Hòa thượng Thích Thiện Nhơn: Trung ương Giáo hội không chủ trương “giậm chân tại chỗ”

Thứ năm - 10/03/2022 02:37
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN trả lời phỏng vấn của Báo Giác Ngộ về quy định giới hạn tuổi tác, kiêm nhiệm trong nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2022-2027.
Hòa thượng Chủ tịch cùng Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực và Thượng tọa Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN tại phiên họp của Ban Chỉ đạo giải quyết những vướng mắc về nhân sự Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2022-2027 -
Hòa thượng Chủ tịch cùng Hòa thượng Phó Chủ tịch Thường trực và Thượng tọa Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN tại phiên họp của Ban Chỉ đạo giải quyết những vướng mắc về nhân sự Đại hội Phật giáo các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2022-2027 -

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2022-2027, đã dành cho báo Giác Ngộ cuộc phỏng vấn liên quan tới vấn đề giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố.

1
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Ảnh: Đăng Huy

Một lần nữa, khẳng định nhân sự là vấn đề quan trọng quyết định mọi sự phát triển của Giáo hội, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết:

- Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện, Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố, Trung ương Giáo hội đã luôn chuẩn bị và có những kế hoạch trước nhằm giúp cho đại hội các cấp đi vào nề nếp, thống nhất và ổn định. Theo đó, đại hội cấp quận huyện thì Trung ương Giáo hội đã ban hành Thông tư 205/TT-HĐTS, ngày 19-9-2020, đại hội cấp tỉnh, thành thì có Thông tư 60/TT-HĐTS, ngày 26-3-2021 và gần nhất là Thông tư 004/TT-HĐTS, ngày 10-1-2022 nhằm giải thích và bổ sung một số điều trong Thông tư 60. Điều đó khẳng định Trung ương Giáo hội luôn cẩn trọng, có sự chuẩn bị một cách cụ thể, có định hướng để giúp cho công tác đại hội đi vào ổn định, nề nếp, đặc biệt là đại hội cấp tỉnh, thành phố, tiến tới đại hội Phật giáo toàn quốc.

Có thể nói, hiện nay hầu hết các tỉnh, thành phố đang triển khai kế hoạch tổ chức đại hội tại địa phương, ở khu vực phía Nam đã có Phật giáo tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long, khu vực phía Bắc có Phật giáo tỉnh Hà Nam, Nam Định, Quảng Ninh đã tổ chức thành công đại hội. Trung ương Giáo hội cũng đã ấn ký đồng thuận về nhân sự và thời gian tổ chức đại hội cho một số đơn vị Phật giáo tỉnh, thành đã cơ bản hoàn thiện kế hoạch tổ chức, thống nhất về nhân sự. Đặc biệt về vấn đề nhân sự của tổ chức Giáo hội hay bất cứ một tổ chức nào, luôn là yếu tố quyết định cho sự phát triển của một nhiệm kỳ, định hướng chiến lược trong tương lai của một tổ chức đó. Do vậy, Trung ương Giáo hội rất quan tâm về vấn đề nhân sự.

* Theo Thông tư 60/TT-HĐTS của HĐTS, ngày 26-3-2021 có quy định: nhân sự 70 tuổi, hoặc trên 70 tuổi đã đảm nhiệm chức danh chủ chốt của Ban Trị sự tỉnh, thành phố liên tục 3 nhiệm kỳ thì không giới thiệu tái cử vào Ban Trị sự nhiệm kỳ mới. Trong nhiệm kỳ trước, vấn đề đó đã có sự du di. Ở nhiệm kỳ 2022-2027 thì quy định này có được áp dụng triệt để không? Nếu có ngoại lệ thì cần những điều kiện gì khác, bạch Hòa thượng?

- Thật ra, các quy định này không phải mới mà Trung ương Giáo hội đã ban hành và được áp dụng từ 2 nhiệm kỳ trước. Phải nhìn nhận rằng, đại hội Phật giáo nên dĩ nhiên cũng mang tính đặc thù của Phật giáo. Chính vì vậy trong thông tư cũng có những khoảng mở, được quy định tại mục 3, phần II và điều (4), (6) mục 5, phần II, đó là trong những trường hợp đặc biệt khó khăn thì Trung ương Giáo hội và Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, thành phố sẽ họp và quyết định, ngoài yếu tố được quy định trong thông tư, trong Hiến chương, trong quy chế thì còn căn cứ vào tính đặc thù và tình hình thực tế tại địa phương. Và, điều quan trọng nhất là Trung ương Giáo hội linh hoạt căn cứ theo yêu cầu chánh đáng, phù hợp, trên tinh thần thống nhất, đoàn kết, hòa hợp cao của chư tôn túc, Tăng Ni và được kết hợp thống nhất giữa các ngành chức năng có liên quan.

Như báo Giác Ngộ đã nêu, quy định đã đưa ra thì phải chấp hành, tuy nhiên cũng có những trường hợp vị đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự liên tục trong 5, 6 nhiệm kỳ nhưng chưa tới tuổi 70, thì vẫn có thể tiếp tục. Cho tới thời điểm này, chỉ có một vài địa phương vượt điều kiện theo quy định, do không có người để kế thừa. Bên cạnh đó, toàn thể Tăng Ni, Ban Trị sự tỉnh đó nhìn nhận và có sự thống nhất cao, được sự góp ý đồng thuận của các ngành chức năng đề xuất tiếp tục giới thiệu vị đó vào nhiệm kỳ mới, để ổn định tình hình Phật giáo tại địa phương.

Với trường hợp này, có thể Trung ương Giáo hội sẽ ngồi lại nghiên cứu, thảo luận để có quyết định. Bởi GHPGVN chọn lọc nhân sự trên cơ sở kế thừa và có định hướng nhằm phát triển cho Phật giáo tại địa phương. Trong trường hợp đặc biệt, địa phương không có vị tôn túc để lãnh đạo Giáo hội, thì theo quy định của Hiến chương và thông tư thì Trung ương Giáo hội xem xét theo yêu cầu, thống nhất với Ban Trị sự và các ngành chức năng sẽ công cử thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố có thời hạn, nhằm đào tạo, chuyển giao thế hệ kế thừa tại địa phương.

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn: Trung ương Giáo hội không chủ trương “giậm chân tại chỗ” ảnh 2
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn khảo sát công tác tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Nam Định - Ảnh: Đăng Huy

* Cũng theo Thông tư 60/TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự ngày 26-3-2021 quy định Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố có tuổi đời không quá 70 tuổi, không kiêm nhiệm quá 2 chức danh trong Ban Thường trực Ban Trị sự, mỗi chức danh kiêm nhiệm không quá 3 nhiệm kỳ thì không được giới thiệu vào nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên trong thực tế, nhiều đơn vị vẫn thiếu nhân lực hoặc chưa có người phù hợp, trong trường hợp này có thể “vận dụng” linh hoạt được không và nếu có thì điều kiện cụ thể như thế nào, bạch Hòa thượng?

- Vấn đề này được nêu rõ trong thông tư nhưng thực tế một số đơn vị Phật giáo tỉnh, thành đã hiểu nhầm cho nên trong Thông tư số 004 đã giải thích, bổ sung cụ thể. Ví dụ một vị đảm nhiệm Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo thì chức danh chính không áp dụng trong trường hợp này, đã 2 chức danh kiêm nhiệm thì không kiêm thêm một chức danh nữa và 2 chức danh này không quá 3 nhiệm kỳ.

"Khi giới thiệu nhân sự cho đại hội Phật giáo thì Giáo hội luôn quan tâm đến vấn đề đặc thù của Phật giáo là đạo hạnh, giáo phẩm, uy nghi… để nhiếp chúng. Bên cạnh đó, Giáo hội luôn đào tạo nguồn nhân lực là thế hệ Tăng Ni trẻ năng động, có trình độ, có năng lực, có sức khỏe. Chính vì vậy trong Thông tư 60, Trung ương Giáo hội có đề nghị quan tâm đến thế hệ trẻ có trình độ để giới thiệu vào nhiệm kỳ mới. Hiểu rộng hơn, Trung ương Giáo hội mong muốn địa phương quan tâm đến nhân sự thế hệ trẻ, sau này trên cơ sở có kế hoạch quy hoạch, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế thừa chứ Trung ương Giáo hội không chủ trương “giậm chân tại chỗ”", Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN cho biết.

Đặt ra quy định như vậy, Trung ương Giáo hội muốn nhân sự này cần có sự hoán chuyển vai trò mới để phát huy tư duy mới, sự sáng tạo trong điều hành Phật sự và thúc đẩy phát triển mới cho Ban đó. Ví dụ, một vị đảm nhiệm Trưởng ban Hoằng pháp 3 nhiệm kỳ thì vẫn có thể hoán chuyển sang làm Trưởng ban Giáo dục Phật giáo chẳng hạn, hoặc ngược lại.

* Vấn đề quy định tuổi tác và kiêm nhiệm đối với nhân sự giới thiệu vào Ban Trị sự, Ban Thường trực Ban Trị sự các tỉnh thành phố luôn được dư luận quan tâm. Nhân dịp này, Hòa thượng có thông tin, lưu ý gì thêm ngoài các thông tư của Giáo hội đã ban hành?

- Khi giới thiệu nhân sự cho đại hội Phật giáo thì Giáo hội luôn quan tâm đến vấn đề đặc thù của Phật giáo là đạo hạnh, giáo phẩm, uy nghi… để nhiếp chúng. Bên cạnh đó, Giáo hội luôn đào tạo nguồn nhân lực là thế hệ Tăng Ni trẻ năng động, có trình độ, có năng lực, có sức khỏe. Chính vì vậy trong Thông tư 60, Trung ương Giáo hội có đề nghị quan tâm đến thế hệ trẻ có trình độ để giới thiệu vào nhiệm kỳ mới. Hiểu rộng hơn, Trung ương Giáo hội mong muốn địa phương quan tâm đến nhân sự thế hệ trẻ, sau này trên cơ sở có kế hoạch quy hoạch, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế thừa chứ Trung ương Giáo hội không chủ trương “giậm chân tại chỗ”.

Do đó, mỗi lần đại hội ít nhiều cũng có những ý kiến khác nhau. Nhưng với vai trò lãnh đạo cao nhất trong Hội đồng Trị sự, tôi luôn mong muốn làm sao Phật giáo các tỉnh thành chúng ta nâng cao tự ý thức trách nhiệm, trên tinh thần “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. Tôi kỳ vọng mỗi địa phương đều ý thức áp dụng triệt để được chủ đề này một cách có trách nhiệm để Phật giáo địa phương phát triển ổn định, kỷ cương và nề nếp. Thiết nghĩ, điều đó không chỉ riêng tôi mà cả Giáo hội ai cũng đều mong mỏi.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây