Đền, chùa Hà Nội đang bị xâm lấn

Thứ tư - 20/07/2011 13:27
Chùa là chốn thanh tao, tĩnh mịch, là nơi để con người tìm lại mình trong cuộc sống vồn vã. Thế nhưng, vài năm nay, nhiều ngôi chùa ở Hà Nội đang bị những hoạt động trần tục xâm lấn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cảnh quan, sự tôn nghiêm nơi cửa chùa.

Hàng quán xâm hại di tích

Chùa Vĩnh Trù (phố Hàng Lược) được xây dựng từ thời Nguyễn, đây là ngôi chùa hiện thờ Phật và cả thờ Thánh. Chùa Vĩnh Trù đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử nghệ thuật văn hóa vào năm 1994. Thế nhưng, sáng sớm, cổng chùa Vĩnh Trù đã bị án ngữ bởi những bàn nhựa cho thực khách ăn phở, cháo, bún của 3 hàng quán sát cửa chùa. Chị Minh, một thực khách vừa ghé vào ăn phở cho biết: “Tôi bị bà chủ chỉ sang đây ngồi, bàn bên quán đã hết chỗ rồi”. Khi được hỏi chị có cảm giác thế nào khi ngồi ăn ở sát cửa chùa, thì chị Minh bảo, quen rồi nên không có suy nghĩ gì.


Chùa Vĩnh Trù đang bị xâm lấn

Bước vào trong chùa là một thế giới trần tục xen kẽ thế giới tâm linh. Những chiếc xe máy hiệu Dylan, SH to uỳnh án ngữ cửa ra vào chùa Vĩnh Trù. Bên ngoài sân chùa rộng chừng 20m2 đã bị người ta dùng làm nơi cất giữ đồ hàng mã.

Đặc biệt, những người xâm lấn còn đun nước, nấu cơm ngay dưới tấm biển bằng bê tông: “Di tích lịch sử nghệ thuật chùa Vĩnh Trù đã xếp hạng cấm vi phạm”. Bia tưởng niệm các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các liệt sĩ phường Hàng Mã cũng bị những tấm biển quảng cáo, những chiếc tải đựng hàng hóa ngự trị. Chiếc bàn để đặt bát hương và đồ thờ đã xuống cấp và trông rất lem luốc.

Tại chùa Thái Cam (44 Hàng Vải) tình cảnh còn bi đát hơn. Những cửa hàng bán thang tre còn dựng cả vào mái chùa khiến những viên ngói đã mục nát vì thời gian nay có nguy cơ lung lay, rơi vỡ. Những quán trà đá dày đặc ven tường bao quanh chùa. Cổng chùa Thái Cam có một mái hiên rộng đủ để che mưa, nắng cho chục người.

Một quán nước cũng mọc lên và ngang nhiên phục vụ khách ngồi uống nước giữa cổng chùa. Một ông thợ cắt tóc cũng không ngần ngại đóng đinh treo gương, bắc ghế cắt tóc cho khách ngay cổng ra vào. Chùa Pháp Bảo Tạng cũng đang bị một hàng cháo án ngữ ngay cửa ra vào. Chùa này không có cổng mà chỉ có 2 cánh cửa nối vỉa hè và gian giữa ban thờ của chùa.


Cổng chùa bị xe máy bịt lại

Theo khảo sát thực tế của phóng viên thì những ngôi chùa nổi tiếng của Hà Nội mang tên của những con đường như chùa Hà (phố Chùa Hà), chùa Láng (phố Chùa Láng), chùa Bộc (phố Chùa Bộc) cũng bị những hàng ăn, mía đá án ngữ và làm vấy bẩn. Buổi tối, những quán mía đá lại được dựng lên ngay cổng chùa Láng. Chủ quán luôn chỉ cho khách chỗ dựng xe là… cổng chùa, nếu khách nào muốn vừa ngồi trong chùa vừa thưởng thức cốc mía đá thì chủ quán ngay lập tức phục vụ. Cảnh mua bán, ăn uống tạp nham diễn ra hỗn loạn ngay cổng chùa và trong chùa.

Đền Vọng Tiên (phố Hàng Bông) thì cái nghi môn đã bị “bán đứng” cho 2 cửa hàng, người đi chùa không thể ra vào bằng 2 cửa ấy. Khách thập phương đi tản bộ qua đây đều tò mò sao trên nóc của 2 cửa hàng kia lại có đỉnh của cổng tam quan. Thực ra, cái cổng đó đã được xây khá lâu và 2 cửa hàng đó mới dựng lên trong mấy năm nay làm chỗ buôn bán quần áo. Khi phóng viên hỏi “cửa hàng chị mở lâu chưa?” thì nhận được một câu trả lời kiểu giang hồ: Mua thì xem, không mua thì biến đi, hỏi nhiều.

Nhà nghiên cứu nói gì?

Bức xúc trước vấn đề này, Giáo sư Trần Lâm Biền (Cục Di sản – Bộ VH-TT&DL) nói: “Trước hết xuất phát từ tín ngưỡng, các di tích bị xâm lấn ít nhiều đã bị rải thiêng và giá trị văn hóa của nó hầu như ít được quan tâm. Nếu như di tích được xếp hạng thì giá trị văn hóa đó được xác nhận và người ta phải tôn trọng giá trị ấy theo pháp luật.

Đồng thời người tu hành ở đấy phải giữ được đạo đức của mình để chúng sinh nhìn vào đấy là nhìn thấy thần thánh. Nếu người con trực tiếp của thần thánh không làm gương thì dân sẽ xâm lấn. Đó là điều tất yếu của xã hội đời thường, nhất là hiện nay tấc đất, tấc vàng thì người ta sẽ xâm lấn là điều đương nhiên”.

Theo Giáo sư Biền, một khi những người ấy lơ là việc tâm linh mà chú ý nhiều đến vấn đề kinh tế thì đó là kẽ hở lớn nhất để cho sự xâm lấn. Bởi chính quyền không phải lúc nào cũng có ở đấy để họ thực thi pháp luật. “Hôm nay nó thò một chân vào, ngày mai nó thò nửa người vào, và không lâu sau là thò cả người vào” – Giáo sư Trần Lâm Biền bức xúc.

Bất kể một di tích văn hóa nào được xếp hạng đều có quy định khu vực (khu vực 1 và 2) để đảm bảo cho di tích ấy giữ được ở mức tương đối vẻ đẹp của nó và tinh thần văn hóa cha ông. Trước vấn nạn này, Giáo sư Biền cho ý kiến rằng: Đừng giải quyết từng sự việc mà phải giải quyết sao cho ổn thỏa hai điều: Chính sách được sáng tỏ và tâm con người đối với đạo phải trong sáng. Hai điều này không được thực thi thì mọi tiêu cực dù có nói đến mấy nó vẫn cứ xảy ra và cứ phát triển.

“Một trong mà các nguyên nhân những ngôi chùa ở Hà Nội bị xâm lấn là do mật độ dân cư quá cao. Để giải quyết vấn đề này, chiều ngày 6/7, UBND thành phố Hà Nội đã làm việc với các sở, ban, ngành để giãn dân phố cổ quận Hoàn Kiếm. Hiện tại, mật độ dân cư ở phố cổ là 82.300 người/km2, quy hoạch đến năm 2020 chỉ còn 50.000 người/km2.

Vì vậy, đến tháng 8, thành phố Hà Nội sẽ chuyển khoảng 1.800 hộ dân (tương đương 7.200 người dân) ra khỏi khu phố cổ sang định cư tại Khu Đô thị mới Việt Hưng (Long Biên). Đề án giãn dân ngoài mục đích an sinh còn có tác dụng giảm tải số lượng người sinh hoạt quanh những di tích như đền, chùa. Điều này sẽ là một dấu hiệu đáng mừng để những di tích linh thiêng chốn Hà thành được trả lại nguyên dạng vốn có”.

Nguồn tin: PetroTimes

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây