Tóm sống “rắn thần”
Chuyện kể rằng, cách đây hơn một năm, ông Nguyễn Văn Thảo, người thôn Kính Nỗ có bắt được một con rắn màu xám, to bằng bắp tay. Điều đặc biệt là trên đầu nó có cái mào đỏ chót như mào gà. Ông Thảo sợ con rắn cắn nên đã lấy kim chỉ khâu miệng rắn lại rồi mang ra chợ bán.
Nhưng kì lạ là dù đã rao bán khắp nơi, nhưng không một ai mua con rắn của ông. Một số người buôn rắn xem xong rồi lắc đầu quay đi. Một số tay buôn rắn lâu năm ngắm nghía con rắn xong rồi khuyên ông lên thả con rắn đi. Theo họ, loài rắn có mào thường là loại rắn thần bảo vệ đình, miếu, không lên động vào.
Nhà ông Thảo, nơi anh Toàn “hóa rắn”.
Nghe những lời khuyên rùng rợn như vậy, ông Thảo đâm hoảng. Ông liền xách con rắn về nhà và thả con rắn ra cái nơi mà ông đã bắt được nó. Tuy nhiên, ông đã quên làm một việc, đó là tháo chỉ khâu miệng nó ra.
Tưởng việc thả con rắn đến đấy là xong, nhưng cũng từ đó, gia đình ông gặp rất nhiều chuyện kỳ lạ, khiến ông tin rằng: Mình đã bắt nhầm phải Thần Rắn!
Một ngày cuối năm 2010, người con trai lớn của ông Thảo tên Toàn năm nay đã gần 30 tuổi bỗng dưng có biểu hiện lạ kiểu bị “ma nhập”. “Anh bỗng dưng không nói không rằng mà cứ bò trườn khắp nhà như con rắn. Bò xong anh lại cuộn tròn người nằm dưới gầm tủ, mắt trợn tròn, đỏ lòm, lưỡi thè dài ra. Rồi anh đòi ăn trứng gà sống” - chị Hoa, vợ anh Toàn vẫn nổi da gà khi kể lại câu chuyện hãi hùng của chồng mình.
Người nhà đưa ra quả trứng gà nào là anh Toàn trườn tới, dùng miệng cắn nát quả trứng rồi nuốt chửng, ngon lành như một con rắn. Ăn xong anh Toàn lại bò khắp nhà, rồi miệng không ngừng nói: “Ta là rắn thần đây, sao chúng mày dám khâu miệng ta lại”. Người nhà ông Thảo sợ quá, liền cho người đi gọi bà Còng – một bà lão đồng cốt ở làng bên đến để cúng giải hạn.
Anh Thành – công an viên xác nhận chuyện xây miếu Long Thần là có thật.
Vừa mới đến nơi, bà Còng đã hốt hoảng: “Chết rồi, nhà ông làm việc gì phạm phải Thần Rắn rồi!”. Lúc này ông Thảo mới giật mình nhớ tới chuyện bắt được con rắn có mào đỏ, thả nó đi mà quên chưa tháo chỉ ở miệng cho rắn, nên bây giờ thần rắn mới “nhập” về con trai ông báo oán!
Chuẩn bị đồ nghề cúng bái xong gồm 10 quả trứng sống, muối, gạo, rượu trắng, tiền vàng lễ và một số thứ vàng mã khác, bà Còng bắt đầu cúng giải hạn, xin “Thần Rắn” buông tha khỏi người anh Toàn.
Cúng bái suốt cả buổi, người anh Toàn không còn bò trườn nữa mà nằm mềm ra như bún. Anh dần tỉnh táo trở lại. Mọi người hỏi chuyện anh có nhớ mình vừa làm gì không thì anh lắc đầu kêu không nhớ, chỉ kêu mệt và… buồn nôn. Sau đó anh nôn ra toàn dịch trứng gà sống! Chuyện gia đình ông Thảo kể như thế, còn thực hư ra sao, thần thánh ma quỷ thế nào, thì chưa kiểm chứng được.
Theo lời ông Thảo, tưởng cúng bái như thế là thoát nạn, nhưng có vẻ “Thần Rắn” vẫn chưa buông tha anh Toàn. Thỉnh thoảng anh Toàn lại giở chứng, bò khắp nhà và đòi ăn trứng gà sống. Ông Thảo biết “rắn thần” lại đang đói. Vì miệng “rắn thần” chưa được cởi bỏ nên không thể kiếm được thức ăn. Và cứ lúc đói thì “rắn thần” lại “nhập” vào người anh Toàn để phạt vạ! Cả gia đình ông liền kéo đến điện thờ của bà Còng khấn vái, mong “thần rắn” buông tha cho gia đình ông.
Ngôi miếu Long Thần.
Rùng rợn ngôi miếu Long Thần
Hôm ấy, cả gian điện thờ của bà Còng chật cứng người đến xem cảnh anh Toàn “hóa rắn”. Sau khi bà Còng cúng xong, anh Toàn lại bị “thần rắn nhập vào”, bò trườn khắp điện khiến ai cũng hoảng hồn.
Sau khi cho anh Toàn ăn trứng gà sống, người anh Toàn bỗng biến sắc, anh ngồi dậy và phán: “Ta là Thần coi làng ở đây đã bao năm nay. Con rắn thần của ta đã trông giữ cho cả cái làng này, vậy mà các ngươi dám khâu miệng nó lại… Bây giờ phải lập Miếu thờ nó”.
Người nhà ông Thảo hốt hoảng hỏi muốn lập miếu ở nhà, ở chùa, “ngài” đều không đồng ý. Theo ý “Thần” thì Miếu phải xây ở gốc cây đa ở giữa làng, cũng chính là nơi mà ông Thảo đã bắt được con rắn có mào.
Bên trong Miếu lúc nào cũng có trứng gà.
Sau khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương cũng như tham khảo ý kiến của các vị cao niên trong làng, gia đình ông Thảo tiến hành xây miếu thờ tại vị trí gốc đa giữa làng, nằm liến kề trên đất của nhà văn hóa thôn.
Chúng tôi đã trao đổi với anh Nguyễn Văn Thành, công an viên phụ trách thôn về câu chuyện trên. Anh Thành vốn không tin vào chuyện ma quỷ, mê tín dị đoan. Tuy nhiên, anh cũng như bất kì người dân nào trong thôn đều có thể xác nhận câu chuyện anh Toàn biến thành “rắn” là có thật. Rồi anh đưa chúng tôi ra tận nơi xem miếu Long Thần.
Ngôi miếu có chiều cao 2,50m, rộng 1,8m sâu 0,8m. Miếu nằm dưới gốc cây đa cổ ở giữa làng đúng như yêu cầu của “thần rắn”.
Vào buổi khánh thành ngôi miếu, lúc mọi người vừa cúng vái nhập thần xong, thì bỗng từ đâu, một con rắn rất to bò đến khiến mọi người vô cùng hoảng sợ. Con rắn trườn quanh ngôi miếu một lượt rồi bò lên nóc. Ông Thảo cùng mọi người càng ngạc nhiên hơn khi trông thấy trên miệng con rắn vẫn còn vương những sợi chỉ mảnh mà ông Thảo đã khâu trước đó, khiến mọi người càng tin sự linh thiêng của rắn thần. Ngôi miếu được đặt tên là miếu Long Thần với sự kính cẩn và khiếp sợ của người dân trong làng.
Kể từ ngày xây Miếu đến nay, nhà ông Thảo vẫn thường xuyên trông nom việc thờ cúng miếu Long Thần. Trong không gian nhỏ của gian Miếu ngoài tiền vàng, hương hoa, lúc nào cũng có 10 quả trứng gà sống, 1 đĩa gạo và một đĩa muối trắng. Thỉnh thoảng, những quả trứng trong miếu bị mất dần, người ta đồn nhau là do “rắn thần” đến ăn.
Loài rắn vốn nổi tiếng linh thiêng và được thờ ở nhiều nước, nhưng đến nay, vẫn chưa ai khẳng định có đủ bằng chứng về sự tồn tại của loài rắn có mào đỏ chót như mào gà.
Theo như câu chuyện của các cụ cao niên trong làng thì rắn có mào là loài rắn thần, còn được gọi là Rồng, có nguồn gốc rất thần bí. Rắn chỉ xuất hiện ở những nơi linh thiêng hoặc những nơi đất lành... Vì thế, không ai được phép xâm hại đến loài rắn thần này cả.
Cho đến nay, câu chuyện về miếu Long Thần vẫn được người dân xã Uy Nỗ rỉ tai nhau một cách kính cẩn và hoang mang sợ hãi.
Nguồn tin: VTC
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự