Hàng mã thời trang hút khách
Càng gần đến lễ Vu lan, không khí mua sắm vàng mã càng sôi động. Chị Trần Thị Thu, bán hàng mã tại chợ Mơ (Hà Nội) cho biết, nhiều nhà chọn ngày làm lễ Vu lan trước Rằm, đồ mã hay sắm là quần áo, giày dép, nhà cửa, xe cộ... Năm nay, giá giấy tăng gấp đôi nên giá hàng mã cũng tăng thêm 20 - 30% (tùy loại) so với năm ngoái, nhưng sức mua không hề giảm. Giá mã truyền thống trọn bộ 50.000 - 100.000đ.
Nhu cầu vàng mã kỹ, nhất là mã cao cấp như biệt thự, xe máy đắt tiền, máy bay, ôtô sang, tivi màn hình phẳng, máy lạnh... ngày càng tăng và bán chạy gấp đôi so với mã truyền thống. Giá mã xe tay ga 100.000 - 150.000đ/chiếc; ôtô sang 150.000đ, biệt thự 200.000 - 300.000 đ/ngôi... Mã rời cao cấp phải đặt trước mới có hàng và giá không dưới 300.000đ/sản phẩm. Đặc biệt, năm nay có "thời trang cõi âm" giống y như thật với mác hàng hiệu nổi tiếng như áo phông body, quần bò ống côn, váy đầm ống... giá 150.000 - 300.000 đ/chiếc. Bên cạnh đó, các đồ lễ cúng chúng sinh như chè lam, kẹo dồi, khoai, lạc, bỏng ngô, bỏng gạo... cũng mua bán rất nhộn nhịp.
Theo Đại đức Thích Minh Sơn, trụ trì chùa Kim Cổ (Hà Nội), đốt vàng mã là nhu cầu tâm linh có từ lâu đời. Nhà chùa cúng đàn cũng dùng vàng mã, đó là tục lệ bắt nguồn từ tín ngưỡng dân gian nên trong chùa không tránh được việc đốt vàng mã. Nhưng nhà Phật không dạy phật tử đốt nhiều vàng mã. Giáo lý Phật giáo giải thích để phật tử giác ngộ mà hạn chế, giảm thiểu thiệt hại về môi trường và kinh tế, lưu giữ nét nhân văn trong văn hoá ngày Rằm tháng Bảy.
"Đốt tiền nôm na như đi phong bao, phong bì, mà Phật thánh không cần thế. Khi đến lễ chùa, đình, đền cái tâm cần nghĩ tới điều thiện, tâm sinh công đức thì hộ pháp hiện thần các ngài gia hộ cho mình. Quan trọng là rèn cho con cái nhân cách, tri thức hành trang vào đời. Cái nhân văn là con người gửi gắm tâm tư tình cảm tới người thân, nếu quá đà sẽ không tốt", Đại đức Thích Minh Sơn nói.
Không cúng xôi gà ở mâm chúng sinh
Theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tục xưa mọi nhà đều sắm 2 lễ để cúng: Lễ cúng gia tiên gồm hương hoa, rượu xôi, mâm cỗ mặn với nhiều món ăn được chế biển cẩn thận, trình bày đẹp, vàng mã, quần áo, hài giấy...
Lễ cúng chúng sinh gồm bánh đa, bỏng, ngô, khoai lang luộc, trứng luộc, kẹo bánh, xôi chè, cháo hoa. Vàng mã, tiền giấy, quần áo chúng sinh... để các vong hồn lang thang ăn rồi không quấy nhiễu đời sống và có thể siêu thoát.
Với người theo đạo Phật thường cúng chay, người không theo đạo thì cúng mặn. Quan niệm dân gian không bắt buộc, nhưng có chọn lọc cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tại nhiều gia đình phật tử sắm lễ cúng chúng sinh ngoài trời gồm tiền vàng, tiền chinh, quần áo chúng sinh, hoa, quả (ngũ sắc), bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc, kẹo bánh, tiền mặt. Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa). Chú ý là khi rải tiền vàng ra mâm, để xòe 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Không cúng xôi gà ở mâm chúng sinh.
Về chuyện phóng sinh nhân ngày Rằm, sư thầy Thích Đàm Trung, chùa Phổ Linh (Tây Hồ - Hà Nội) cho rằng, việc "phóng sinh" chim, cá phải do thành tâm làm phúc, cứu khổ, cứu nạn và được làm trong hoàn cảnh ngẫu nhiên, không phải là dịp định sẵn. Việc "phóng sinh" cũng cần vô tư trong sáng và được thực hiện quanh năm chứ không chỉ vào Rằm tháng Bảy.
Đại đức Thích Minh Sơn cho biết, nhiều nhà mua rất nhiều chim, cá để phóng sinh trong dịp Rằm tháng Bảy, đó không thể hiện được lòng hiếu thuận hay an ủi những vong hồn lưu lạc. Người dân cần có cái nhìn đúng hơn về tục lệ này, không lạm dụng, gây lãng phí tiền của, tổn hại môi trường, biến thành mê tín dị đoan. Phật giáo có thuyết nhân quả, gieo nhân nào gặt quả ấy. Phải tích đức, hành thiện mới tích phúc. Đi săn bắt hoặc mua bán chim thú rồi lại "phóng sinh" là làm trái với tinh thần từ bi của đạo Phật.
“Theo Đại đức Thích Minh Sơn, trụ trì chùa Kim Cổ, quan niệm xưa Rằm tháng Bảy mọi tội nhân cõi âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc đang bị giam cầm nơi địa ngục, được xá tội về thăm con cháu. Do đó, các gia đình đều sắm vàng mã, đồ cúng cầu siêu cho người thân. Đồng thời bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà cho những vong linh không nơi thờ cúng”.
Nguồn tin: giadinh.net.vn
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự