Khoảng 10 năm
trước, trong lúc nghiên cứu bộ não ở một phụ nữ bị bệnh động kinh, TS Olaf
Blanke (Bệnh viện Đại học Gevena, Thụy Sỹ) đã tình cờ tạo ra được trạng thái
tương tự như thoát xác được mô tả trong hầu hết các tài liệu.
Khi sử dụng điện cực để kích thích vào hồi góc ở thùy thái dương, bệnh nhân cho biết đã thấy mình nhẹ đi, bay lên khoảng 2m, lơ lửng gần trần nhà và từ đó nhìn xuống cơ thể vẫn nằm trên giường. Tuy mỗi lần chỉ kéo dài vài giây, nhưng cảm giác này lặp đi lặp lại đến 3 lần trong thí nghiệm. Nó khiến TS Olaf tin rằng, thoát xác không phải là điều gì huyền bí, mà chỉ là một dạng phản ứng nào đó của não khi bị kích thích.
Nhà khoa học này cùng đồng nghiệp đã bền bỉ theo đuổi những nghiên cứu trong lĩnh vực này trong nhiều năm qua và công trình mới nhất của họ được công bố tại Hội nghị của Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học (AAAS) đang diễn ra tại Washington cho thấy, thoát xác là kết quả của tình trạng rối loạn tâm trí.
Nhóm nghiên cứu của TS Olaf đã đưa những người tình nguyện vào một căn phòng ảo do máy tính tạo ra bằng công nghệ 3D. Ở đó, có một mô hình người lặp lại chính xác toàn bộ các hành động và di chuyển của họ, được gọi là avatar. Khi các nhà khoa học đánh vào tay người tình nguyện bằng một cây gậy thì máy tính cũng tạo ra một cú đánh tương tự vào tay avatar. Điều ngạc nhiên là những người tham gia thí nghiệm hòa nhập vào môi trường ảo đến mức, họ tin rằng mình đang sở hữu cơ thể của avatar thay vì cơ thể thật của chính họ.
Trong một thí
nghiệm khác, những người tình nguyện đứng trước một màn hình, trên đó là avatar
quay lưng lại phía họ. Các nhà khoa học chạm vào người tình nguyện bằng một cây
gậy thật, đồng thời máy tính cũng chạm vào avatar bằng một cây gậy ảo. Nhưng người
tình nguyện không nhận ra sự khác biệt đó.
Họ đinh ninh rằng cơ thể mình đang ở phía trước, cách xa cơ thể thật đến 2m và cảm giác bị đụng chạm mà họ cảm thấy không phải là cảm giác thật... Các nhà khoa học còn thử bóp nhẹ ngón tay trỏ của những người tình nguyện, nhưng không đụng đến avatar. Khi tưởng rằng cơ thể mình là cơ thể avatar, người tình nguyện ít cảm thấy đau hơn lúc bình thường.
Từ những thí nghiệm này, TS Olaf và đồng nghiệp cho rằng, trạng thái thoát xác sẽ xảy ra khi bộ óc bị làm cho rối loạn và nhầm lẫn giữa các giác quan, đặc biệt là xúc giác và thị giác. Kỹ thuật mà họ sử dụng để tạo ra trạng thái thoát xác có thể ứng dụng để sản xuất các trò chơi nhập vai, hoặc để điều trị những căn bệnh bắt nguồn từ việc cảm nhận méo mó về ngoại hình như chứng chán ăn.
Thoát xác hay ảo thân (out-of-body) là những khái niệm dùng để mô tả trạng thái mà một số người đã trải qua khi cận kề cái chết hoặc phẫu thuật.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự