Bầy khỉ ở Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên ngày càng ít đi do bị săn bắt ráo riết
Nương nhờ cửa chùa
Hòa thượng Thích Thông Luận, trụ trì thiền viện, cho biết: Vào năm 1990, khi chùa vừa mới được dựng lên, vào một buổi sáng mưa như trút, có một con khỉ mẹ gầy nhom bế con đến trước chánh điện tìm chỗ nấp. Sư Thông Luận đã cho hai mẹ con chúng ăn rồi chúng trở lại núi. Kể từ đó, đàn khỉ kéo xuống ngày càng đông. Ngày xuống ăn, đêm trở về núi ngủ.
Tin dưới chân núi Kỳ Vân có đàn khỉ hàng trăm con quấn quýt nơi cửa thiền viện được nhiều người biết đến và thường lui tới chùa để nhìn ngắm chúng. Rồi cái tên “chùa khỉ” cũng ra đời từ đó. Do được chăm sóc chu đáo, đàn khỉ phát triển rất nhanh. Vào khoảng năm 2000, bầy khỉ từ vài chục con đã phát triển lên khoảng 250 con, chia thành 5 đàn.
Chúng tôi cùng nhiều du khách xin phép được thăm bầy khỉ thì Hòa thượng Thích Thông Luận cho biết phải chờ đến khoảng 11 giờ, đàn khỉ mới kéo nhau từ trên núi xuống.
Quả thật, khi chuông đồng hồ điểm 11 giờ, ngay lập tức từ phía trên núi, cây cối lao xao, đàn khỉ ào ào kéo về mỗi lúc một đông, gần cả trăm con đã tụ tập tại khu vực gần chánh điện. Nhìn bầy khỉ chí chóe bóc cơm, lột vỏ chuối… ăn một cách ngon lành, nhiều khách tham quan rất thích thú. Sau hơn nửa giờ ăn no, đàn khỉ gọi bầy trở lên núi trước sự quyến luyến của hàng chục khách đường xa. Theo Hòa thượng Thích Thông Luận, khỉ ở chùa là khỉ đuôi dài, là loài khỉ rất thông minh và cũng bị săn bắt nhiều nhất trong họ nhà khỉ.
Tận diệt từng ngày
Những năm gần đây, nhà chùa phát hiện đàn khỉ ngày càng ít đi. Hòa thượng Thích Thông Luận phái người lên núi kiểm tra thì phát hiện rất nhiều bẫy khỉ đã được cài đặt. Nhiều loại bẫy rất hiện đại, có thể đánh bắt cùng lúc cả chục con. Nhiều khu vực bị giăng bẫy như ma trận, chằng chịt, khỉ khó mà trốn thoát nếu đã lọt vào. Ngoài việc dùng bẫy, thời gian gần đây, nhiều người còn dùng cả thuốc mê để đánh bắt với số lượng lớn.
Một người dân có nhiều năm làm công đức ở chùa cho biết: Nhiều con khỉ bị dính bẫy, tự cắn đứt chân để thoát về chùa. Bầy khỉ ở đây cũng rất “đoàn kết”, thường một thành viên trong đàn bị dính bẫy là ngay lập tức, cả đàn hú nhau vây quanh bảo vệ, thậm chí chúng liều mình để bảo vệ cho các thành viên khác.
Tuy vậy, lòng tham của con người quá lớn với nhiều thủ đoạn tinh vi nên đàn khỉ không thể thoát được cái chết. Theo người dân địa phương, bầy khỉ ở đây phát triển rất nhanh, vào các năm 2006, 2008 có khi đông đến 500 con nhưng hiện nay còn lại chưa đến 100. Thiền viện đã nhiều lần báo với kiểm lâm về việc bầy khỉ bị xâm hại nhưng vẫn không ngăn được người đánh bẫy.
Ông Lê Văn Khanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm liên huyện Long Điền - Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết hạt thường xuyên cử lực lượng đi kiểm tra, hằng năm thu gom từ 25 đến 30 chiếc bẫy khỉ các loại. Tuy nhiên, đến nay, hạt này vẫn chưa bắt được quả tang việc người dân đặt bẫy bắt khỉ. Sắp tới, hạt sẽ tiếp tục tăng cường thường xuyên kiểm tra, tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, nhà chùa để bảo tồn bầy khỉ.
“Buôn bán khỉ đuôi dài sẽ bị khởi tố
Theo ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, khỉ đuôi dài ở Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên nằm trong danh sách động vật quý hiếm (nhóm 2B). Theo pháp luật quy định, đối tượng nào bị bắt quả tang hành vi buôn bán khỉ đuôi dài có giá trị tiền mặt trên 500 triệu đồng sẽ bị khởi tố.
Theo ông Cương, các hạt kiểm lâm địa phương có trách nhiệm bảo vệ các loài động vật nói chung thuộc khu vực địa bàn quản lý. Theo luật, nếu hạt kiểm lâm địa phương để xảy ra tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép động vật (nhất là động vật quý hiếm) sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Nguồn tin: Hải Liên
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự