Chùa Báo Ân: Chờ lời giải bài toán bảo tồn

Chủ nhật - 05/06/2011 06:18
Ngôi chùa nằm bên dòng sông Thiên Đức thuộc thôn Trung, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm đã ghi dấu trong sử sách, được khẳng định trong các cuộc khai quật khảo cổ học là một trung tâm Phật giáo quan trọng theo suốt chiều dài lịch sử. Nhưng ngôi chùa mang tên Báo Ân này lại đang ngổn ngang những mối âu lo về sự tàn phá của thời gian và cách trùng tu, bảo tồn của người đương thời.

Giá trị được chứng minh

Cuộc khai quật khảo cổ học do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã khẳng định những giá trị đích thực của chùa Báo Ân. Những giá trị ấy càng sáng tỏ hơn trong các cuộc bàn tròn khoa học về ngôi chùa này (gần nhất là cuộc hội thảo hôm 31/5/2011 tại chùa) để mong tìm thấy một lời giải chính xác cho bài toán bảo tồn giá trị cổ nơi đây.

Không ai phủ nhận đây là một trong những quần thể di tích có giá trị lịch sử và văn hóa qua các triều đại Lý-Trần-Lê-Nguyễn. Đặc biệt, Báo Ân là một trong những trung tâm thiền nổi tiếng thời Trần nằm ở ngoại vi thành Thăng Long xưa, là một trong những con đường hành hương về đất Phật Yên Tử - nơi vua Trần Nhân Tông trong quá trình tu hành của mình đã sáng lập ra một thiền phái nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo Việt Nam - Thiền phái Trúc Lâm.

Chỉ một ghi nhận từ năm 1314 cho thấy, tại chùa Báo Ân, Pháp Loa đã xây tới 33 cơ sở trong đó có Phật điện tàng kinh và Tăng đường. Chùa Báo Ân còn là cơ sở in ấn kinh sách lớn nhất thời bấy giờ. Nhờ có bản gỗ tàng trữ tại chùa Báo Ân nên kinh sách được ấn hành rộng rãi, cung cấp đầy đủ cho nhu cầu học Phật trong khắp xứ.

Theo các cụ già địa phương, trước năm 1946, quy mô chùa Báo Ân còn nguy nga tráng lệ, chùa có 36 nóc nhà với 99 gian cùng hai tam quan nội ngoại, hệ thống tượng Phật phong phú, là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong vùng. Trải qua chiến tranh cùng những biến cố xã hội, chùa bị phá dỡ, những hiện vật liên quan thuộc chùa được thu gom chuyển vào ngôi đền thờ vua Trần Nhân Tông bên cạnh.

Vị trí ngôi chùa lùi về chức năng ngôi chùa làng bình dị và dần bị lãng quên. Hiện nay, trên khu đất cao vị trí ngôi chùa thuở trước hiện còn một số hiện vật liên quan đến thuở vàng son trong dĩ vãng: Tháp mộ, bia đá, tượng Phật gồm bộ tượng Tam thế, tượng Di Đà tam tôn, tượng Quan Âm chuẩn đề, tượng sư tổ Bồ Đề Đạt Ma, tượng A Di Đà, cùng tượng vua Trần Nhân Tông, các tượng liên quan đến Phật giáo.

Trong quá trình cải tạo canh tác khu nền chùa hiện nay, người dân còn tìm thấy nhiều di vật thuộc ngôi chùa xưa như: gạch lát nền trang trí hoa văn hoa cúc, hoa cúc dây, lá đề trang trí hình rồng uốn lượn, phù điêu trang trí rồng, bản in đất nung trang trí hoa, các đồ sứ gia dụng men ngọc, những bảo tháp đất nung trang trí hình tượng Phật…

Tìm lời giải

Chùa Báo Ân hiện nay có quy mô nhỏ bé với bố cục mặt bằng hình chữ T mới được xây cất gần đây, nằm ở rìa làng, sát với khu dân cư. Những gì đang có trong hiện tại không tương xứng với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có. Điều đáng nói hơn, nơi này còn đang tiềm ẩn nguy cơ trở thành phế tích nếu không được tu tạo kịp thời với những mọt gãy của khung cửa, lở lói của tường vôi…

Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Báo Ân, khẳng định: Chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì thế, việc trùng tu, tôn tạo nhằm bảo tồn và gìn giữ những giá trị nguyên bản của chùa Báo Ân là việc làm cấp thiết. Các nhà khoa học đã bàn bạc nhiều lần và chung một ước muốn: tu bổ, tôn tạo chùa Báo Ân trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.

Họ cũng kiến nghị xếp hạng chùa Báo Ân thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện tại, một dự án thiết kế dành cho việc phục dựng chùa đã được Công ty CP Xây dựng và tôn tạo công trình văn hóa thực hiện, nhưng xem ra các nhà khoa học vẫn chưa thấy hài hòa, xứng tầm với lịch sử. Thế nên yêu cầu xem xét lại thiết kế đã kéo dài thêm thời gian đợi chờ được hồi sinh của ngôi chùa này.

Quả thật, với vai trò quan trọng của chùa trong quá trình lịch sử của Phật giáo Việt Nam, chùa Báo Ân xứng đáng được tôn tạo để trở về đúng với gì nó có. Song, việc trùng tu, tôn tạo cũng cần được cân nhắc, nghiên cứu cẩn trọng để giá trị cũ không bị tổn thương vì những hiện đại hóa, bê-tông hóa… không đúng nghĩa bảo tồn.

Nguồn tin: Kinh tế Đô thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây