Lên đồng dưới góc nhìn khoa học, văn hóa

Thứ tư - 15/06/2011 10:40
Sự bí ẩn của lên đồng, hiện chúng tôi không kỳ vọng có thể kiến giải hết được. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, văn hóa, chúng tôi mong muốn cung cấp thêm cho độc giả thông tin về hiện tượng này. Từ đó, có cái nhìn đúng đắn về hiện tượng tín ngưỡng, văn hóa, tránh các hoạt động biến tướng, lợi dụng đồng - cốt để tuyên truyền mê tín dị đoan, trục lợi…

Bảo tàng sống động về  văn hóa

 GS Ngô Đức Thịnh, giám  đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, lên đồng là một bảo tàng sống động của văn hóa Việt và hoàn toàn xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng bây giờ chưa phải là lúc bởi vẫn chưa có sự đồng thuận trong nước.

Thực chất, lên đồng là  một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Đây được coi là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Một số người tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh giáng nhập thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ. Sự thật có đúng như vậy không cho đến nay khoa học cũng chưa thể chứng minh.

Vậy tại sao một bảo tàng sống động của văn hóa mà lại "chưa được đồng thuận”? Rất nhiều ý kiến còn cho rằng đó là hủ tục, là mê tín dị đoan. Nghị định 75/2010/NĐ - CP của Chính phủ cũng quy định các hành vi tổ chức hoạt động lên đồng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng. 

Giới thiệu lên đồng ở trường học

Chúng tôi xin bắt đầu việc tìm hiểu những điều kì bí về lên đồng bằng một sự việc diễn ra công khai và có  thật. Ngày 19/12/2010, khoa Văn - Xã hội, trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên đã tổ  chức buổi học ngoại khóa tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Không có gì đáng nói nếu thầy và trò trường này không đưa nhảy đồng lên sân khấu.

 

Một buổi lên đồng. Ảnh: Tuần Việt Nam

Buổi học ngoại khóa đó  được mô tả rằng: "Đó là một giá  đồng thực sự như tại một buổi "mở phủ" đúng nghĩa. Tiếng nhạc, hát và múa tưng bừng và cuối giá đồng "thầy" cũng tung tiền "lộc" cho các "con nhang", "đệ tử".

Nhiều người không đồng tình với việc giá đồng được thực hiện ở  một nơi không phải đền chùa miếu mạo. Họ cho rằng, đó là sự không tôn trọng thần linh, phỉ  báng thánh thần. Đồng thời cũng lên án việc một thầy giáo đã "nhập vai" thanh đồng để diễn lại các giá đồng. Họ cho rằng, thanh đồng phải là người có căn, có quả, chứ không thể là một thầy giáo không có căn quả vào vai thánh thần. Mà nếu thầy giáo có căn, có quả thì lại càng không thể "biểu diễn" ở một sân khấu của trường học như vậy được. 

Trao đổi với PV, bà  Nguyễn Suối Linh, giảng viên khoa Văn - Xã hội, trường Đại học Khoa học thuộc Đại học Thái Nguyên cho biết, khoa Văn - Xã hội đã mời một thanh đồng "xịn", chứ không phải thầy giáo của khoa này nhảy đồng.

Đồng thời cho biết, khi đưa lên sâu khấu để giới thiệu cho sinh viên về hoạt động hầu đồng, khoa đã đặt vấn đề tâm linh sang một bên, không đề cập đến vì nhiều người đặt ra vấn đề là có tin hay không tin. Nhưng đó không phải là điều cốt lõi. Tin là tin thần thánh có thể hiểu được tấm lòng của họ chứ không phải họ nghĩ là trong lúc đó có thần thánh nhập vào cô đồng hay không...

Được người nước ngoài yêu thích

Giảng viên Nguyễn Suối Linh cho biết: Nghi lễ hầu đồng có nguồn gốc từ đồng bằng sông Hồng nhưng các vị thánh hiển linh trong giá đồng có rất nhiều những người miền núi. Giá đồng hấp dẫn nhất là các giá nói về các vị Mẫu miền núi như cô Bé thượng ngàn hay Mẫu Đệ nhị hoặc Bà Chúa Thác Bờ. Họ đều là những vị thánh có nguồn gốc miền núi. Trong không gian hầu đồng khoảng cách không gian, miền xuôi miền ngược bị xóa nhòa.

Những người có khả năng đặc biệt tại tọa đàm “Bảo tồn và phát huy khả năng đặc biệt của con người trong hệ thống đạo Mẫu Việt Nam”.

Nói về lên đồng, nhà  nghiên cứu Trần Văn Khê đã từng nói rằng: Âm nhạc chầu văn là hồn cốt của nghi lễ lên đồng. Rất nhiều người nước ngoài cho rằng trong các âm nhạc dân gian của người Việt Nam thì âm nhạc hát chầu văn vẫn là nghệ thuật được người nước ngoài yêu thích nhất. 

Còn bà Phạm Minh Thái, trưởng khoa Văn - Xã hội của trường giải thích rằng: Mục  đích của buổi học ngoại khóa này là để giúp sinh viên hiểu sâu hơn về văn hóa của người Việt. Xưa nay, người ta vẫn thường nghĩ về việc nhảy đồng, hầu bóng là "không chính thống", "mê tín dị đoan". Nhưng nay, chúng ta cần nhìn thẳng rằng nó là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, chứa đựng rất nhiều các yếu tố nghệ thuật khác. "Nhảy đồng, hầu bóng, thực ra là những nét văn hóa của người Việt trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nhằm mục đích cầu mong những điều tốt đẹp".

 “Hầu đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có Việt Nam, được Viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) có ý định đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây