Nếu ai có dịp đi qua phố Văn Cao (hiện nay là con đường Lạc Long Quân) hẳn cũng không ít lần ngoái nhìn pho tượng phật di lặc "khủng". Gần 5 năm qua, pho tượng phật với cái bụng thật lớn, miệng cười hoan hỷ bất diệt, hướng cái nhìn đầy thanh thản bao dung ra con phố tấp nập nơi phồn thị.
Pho
tượng gỗ bệ vệ, được ghép từ hai khối gỗ lớn, trạm khắc tỷ mỉ, mà chỉ dùng
để... chơi chứ không dùng để thờ như vị đại gia này quả là của hiếm. Vừa tò mò,
vừa ngạc nhiên, tôi quyết tâm gặp cho kỳ được vị chủ nhân của pho tượng quý
để... hỏi cho ra nhẽ.
Chủ nhân và bức tượng Phật di lặc.
Cuối cùng, tôi cũng có được một cái hẹn với vị chủ nhân "thích chơi ngông" này. Đó là ông Trần Đức Thuấn, một đại gia có tiếng trong làng sản xuất đồ gỗ.
Ông Thuấn cho hay, trong suốt những năm tháng kinh doanh, "thổi hồn" vào gỗ, pho tượng di lặc chính là tác phẩm mà ông yêu thích và tâm đắc nhất.
Ông Thuấn kể, việc tạc nên pho tượng này cũng nhờ chữ "duyên". Chẳng là trong một lần đi mua gỗ cách đây khoảng chục năm, ông được một số người dân chuyên đi đào gỗ rừng ở Gia Lai giới thiệu một gốc cây đại thụ nặng hơn chục tấn mà họ vừa khai quật được từ lòng đất.
Nhìn khối gỗ khổng lồ, nguyên khối, ông Thuấn mừng như bắt được bảo vật. Dù chưa nghĩ sẽ tạo nên tác phẩm gì, cũng chưa xác định đây là loại gỗ nào nhưng ông cứ chắc mẩm nó sẽ tạo nên một "tuyệt tác".
"Ngày
ấy, ở Hà Nội thường "có mốt" mua các gốc cổ thụ về "chế"
thành bàn ghế để trong nhà hoặc vườn để tiếp khách. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lấy
khối gỗ lớn nhường ấy mà làm bàn thì phí quá, cuối cùng, tôi nghĩ đến bức tượng
phật Di Lặc", ông Thuấn nhớ lại.
Bức tượng mang một thần thái vô cùng nhẹ nhàng.
Ngay sau đó, ông Thuấn đã mời 6 nghệ nhân vừa có tâm, vừa có tài về để bắt đầu chế tác pho tượng. Ông Thuấn kể: “Tôi rất muốn có một sự phá cách, vì vậy tôi mời 6 nghệ nhân để mỗi người tạc một bộ phận theo sở trường và cảm nhận tinh tế của tâm hồn họ. Gần 2 năm sau, bức tượng mới hoàn thành.
Vừa nhìn thấy bức tượng tôi đã hài lòng ngay. Nhất là hình dáng, thần thái của pho tượng, có cảm giác nhẹ nhõm thanh thản lạ thường".
Trong nghệ thuật tranh tượng của Phật giáo, ngài Di-lặc thường được mô tả theo một hình thức hết sức đặc biệt với cái bụng thật lớn và cái miệng cười thật tươi để nói lên rằng:“Bụng trống năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ, Miệng lớn hay cười, cười những việc khó cười trong thế gian”.
Nhưng bức tượng hoàn thành, ông Thuấn lại loay hoay không biết nên đặt pho tượng ở đâu vì... quá lớn. Nếu để trong nhà cũng không đủ chỗ. Rốt cục ông Thuấn quyết định mang bức tượng dựng ở... vỉa hè, trước cửa công ty TNHH Công thương Hưng Long trên phố Văn Cao.
"Ban đầu cũng vì... bí mà để tượng phật ở đó. Ấy thế mà lâu dần lại "hóa hay". Người dân nào qua đường cũng đi chầm chậm lại một chút để ngắm bức tượng. Thậm chí nhiều người sống quanh đó ngày ngày còn dẫn con cháu ra bên bức tượng phật để chụp ảnh.
Từ cái ngày tôi mới khởi nghiệp, người ta còn chưa biết đồ gỗ Hưng Long, nhưng nhờ pho tượng, lắm người vì lạ, vì thích thú rồi trở thành đối tác", ông Thuấn hào hứng kể.
Cận cảnh từng đường nét trên bức tượng.
Bạc tỷ... cũng không bán
Ông Thuấn kể, không dưới 5 lần, nhiều đại gia tìm đến ông để gạ mua bức tượng. Thậm chí, có người còn cố dúi cả nắm tiền vào tay ông nhưng ông nhất định không bán.
"Ngày trước, nếu có người có tâm, thật lòng muốn mua để chơi thì có lẽ tôi cũng bán. Nhưng thường thì họ mua để đem biếu hoặc tặng, vì thế, dù mặc cả giá gấp 5 -7 lần số tiền tôi bỏ tiền ra dày công đục đẽo nhưng tôi cũng không muốn bán.
Bây giờ, thi thoảng cũng có người hỏi tôi giá bao nhiêu, lúc vui miệng tôi vẫn cười bảo 3 tỷ, 4 tỷ. Vì có pho tượng nào lớn bằng, ngang bằng đâu để định giá. Nhưng dù người ta có trả giá đó thật tôi cũng không bán. Sau 6-7 năm gắn bó, pho tượng đã trở thành người bạn của tôi, thành biểu tượng của Hưng Long.
Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, sau những lần công việc không xuôi chèo mát mái như mình mong muốn, chỉ cần ra ngắm bức tượng, nhìn cái dáng khoan thai, nụ cười hoan hỷ bất diệt của pho tượng mọi âu lo dường như tan biến. Khi ấy, tâm hồn cũng cảm thấy thanh thản lạ thường. Tôi nghĩ, cái đó thì tiền không bao giờ mua được", ông Thuấn trải lòng.
Nguồn tin: BĐVN
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự