Tham dự lễ húy nhật có sự hiện diện của Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; chư tôn đức Ban Chứng minh, Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM, các quận, huyện, TP.Thủ Đức; môn đồ pháp quyến, Tăng Ni, Phật tử trên địa bàn.
Kính cẩn trước di ảnh cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác.
Đại diện chính quyền có ông Vũ Huy Long, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 - Ban Tôn giáo TP.HCM; ông Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND quận 7; ông Nguyễn Dũng Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN quận 7 cùng các cơ quan sở tại.
Trước bảo tháp Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cùng chư tôn đức đã dâng hương, sái tịnh và nhiễu tháp tưởng niệm Trưởng lão Hòa thượng.
Hòa thượng Thích Đức Nghiệp niêm hương tưởng niệm.
Hòa thượng Thích Giải Thắng, Chứng minh Ban Trị sự Phật giáo quận 7 cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác - Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Theo đó, Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác, thế danh Huỳnh Văn Chà, sinh ngày 1-1-1928 (nhằm ngày 9-12-Đinh Mão) tại xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Huỳnh Văn Giáo (1894-1952); thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Nhiêu (1900-1969).
Năm 1942, Hòa thượng có duyên lành được gặp và phát tâm xuất gia với Trưởng lão Hòa thượng Giác Quang, húy Tục Chơn, thuộc Thiền phái Lâm Tế dòng Trí Huệ đời thứ 40. Ngài được gửi vào chùa Kim Huê (Sa Đéc, Đồng Tháp) học luật tại đây suốt 5 năm liền và thọ Sa-di giới tại Giới đàn chùa Kim Huê (xã Dương Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Sa Đéc) do Hòa thượng Chánh Thành làm Hòa thượng Đường đầu. Đến cuối năm đó, sau khi tham dự khóa đào tạo Luật tại chùa Kim Huê, được Bổn sư cho phép, ngài lên Sài Gòn tham học Phật pháp tại chùa Giác Ngộ.
Hòa thượng Thích Giải Thắng cung tuyên tiểu sử cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác.
Ngày 18-7-1951 (Tân Mão), ngài được tấn đàn thọ giới Cụ túc và Bồ-tát giới tại chùa Giác Ngộ (thôn Vườn Lài, vùng Ngã Bảy, tỉnh Chợ Lớn) do Hòa thượng Đạt Thanh làm Hòa thượng Đường đầu. Sau khi thọ giới Cụ túc, ngài nhập chúng tu học tại Phật học đường Nam Việt - chùa Ấn Quang do Hòa thượng Thích Thiện Hòa làm Giám đốc, Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Đốc giáo. Tại đây, Hòa thượng đảm nhiệm việc quản chúng suốt 8 năm.
Đến năm 1963, trong Pháp nạn của Phật giáo Việt Nam, ngài lui về ẩn tu tại chùa Kim Bửu, làng Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Từ năm 1965 đến 1969, ngài đảm nhận vai trò trụ trì tổ đình Linh Sơn cổ tự, số 149 đường Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1. Năm 1971, Hòa thượng đã nhận lời về xây dựng chùa Giác Huệ tại làng Tân Thuận, huyện Nhà Bè. Đến năm 1972-1973, chùa Giác Huệ xây dựng xong, ngài mở lớp dạy chữ Hán, hướng dẫn kinh, luật và bắt đầu tiếp Tăng độ chúng.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngài bắt đầu tham gia công tác Phật sự với hàng loạt các vai trò qua các thời kỳ: Phó ban Liên lạc Phật giáo yêu nước (1975-1981); Phó Chánh Đại diện Phật giáo huyện Nhà Bè nhiệm kỳ I (1982-1985); Chánh Đại diện Phật giáo huyện Nhà Bè nhiệm kỳ II (1986-1989); Chánh Đại diện Phật giáo huyện Nhà Bè nhiệm kỳ III (1990 - 1993); Năm 1991, ngài được Trung ương Giáo hội tấn phong giáo phẩm Hòa thượng tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần III.
Năm 1994-1997, Hòa thượng đảm nhiệm Chánh Đại diện Phật giáo huyện Nhà Bè nhiệm kỳ IV. Năm 1995, ngài thành lập trường Nuôi dạy trẻ mồ côi Long Hoa (nay là cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi Long Hoa) tại Long Hoa cổ tự. Năm 1996, Hòa thượng được Ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM bổ nhiệm làm trụ trì Long Hoa cổ tự, tọa lạc tại số 60/7, khu phố 1, xã Phú Mỹ, huyện Nhà Bè. Ngày 1-4-1997, quận 7 được thành lập sau khi tách ra từ huyện Nhà Bè, Hòa thượng tiếp tục đảm đương chức vụ Chánh Đại diện Phật giáo quận 7.
Chư tôn đức cử hành nghi thức sái tịnh.
Trong năm 1997-2002, Hòa thượng là Ủy viên Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Chánh Đại diện Phật giáo quận 7 nhiệm kỳ V. Năm 2002-2007, ngài là Ủy viên Ban Trị sự kiêm Trưởng ban Kiểm soát Thành hội Phật giáo, Chánh Đại diện Phật giáo quận 7 nhiệm kỳ VI. Năm 2003, Hòa thượng thành lập và làm Giám đốc Phòng Chẩn trị y học cổ truyền Long Hoa cổ tự. Phòng Chẩn trị y học cổ truyền hoạt động đến nay hơn 15 năm.
Hòa thượng được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc suy tôn làm Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Chứng minh - Cố vấn Ban Đại diện Phật giáo quận 7 nhiệm kỳ VII (2007 - 2012). Liên tục hai nhiệm kỳ VIII (2012-2017) và IX (2017-2022), Hòa thượng được suy tôn Ủy viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Chứng minh - Cố vấn Ban Trị sự GHPGVN quận 7.
Bảo tháp cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác tại Long Hoa cổ tự.
Trải qua thời gian hơn 60 năm hành đạo, Trưởng lão Hòa thượng Thích Viên Giác đã luôn nêu cao tinh thần phụng sự Giáo hội, phục vụ chúng sanh, góp phần xây dựng GHPGVN nói chung, Phật giáo TP.HCM và Phật giáo Nhà Bè, quận 7 nói riêng bằng nhiều công tác Phật sự, nhất là mảng công tác từ thiện xã hội.
Bên cạnh đó, Trưởng lão Hòa thượng cũng đã nêu cao tinh thần hoằng pháp lợi sinh, tổ chức nhiều khóa An cư kiết hạ cho chư Tăng Ni trên khắp mọi miền đất nước tại các đạo tràng chùa Thiên Trúc (1993 -1994), chùa Bửu Quang (1995), Long Hoa cổ tự (1996, 2002-2019), tu viện Định Thành, chùa Phước Thiện trong địa bàn quận.
Ngoài việc tích cực hoạt động Phật sự, Hòa thượng còn dấn thân tham gia trong các công tác, phong trào tại địa phương, từng là Ủy viên Ủy ban MTTQVN huyện Nhà Bè từ năm 1985-1996; Thành viên Ủy ban MTTQVN quận 7 từ năm 1997-2003…
Do niên cao lạp trưởng, Trưởng lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch vào lúc 18 giờ 45 phút ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Hợi (nhằm ngày 17-10-2019) tại chùa Giác Huệ, trụ thế 93 năm, 69 Hạ lạp.