Chùa Huyền Kỳ - Di tích lịch sử văn hóa đang bị xâm phạm

Thứ tư - 29/06/2011 22:54
Chùa Huyền Kỳ (phường Phú Lãm, quận Hà Đông) được công nhận là di tích lịch sử Văn hóa từ năm 1992 và đã được khoanh vùng bảo vệ. Từ năm 1962 đến năm 1992, diện tích vành đai II của chùa được chính quyền giao cho các hợp tác xã (HTX) của địa phương sử dụng.

Năm 1997, HTX sơn mài Huyền Kỳ được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chuyên dùng) với diện tích 3.367m2 trên chính diện tích vùng II di tích và cũng trong năm này, HTX đã dùng nhà xưởng để liên kết với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ xuất khẩu tổng hợp Tân Phú (Công ty Tân Phú). Từ đó đến nay, công ty vẫn hoạt động và bao quanh chùa hiện vẫn là văn phòng, nhà xưởng của Công ty Tân Phú.


Vật tư, xưởng sản xuất của Công ty Tân Phú chình ình trong  khuôn viên chùa Huyền Kỳ.

Điều đáng nói, mặc dù HTX đã dừng hoạt động từ năm 1992 và Đại hội xã viên đã có nghị quyết xin giải thể, song phải 14 năm sau UBND thị xã Hà Đông (nay là UBND quận Hà Đông) mới ra quyết định giải thể. Tuy nhiên, việc thu hồi đất của HTX không được thực hiện và Công ty Tân Phú cũng chưa làm thủ tục thuê đất theo quy định… Nhiều lần, đại diện các đoàn thể thôn gửi đơn đến cơ quan chức năng, đề nghị Công ty Tân Phú giao trả diện tích đang sử dụng cho di tích và chính quyền địa phương cũng nhận thấy nguyện vọng đó là có cơ sở, việc giao lại đất cho chùa Huyền Kỳ là đúng quy định của Luật Di sản văn hóa. 

Giải quyết sự việc trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố đã xem xét và nêu rõ: Do việc liên doanh, liên kết giữa Công ty Tân Phú và HTX chưa đầy đủ về thủ tục, vị trí khu đất Công ty Tân Phú sử dụng nằm trong khu vực bảo vệ di tích nên phải di chuyển và giao UBND quận Hà Đông bố trí, giới thiệu địa điểm cho Công ty Tân Phú; khi lập hồ sơ thu hồi đất của HTX, quận Hà Đông phải lập phương án bồi thường tài sản của Công ty Tân Phú.

Cuối năm 2009, UBND quận Hà Đông báo cáo UBND thành phố Hà Nội về địa điểm di chuyển cho Công ty Tân Phú tại lô đất SX2, thuộc xứ đồng Trại, Tràng Cày của phường Phú Lãm nhưng không được UBND thành phố chấp thuận, vì theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt thì khu đất đó nằm trong khu vực hành lang xanh dọc tuyến đường Vành đai 4. 

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông thừa nhận: Việc bố trí địa điểm cho Công ty Tân Phú vẫn đang bế tắc do các điểm CN, TTCN trên địa bàn quận không còn chỗ trống. Trong khi đó, kế hoạch sử dụng đất ở phường Phú Lãm chưa được phê duyệt, vì còn phải chờ quy hoạch chung của quận Hà Đông và thành phố Hà Nội. 

Việc bố trí, giới thiệu địa điểm mới cho Công ty Tân Phú là trách nhiệm của UBND quận Hà Đông, song trong lúc chờ quy hoạch được phê duyệt, đề nghị các cơ quan chức năng rà soát lại nhu cầu sử dụng đất thực tế dành cho sản xuất của DN trên cơ sở quy mô, năng suất lao động, doanh thu thực tế… để bố trí diện tích phù hợp, tránh lãng phí.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây