Học đạo làm người nơi cửa Phật

Thứ hai - 08/08/2011 07:24
Bốn giờ rưỡi sáng, khi trời đất vẫn còn chìm trong màn sương sớm, hàng trăm thanh, thiếu niên đầu chưa xuống tóc tề tựu tọa thiền đông đủ trong nhà Tổ của Thiền viện Di Ðà (Xã bạch liên, huyện thường tín, hà nội). Có cậu bé mới chừng tám tuổi, khuôn mặt bầu bĩnh, đang "lén lút" nhẹ nhàng xoa đôi bàn chân hằn đỏ. Có lẽ em chưa bao giờ phải ngồi lâu như thế này...

Một ngày trong cửa Phật 

Ðó là bước khởi đầu một ngày của gần 400 bạn trẻ đang tham gia khóa tu học hè tại Thiền viện Di Ðà. Sau khoảng một giờ ngồi thiền, các em trở lại phòng, thu xếp chăn màn giường chiếu và tập thể dục. Ðến sáu giờ, các em được chia thành nhiều nhóm quét dọn sân vườn. Tám giờ, các em chuẩn bị sách vở lên giảng đường. 

Bài giảng không phải là những giáo lý cao siêu hay những học thuyết hàn lâm, kinh viện. Mọi giáo lý nhà Phật đều được "chuyển thể" thành những bài dạy dễ hiểu, gắn liền với cuộc sống. Ðó có thể là một bài hát, hoặc những trò chơi giải đoán ô chữ... Sư cô Tâm Long đang giáo huấn về hạnh chân thật: "Chân thật là không nói dối. Trước khi hiểu vì sao phải chân thật, chúng ta phải tìm hiểu qua việc nói dối. Phần lớn, người ta nói dối vì hai mục đích: vì lợi ích của mình và vu khống để hại người...". 

11 giờ, gần 400 học sinh cùng ùa về nhà ăn. Hàng chục mâm cơm chay đã được dọn sẵn. Ở nhà, nhiều em sẽ lập tức chiều theo cái bụng đang đói meo. Nhưng ở đây, trước mỗi bữa ăn các em phải đọc một bài kệ "để nhớ tới công ơn người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo nuôi sống chúng sinh".

Gần 400 cô bé, cậu bé (từ sáu đến 17, 18 tuổi) đồng loạt đưa đĩa cơm lên cao ngang trán làm lễ chừng 10 phút. Vào mỗi buổi chiều, để khép lại một ngày tu tập trong chính nghiêm, các em thiền tịnh, "để tĩnh tâm lắng lại những hạt giống buồn đau trong tâm hồn", cũng như giúp các em cân bằng lại tinh thần sau những ngày học tập căng thẳng.

Những câu kinh, những bài học giáo lý đạo Phật thấm vào lòng, "khiến bầy trẻ tin sâu vào nhân quả, giúp con người chúng không thể độc ác, không thể vô ơn, và để biết yêu thương tôn trọng giúp đỡ lẫn nhau". 

... Ðể sẵn sàng vào đời 

Sư cô Tâm Long cho biết: "Tôi đã từng đi giảng Phật pháp ở nhiều nơi, nhưng những lớp học của khóa tu mùa hè luôn mang đến cho tôi một sự hứng thú đặc biệt. Các em đều còn trẻ tuổi và trẻ lòng. Các em đều mạnh dạn và rất tự nhiên. Tất cả những băn khoăn trong lòng, những vấn đề trong cuộc sống các em đều thoải mái bộc lộ, tranh luận sôi nổi". Trong mỗi buổi học, sau thời gian thụ giảng, các bạn đều có phần diễn đàn bàn luận về những vấn đề xoay quanh bài học. Như thế những giáo lý nhà Phật sẽ không còn nặng nề, cao siêu và khó cảm thụ nữa. 

Các "tu sĩ" trẻ, khi nhập học tại đây, ngoài việc mang theo vài bộ áo quần, đồ dùng cần thiết, sẽ không được phép sử dụng tiền bạc, điện thoại di động, máy vi tính. Ngoài những giờ học giáo lý nhà Phật, các em còn được học hát, diễn kịch và nhiều hoạt động giúp vận động cơ thể thoải mái. "Tiểu tu sĩ" Trần Minh Hoàng (11 tuổi, Hà Nội) kể: "Ở đây, em được học rất nhiều điều để áp dụng vào cuộc sống, như thương cảm khi chứng kiến những số phận kém may mắn hơn mình...".

Sau hai tuần, Hoàng đã thuộc làu làu nhiều đoạn giáo lý trong đạo Phật, được các sư thầy khen ngợi. Nhưng, những bài học chân thực nhất mà cậu bé học được là: Hiếu kính với cha mẹ, vị tha với mọi người, và hơn cả là lòng yêu nước...

Những chuyện đơn giản như quét sân, quét nhà cũng chứa đựng nhiều bài học bổ ích, để các em hiểu rằng con người muốn tồn tại và phát triển cần phải học tập để có tri thức, phải lao động để nâng cao sức khỏe... 

Khóa học không mang tính phong trào mà xuất phát từ tình yêu thương. Niềm mong muốn lớn lao nhất của Ðại đức Thích Minh Huân (trụ trì Thiền viện Di Ðà) là giúp các em nên người. "Mỗi em đến đây có một lý do khác nhau, có người muốn tĩnh tâm, cân bằng cuộc sống; có em cần "cai game", "cai in-tơ-nét"; có người chỉ vì tò mò...

Nhưng qua những buổi sinh hoạt chung, qua những buổi học ngồi thiền, nghe giảng Phật pháp, qua cách tự phục vụ bản thân trong sinh hoạt (giặt quần áo, rửa bát...) trẻ sẽ có ý thức trân trọng thức ăn, sẽ được tĩnh tâm và rèn luyện nhân cách". 

Xu hướng người trẻ lên chùa "học Phật" tuy không còn là mới, nhưng hằng ngày, khi đời sống giới trẻ vẫn đang bị những trò tiêu khiển không lành mạnh "xâm lấn", khi không gian vui chơi bị bó hẹp, thì việc các bậc phụ huynh gửi con vào cửa chùa trong những ngày hè đã trở nên phổ biến. Sau thời gian khoảng ba tuần xa gia đình, xa bạn bè, tham gia vào khóa tu học đạo đức mùa hè, hầu hết các bạn trẻ đã trưởng thành hơn trước những khó khăn của cuộc đời, và thuận lợi hơn trong việc theo đuổi những ước mơ trong tương lai. 

Không phải bất cứ bạn trẻ nào đến cửa Thiền viện Di Ðà này cũng có thể trụ lại và vượt qua chính mình. Cũng đã có những trường hợp mà các sư thầy không thể giành giật lại từ cạm bẫy của những thói hư tật xấu, và đành khước từ nhằm duy trì và bảo đảm bầu không khí trong lành nơi cửa Phật. Song, dù sao, khi ngoảnh lại nhìn cánh cổng gỗ nâu ấy, người ta vẫn thấy lấp lánh những ánh sáng trong trẻo và thuần khiết. Như là khi gấp lại tác phẩm "Những ngọn cờ trên tháp", với những ý tưởng nhân văn rất tương đồng của nhà sư phạm - nhà văn Xô-viết nổi tiếng, An-tôn Ma-ca-ren-cô...

* Ðại đức Thích Minh Huân - trụ trì Thiền viện Di Ðà: "Các thầy cũng phải lựa theo tâm lý của trẻ mà bảo ban dạy dỗ. Vừa lấy lòng bao dung, độ lượng của nhà chùa, vừa lấy kỷ cương của nhà trường để giáo huấn. Việc phổ độ triết lý nhà Phật cũng không thể rao giảng như đối với những người đã quy y mà đôi lúc phải nhẹ nhàng bằng cách lồng ghép những câu chuyện thực tế diễn ra trong cuộc sống".

Nguồn tin: Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây