Truyền thuyết kể lại rằng, Quang Hoa Mã Nguyên Súy chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, được nghe thuyết pháp tụng kinh nhiều và trở thành môn đệ Phật gia. Tuy nhiên, do tính “hỏa” nên không giữ được nghiêm giới luật, phải xuống trần đầu thai vào nhà họ Phùng. Khi đắc đạo, thần được về trời làm môn đệ của Ngọc Hoàng Thượng Đế, chuyên việc trừ hỏa tai và được coi là “ông Tổ nghề phòng cháy chữa cháy”.
Quang Hoa Mã Nguyên Súy được thờ tại đền Hỏa thần, tọa lạc tại số 30 phố Hàng Điếu (Hà Nội). Đây là ngôi đền duy nhất ở Việt Nam thờ ông tổ nghề phòng cháy chữa cháy, được biết, cho đến thời điểm này.
Sử sách ghi lại, những dãy phố phía tây của khu 36 phố phường hồi thế kỷ 19 chủ yếu là nhà tranh tre nứa lá, nên hỏa hoạn xảy ra thường xuyên. Năm 1828, đầu năm xảy ra vụ cháy 200 nhà, giữa năm cháy 1420 nhà của 27 phường. Đến năm 1837, lại cháy thêm 1400 ngôi nhà nữa! Cả vạn dân mất sạch cơ nghiệp. Đến những năm 1885 vẫn còn cháy rất nhiều, có vụ cả nhà Tổng đốc thành Hà Nội còn suýt chết cháy nữa là dân cư!
Đền thờ Hỏa Thần tại phố Hàng Điếu (Hà Nội). Ảnh: Hanoi.ws
Hỏa hoạn là tai họa đáng sợ nhất, nhưng lại khó tránh khi toàn nhà lợp tranh. Vì thế, sau vụ cháy lớn năm 1837, cùng với việc chủ động phòng cháy chữa cháy, năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), người dân đã lập ngôi đền thờ Hỏa thần - Quang Hoa Mã Nguyên Súy, cầu xin Thần lửa không gây họa.
Đền Hoả Thần nằm ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội, lúc đầu chỉ bằng tranh nứa sơ sài. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được trùng tu với nguyên vật liệu bền vững, quy mô rộng rãi hơn. Năm 1848 lại xây thêm phương đình và tiền tế. Trước đây, trong đền có một quả chuông to, bằng đồng, hễ có hoả thoạn thì thỉnh chuông lên, Hoả thần nghe thấy sẽ về trừ hoả hoạn...
So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hoả Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm tiền tế, phương đình và cung cấm, trong đó, kiến trúc phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất. Các con rường được chạm nổi văn mây lá lật, mỗi đầu kê đều trang trí cánh sen, mỗi đầu dư đều thể hiện hình đầu rồng. Các bức ván trong giá chiêng chạm nổi đề tại phương trong tư thế đang bay.
Bốn bức tượng nghê dưới câu đầu được thể hiện giống nhau với hình thức cách điệu cao, rất gần gũi với các tượng nghê trên kiến trúc phương đình đền Bạch Mã và đền Thanh Hà thuộc khu phố cổ Hà Nội.
Tiền tế là một nếp nhà ngang ba gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tai ngai, mái phủ tôn giả ngói mũi hải cổ. Đầu hai tường xây trụ biểu cao, đặt tượng Nghê. Bộ khung đỡ mái bằng gỗ với bốn bộ vì làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Các kết cấu gỗ trong bộ khung nhà được bào trơn, bào soi tạo ra sự nhẹ nhàng cho kiến trúc. Hai đầu tường hồi gắn hai tấm bia đã ghi lại việc xây dựng và trùng tu sửa chữa di tích. Trên cửa ra vào treo bức hoành phi “Hỏa Thần Từ” làm vào tháng trọng xuân năm Giáp Tý, đời vua Tự Đức (tháng 2 năm 1864).
Tư tưởng và giáo lý của nhà Phật đã được kết hợp hài hóa với tín ngưỡng dân gian bản địa trong tinh thần “Hộ quốc - An dân”, do vậy cấu trúc xây dựng cũng như bài trí ban thờ “Tiền Phật, Hậu Thánh Thần” là cấu trúc phổ biến trong chùa cũng như đền, miếu ở miền Bắc nước ta. Cách bố trí thờ phụng trong đền Hỏa Thần như sau: Trong cùng là tòa Hậu cung có ban thờ Thần Hỏa và hai pho thị giả: Thiên Lý Nhãn (nhìn thấy khắp nơi), Thuần Phong Nhĩ (nghe thấu mọi điều).
Tiếp theo phía trong của tòa Phương Đình là ban thờ Mẫu (Tam tòa Thánh Mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) và ngũ vị Tôn Ông….Chính giữa của phương đình là Ban thờ Phật, Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát. Hai bên có câu đối thể hiện tư tưởng của Phật giáo Việt Nam: ““Pháp hiện ngũ thông, hách trạc linh thanh đằng Bắc địa/Đạo thành tam muội, ân ba đức trạch phổ Nam Thiên”. Tạm dịch: “Phật pháp thần thông, tắm tưới muôn nơi tràn đất Bắc/Đạo thành chính quả, ân đức sâu dầy khắp trời Nam”.
Đền Hoả Thần được công nhận là di tích lịch sử - văn hoá năm 1996. Trước đây, lễ hội đền Hoả Thần được tổ chức vào tháng 2 và tháng 8 (xuân thu nhị kỳ). Các ngày 28/3 và 28/9 hàng năm là ngày sinh, ngày hoá của thần. Và Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng nhìn chung nơi đây vẫn còn giữ được đặc trưng của phong cách kiến trúc, mỹ thuật đời Nguyễn ở nửa cuối thế kỷ 19, đầu 20, đồng thời có sự kế thừa của các thế kỷ trước.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự