“Bán” sư giả

Thứ tư - 15/06/2011 10:33
Từ “bán” ở đây tức là từ “nửa”, “một nửa”, “một phần”, “không hoàn toàn” là sư giả. Đề cập đến vấn đề này, chúng tôi muốn cung cấp cho bạn đọc, cũng như các cơ quan chức năng liên hệ, có trách nhiệm giải quyết một tường trình, ý kiến bổ sung, giúp cho việc nhìn nhận vấn đề một cách bao quát hơn, toàn diện hơn, là cơ sở đầu tiên để việc giải quyết có hiệu quả.

Dùng cụm từ “bán sư giả” thật ra cũng chưa phải là chính xác. Thật ra, vấn đề sư giả không chỉ là giả với thật, hay nửa giả hoặc nửa thật. Mà giữa giả và thật là nhiều cấp độ.

Cho nên, phải nói là các cấp độ sư giả thì có lẽ chính xác hơn.

Sư giả và sư thật không phải là một lằn ranh rạch ròi, tách biệt, chia cắt 2 mặt đối lập. Đó không phải là một bên trắng và một bên đen, mà ở giữa là rất nhiều sắc độ trung gian, là các loại màu trắng, màu đen và màu xám, như xem một bức ảnh chụp đen trắng.

Như vậy, có thể hiểu là có sư giả… ít, sư giả nhiều, sư chỉ hơi giả và sư giả trầm trọng.

Mức sư giả trầm trọng có lẽ là ở khoảng loại người cạo tóc mặc áo tràng vàng quỳ chắp tay trước một bao tiền mà mới đây một trang web đã đề cập tới gây bức xúc mạnh mẽ cho công luận.

Theo người viết, còn trầm trọng hơn nữa như có lần đã nhìn thấy, là một người trong hình tướng một vị sư, cũng áo tràng như thế, nhưng rách rưới, hôi hám, dơ bẩn không thể tả, trong cái cách làm cố ý, cường điệu, lại còn thêm ghẻ chóc, máu mủ, lở lói, tàn tật, nằm mọp trên một cái “xe”, là tấm ván gãy có 4 bánh xe.

Trước xe đó có đặt một loa, tụng một thứ văn vần có gõ mõ và đánh chuông, không thể xác định rõ là kinh Phật hay không, nhưng nếu không là kinh Phật thì cũng có thể là loại kinh, sám, sấm giảng của một tôn giáo có yếu tố Phật giáo, trong lời văn thường nhắc đến những cụm từ “trời Phật”, “bố thí”, “cầu xin”, “ơn trên”…

Cạnh loa phát thanh phát bài tụng văn vần (dùng cassette, qua ampli, điện nguồn accu), là một bức ảnh Phật A Di Đà và bình bát, trong có vài tờ tiền lẻ.

Đặc biệt, sư giả lần loại chuỗi hạt rất to, đi từ xa đã trông thấy. Có lẽ, để tăng hiệu quả tác động của đạo cụ. “Xe” được kéo lết đi trên đường, gây nên cảm giác vừa ghê sợ, vừa thương tâm, vừa bất nhẫn…

Đó là đầu mút tận cùng bên kia của sư giả, một loại giả trần trụi, phản cảm nhất.

Còn đầu mút bên này, khi sư… hơi bắt đầu giả, thì sao?

Chỗ này thật muôn hình vạn trạng, khiến cho việc xử lý sư giả không chỉ là lật trần cái giả, túm lấy nó để xử lý.

Ở dạng này, là sư thật, nhưng có những biểu hiện khiến người ta ngỡ là sư giả.

Điều đáng nói là có những hành vi mập mờ thật giả, khiến vấn đề trở nên phức tạp vô cùng.

Đó có thể là một ni cô, có giới điệp hẳn hoi, ở chùa, nhưng ăn mặc xốc xếch, xách thúng ra chợ, hay ra cổng một số ngôi chùa, ngồi bán đồ ăn chay chế biến sẵn, thẻ hương (có thể do nhà chùa tự làm).

Tôi nhớ, hồi nhỏ tôi thường được ăn những đồ ăn chay do ni cô như vậy bán mà mẹ tôi mua về. Đồ ăn ngon, không mắc, sau khi ăn không bị đau bụng.

Nhìn vào thì rất giống sư giả, giả hơn kiểu ôm bình bát đứng tĩnh lặng trong chợ, ngoài phố, hay ở ngả ba, ngả tư, vòng xoay giao lộ…

Vì ni cô bán hàng chỉ khác người bán hàng khác ở bộ đồ tu và có xuống tóc. Còn lại, là một cô hàng xén.

Ban đầu, tôi rất khó chịu, nhưng nghĩ lại, thì thấy mình có phần khắt khe chăng?

Nhà chùa mở công ty sản xuất, thì sao không thể chấp nhận một vị ni mua bán đồ chay, hay hương đăng ngoài chợ để mưu sinh? Đâu phải vị tăng ni nào, ngôi chùa nào cũng đều được cúng dường đầy đủ để chuyên tâm tu học?

Một giám đốc công ty do nhà chùa thành lập có thể ngồi trên ghế bành xoay trong phòng làm việc máy lạnh, thì không thể yêu cầu ni cô bán thức ăn chay ngoài chợ không được có những biểu hiện bề ngoài, mà một người buôn gánh bán bưng không thể tránh khỏi?

Cái màu xám của hiện tượng sư giả bắt đầu hiện ra. Có thể vị ni cô kia là một người đời nhưng cạo tóc, mặc áo nâu sòng để dễ bán đồ chay, hương nến…, nhưng cũng có thể là một vị ni thật phải tất tả để vừa mưu sinh, vừa tu hành? Có hỏi thì người nào cũng nhận ni cô thôi!

Thái độ của người Phật tử trước những hiện tượng như vậy nên như thế nào?

Nếu đó là vị ni thật, thì có nên trách cứ họ không? Chúng ta nghĩ sao, khi có người mua đồ chay, hay nhang đèn của nhưng người có hình tướng ni như thế với tâm “ủng hộ” nhà chùa, trong khi cũng có người lại cho đây là một biểu hiện sư giả, hoặc thông cảm hơn, một hiện tượng làm mất tôn nghiêm của Tăng bảo?

Một biểu hiện khác của hiện tượng “bán” sư giả, hay màu xám sư giả mà chúng ta đang nói tới là việc cư sĩ tu tại gia hướng tới hình tướng xuất gia.

Đó là những người chưa thọ đại giới, cũng có thể thọ Bồ tát giới, cũng có thể không, hoặc có thể thọ ngũ giới, hoặc chỉ là những người lập am, lập thất để tu theo những “đạo tràng” không có liên hệ với nhà chùa…

Thuộc dạng này có rất nhiều trường hợp hoàn cảnh cá biệt, nhưng giống nhau ở nét chung là cạo tóc, mặc y phục màu nâu, lam, có thể cả nhiều dạng màu vàng, có thể áo tràng dài, có thể đồ bộ, áo ngắn nhiều kiểu, trong đó có kiểu “vạt khách”.

Thế là về hình thức có thể tạo nên sự lầm tưởng đó là sư.

Tất nhiên, tạo một sự hiểu lầm như vậy, thì đã là sư giả. Sư giả, nhưng có thể tu thật nhưng cũng có thể không. Có khi họ có những hoạt động như sư, chẳng hạn tụng đám, cúng thất… Một bộ phận có nhận tiền cúng dường, thậm chí có giá biểu, nhưng một bộ phận có thể không nhận tiền trong các hoạt động phục vụ tín ngưỡng, mà lại mưu sinh bằng nhiều nghề.

Nếu họ ra chợ như trường hợp những vị ni kia, thì trường hợp này rõ ràng là phức tạp. Người viết có hỏi thăm một số người như vậy, họ nói thật thà, chỉ là… người tu!

Không giới thiệu là tăng là ni, nhưng với hình tướng bên ngoài tạo trạng huống hiểu sao cũng được, thì quả là khó để mọi người có thái độ thích hợp.

Xuống tóc, áo nâu, đeo chuỗi… không phải là những điều mà  người cư sĩ không được phép. Khi họ đi xin tiền chúng ta có thể xếp ngay vào loại sư giả, sư “đen” bất kể có tu hay không tu. Nhưng nếu họ bán nhang đèn, thực phẩm chay…, hay cúng đám, thì sẽ tạo  ra đủ thứ sắc độ đậm nhạt.

Để giải quyết một vấn đề nào đó, chúng ta cần tìm hiểu vấn đề một cách toàn diện, từ nhiều góc cạnh, xem xét mọi trường hợp trong sự biểu hiện đa dạng của nó.

Bài viết này dừng lại ở mức độ ghi nhận hiện tượng của vấn đề, nên dừng lại ở đây.

Nhìn nhận sự phức tạp thực tế của vấn đề không phải là đưa người đọc vào trong mê trận của những đám bòng bong đủ kiểu, vì chỉ khi nhận thức đầy đủ hiện trạng mới cho phép chúng ta đưa ra những đối sách đầy đủ, và phù hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây