Cụ bà 16 năm bán vé số nuôi sĩ tử đi thi

Thứ sáu - 15/07/2011 21:07
Nhận sĩ tử về nhà, hằng ngày, từ 5h sáng, cụ Hồng đã thức dậy nấu nướng và gọi các em dậy học bài, ăn sáng để đi thi. Sau đó, cụ bươn bả ra phố bán vé số. Trưa lại ghé chợ mua cá tươi, thịt, rau... mang về làm cơm trưa chờ các em. Bữa nào về không kịp, cụ phải ghé quán cơm bình dân mua cơm hộp.

Ở nhà thuê, bán vé số kiếm sống qua ngày, vậy mà đã hơn 16 năm qua, cứ đến mùa thi là cụ bà Hoàng Thị Hồng lại nhận nuôi từ 8-12 sĩ tử nghèo từ mọi miền đất nước về TP Đà Nẵng dự thi vào ĐH, CĐ. Thiếu tiền đong gạo, mua thức ăn, cụ Hồng lại chạy đôn, chạy đáo vay mượn mua nấu cho các em ăn để có sức đi thi; dù sau đó phải rong ruổi khắp nẻo đường bán vé số trả nợ. Có không ít người khâm phục, kính trọng cụ Hồng về tấm lòng cao cả, tôn vinh cụ là vị Bồ tát sống. Song, với cụ Hồng, suy nghĩ về việc làm của mình thật đơn giản: "Tui nghèo nên hiểu được nỗi khổ của các cháu học sinh nghèo...". 

Chiều 4/7, ngày thi đầu tiên của kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2011, Đại úy Nguyễn Đình Tấn, cán bộ Công an phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, dẫn tôi đến nhà cụ Hồng. Trên đường đi, Đại úy Tấn bảo: "Hồi trưa cụ Hồng ra quán mua cơm hộp cho các em học sinh trọ ở nhà cụ ăn để tiếp tục thi buổi chiều, do bởi hồi sáng cụ phải đi bán vé số. Chiều nay, chắc cụ đang ở nhà... Bình thường, không có ngày nào cụ ở nhà. Sáng sớm đã đi, tối mịt mới về". 

Khi đặt chân vào ngôi nhà số 22 Lê Quang Sung, thuộc tổ 36, phường Xuân Hà, nơi cụ Hồng đang ở, tôi ngỡ đây là nhà riêng của cụ. Nhưng hỏi ra mới hay là nhà cụ thuê. "Nhà ni tui thuê đã 4 năm rồi. Chủ nhà đang sống ở TP Hồ Chí Minh. Cứ 3 tháng tui thanh toán tiền một lần là 7,5 triệu đồng".


Đoạn cụ Hồng cười sung sướng: "Trước đây tui thuê nhà nhỏ hơn nhà ni, cũng ở tổ này để ở. Năm nào tui cũng nhận các cháu học sinh nhà nghèo đi thi về ở trong suốt kỳ thi. Có năm 8 đứa, cũng có năm 10-12 đứa. Từ khi về nhà ni, tui chú ý mới thấy mấy đứa nhỏ ở đây đi thi phần đông đều đậu đại học. Thường 12 đứa thì có ít nhất 10 đứa thi đậu. Vào đại học, ở tập thể, thỉnh thoảng các cháu đến thăm tui nên tui biết rõ là vậy...".

Bằng chất giọng người Huế, cụ Hồng kể cho tôi nghe về cuộc đời đầy đau khổ, cơ cực của mình. Quê gốc của cụ ở xã An Chữ, huyện Hương Điền, Thừa Thiên - Huế. Cất tiếng khóc chào đời được chừng 3-4 tháng tuổi cụ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ và được một tài xế lái xe đường dài nhận mang về Đà Nẵng, bán lại cho một gia đình khá giả làm con nuôi. 

Năm 14 tuổi, ba mẹ nuôi cũng qua đời, kể từ đó cụ phải ra khỏi nhà ba mẹ nuôi, bôn ba trên nẻo đường phố kiếm sống. "Tui bán bánh mỳ, bánh chưng, xách nước thuê... làm tất cả mọi việc không kể nặng nhọc để kiếm miếng ăn. Tối tối tui ngủ ở hiên nhà người ta. Cho tới khi tui 19, 20 tuổi thì biết buôn gánh rau hành từ chợ Cồn về chợ Hàn, đêm đêm được một gia đình tốt bụng cho ngủ nhờ... Đến lúc dành dụm được tiền, tui thuê nhà để ở và buôn gánh bán bưng để mưu sinh. Chừng 20 năm trở lại đây, tui thuê nhà bán vé số dạo...". 

Cụ bà đã bước vào tuổi 80, tóc bạc trắng phau, đôi mắt dường như cũng đã mờ đục theo thời gian, rưng rưng ngấn lệ: "Tứ cố vô thân, không gia đình, không họ hàng thân thích, tui đã trải qua bao cơ cực từ ngày thơ ấu, đến thời xuân sắc và nay đã gần đất xa trời nên càng thương những người cùng cảnh ngộ nghèo khó như mình. 16 năm nay tui nhận các cháu học sinh nghèo đi thi về nuôi trong mỗi mùa thi, không một chút so tính thiệt hơn, trái lại lòng thấy thanh thản lắm!...". 

Theo lời cụ Hồng, lần đầu tiên cụ quyết định nhận sĩ tử đi thi rất tình cờ. Hôm đó cụ bán vé số trước một cổng trường, khi đang chuẩn bị kỳ thi đại học. Cụ thấy một thí sinh đến nộp tiền lệ phí thi và tiền xe cộ đến trường, trong túi sạch nhẵn tiền.

Nhìn cậu bé nhà nghèo đi thi đứng tần ngần, đơn độc, cụ không đành lòng bước lại hỏi thăm quê quán, gia đình rồi dẫn về nhà mình đang thuê ở cho em nghỉ ngơi ăn uống để chuẩn bị đi thi. Và kể từ đó, cụ gắn bó với việc thiện, cứ tới mùa thi là tự nguyện tìm đến tổ thanh niên tình nguyện giúp sức mùa thi của phường để đăng ký nhận sĩ tử về nuôi... 

Nhận sĩ tử về nhà, hằng ngày, từ 5h sáng, cụ Hồng đã thức dậy nấu nướng và gọi các em dậy học bài, ăn sáng để đi thi. Sau đó, cụ bươn bả ra phố bán vé số. Trưa lại ghé chợ mua cá tươi, thịt, rau... mang về làm cơm trưa chờ các em. Bữa nào về không kịp, cụ phải ghé quán cơm bình dân mua cơm hộp. 

Cụ Hồng tâm sự: "Tui bán vé số dành dụm tiền được bao nhiêu cũng mang ra đong gạo, mua sắm thức ăn cho các cháu ăn, uống dự thi. Không có tiền thì vay, mượn rồi đi bán vé số kiếm tiền trả nợ sau. Tui không muốn các cháu về ở với tui phải chịu cảnh nhịn đói đi thi...". 

Đã 16 năm qua, cứ đến mùa thi, ngôi nhà cụ Hồng thuê ở lại đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ của các sĩ tử. Và sau mỗi mùa thi, số học sinh thi đậu đại học, cao đẳng tựu trường, thỉnh thoảng tranh thủ viếng thăm ân nhân của mình.

Họ lại mang đến cho cụ tiếng cười, nói vui vẻ, vô tư của con trẻ... Và tôi, bắt gặp nụ cười rạng rỡ trên gương mặt hằn in những nếp nhăn của cụ Hồng, chợt nhớ đến tâm sự của một nhà văn nào đó, rằng cuộc sống quanh ta luôn có rất nhiều người tốt. Những con người ấy thường lặng lẽ tận hiến cho đời bao điều tốt đẹp..

Nguồn tin: CAND

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây