩnh lặng vốn có.

Trên gương mặt mọi người mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi đỏ gay, nhưng ai nấy đều nở nụ cười hoan hỉ.

Giữa sân chùa, bức tượng Đức Bổn Sư Thích ca Mâu ni đứng trên đài sen được trang trọng đặt trên bệ hoa cao nhất giữa trung tâm, xung quanh được kết hoa, trang trí thật đẹp mắt, rất trang nghiêm nhưng cũng rất gần gũi với chúng sinh.

Nhớ lại hơn 26 thế kỷ trước, một đại sự nhân duyên hy hữu khó thấy, khó gặp tại vườn Lâm Tỳ Ni. Một bậc Đại giác ngộ đã xuất hiện, kim quang sáng ngời, mặt đất rung chuyển, hoa trời tuôn rải, nhạc trời bừng vang.

Bậc Đại giác ngộ đó đã mang ánh sáng vô biên cho khắp hoàn vũ. Đó là sự xuất hiện của một con người, là sự xuất hiện của một mắt lớn, của đại quang, đại minh, là sự xuất hiện của thù thắng và sự chứng ngộ vô ngại giải, sự chứng đạt các giới và các giới sai biệt, là sự chứng nhập minh và giải thoát, là sự chứng ngộ quả Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A la hán. Người ấy chính là Đức Như Lai.

Mặc dù đã trải qua hơn 26 thế kỷ, dường như sự xuất hiện của Ngài với Tâm ý nguyện giải thoát cho con người khỏi mọi nỗi khổ đau bắng cách khuyến hoá nhân loại hãy bước đi trên đoá sen tinh khiết tươi đẹp, sống an lành nơi chân lý nhiệm mầu, đừng đứng mãi dưới bùn nhơ tăm tối, dừng tự đánh mất mình giữa dục vọng hão huyền, hãy vượt lên chướng ngại của tự thân, hãy tự tại trong cuộc đời đầy gian lao thử thách.

Giữa cuộc đời vô thường, tất cả các Pháp từ duyên sinh, sinh diệt luôn luôn nối tiếp nhau không ngừng nghỉ và không bao giờ tách rời nhau, thậm chí dù chỉ là một sát na, một khoảnh khắc, cũng giống như bóng theo hình.

Do vậy Ngài khuyên mỗi người “Biết vậy nên tu tập. Hôm nay nhiệt tâm làm, ai biết chết ngày mai. Không ai điều đình được, với đại quân thần chết”.

Màn đêm buông xuống cũng là lúc nhà chùa long trọng tổ chức Đại lễ Phật Đản, sân chùa không một chỗ trống, nhân dân và phật tử đổ dồn về ngôi chùa giản dị nằm giữa ngôi làng nhỏ bé, các Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni cùng quan khách an vị sau đó niêm hương cầu gia bị.

Màn trình diễn văn nghệ của nhân dân thôn Cổ Dương mang đậm đà bản sắc văn hoá làng quê Việt làm cho người nghe lắng đọng tâm hồn.

Cả sân chùa yên lặng, nghiêm trang lắng nghe Sư thầy Thích Minh Thịnh, Uỷ viên BTS Thành hội Phật giáo Hà Nội, Chánh đại diện Phật giáo huyện Đông Anh cung kính tuyên đọc thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân mùa Phật Đản, Phật lịch 2554.

Nghi thức quan trọng nhất trong buổi lễ là nghi thức tắm Phật, các Thượng toạ, Đại đức, Tăng Ni, các quan chức đại diện cho lãnh đạo chính quyền thôn Cổ Dương, lãnh đạo xã Tiên Dương và các lãnh đạo các ban ngành của huyện Đông Anh cùng phật tử cung kính trước tượng Đức Phật, dùng nước thơm, tinh khiết tắm Phật.

Trong không khí trang nghiêm đó, bất giác tôi chợt nghe ca từ của bài hát “Niềm an vui”  với những ngôn từ rất giản đơn, rất gần gũi nhưng mang tâm ý của Đức Phật vời vợi.

Về đi thôi sức tàn đã kiệt
Xa nẻo mê, danh, lợi, sắc, tài
Làm thân tâm hận sầu tê thái
Quyết quay trở về bờ giác an vui.

 










Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây